Dầu tăng 3% do số liệu lọc dầu của Trung Quốc mạnh mẽ
Giá dầu tăng khoảng 3% lên mức cao nhất một tuần do USD yếu và hoạt động lọc dầu tăng vọt tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Chốt phiên 15/6, dầu thô Brent tăng 2,47 USD hay 3,4% lên 75,67 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 2,35 USD hay 3,4% lên 70,62 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất của dầu thô Brent và WTI kể từ ngày 8/6.
Tại Mỹ lợi nhuận lọc dầu lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2022. Trong khi giá dầu diesel của Mỹ tăng khoảng 5% lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 4.
Thị trường dầu mỏ được hỗ trợ từ các báo cáo của Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ bất ngờ tăng trong tháng 5 và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cao hơn dự kiến trong tuần trước khiến USD giảm xuống mức thấp nhất 5 tuần so với rổ các đồng tiền khác.
USD yếu hơn làm dầu rẻ hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác.
Số liệu cũng cho thấy hoạt động lọc dầu của Trung Quốc tăng 15,4% trong tháng 5 so với một năm trước, đạt cao thứ hai trong kỷ lục.
Nhu cầu dầu của Trung Quốc dự kiến tiếp tục tăng với tốc độ ổn định trong nửa cuối năm nay.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm như đã dự kiến.
Về phía nguồn cung, giới phân tích kỳ vọng việc cắt giảm sản lượng tự nguyện được OPEC+ thực hiện trong tháng 5 sẽ hỗ trợ giá tại thời điểm nhu cầu mạnh.
Ngân hàng UBS dự kiến nguồn cung thiếu hụt khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 6 và hơn 2 triệu thùng/ngày trong tháng 7.
Tại Iraq, một phái đoàn năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp mặt các quan chức dầu mỏ của Iraq tại Bangdad trong ngày 19/6 để thảo luận về việc khôi phục xuất khẩu dầu ở miền bắc Iraq.
Vàng tăng
Giá vàng bật lên từ mức thấp nhất 3 tháng do USD và lợi suất trái phiếu giảm sau số liệu kinh tế của Mỹ.
Vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.957,73 USD/ounce sau khi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 17/3 . Vàng Mỹ kỳ hạn thang 8 đóng cửa tăng 0,1% lên 1.970,7 USD/ounce.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ không đổi tại 262.000 đơn trong tuần trước, trong khi số liệu khác cho thấy sản lượng công nghiệp giảm 0,2% trong tháng 5, thấp hơn dự đoán tăng 0,1%.
Chỉ số USD giảm 0,8% xuống mức thấp nhất một tháng, trong khi lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm đang hỗ trợ nhu cầu.
Đồng lên mức cao nhất 5 tuần
Giá đồng đảo lại chiều giảm trước đó, lên mức cao nhất 5 tuần do USD yếu và hy vọng Trung Quốc sẽ hỗ trợ nhiều hơn với nền kinh tế của họ sau khi số liệu sản xuất tháng 5 thất vọng.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,7% lên 8.570 USD/tấn sau khi đạt 8.577 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 10/5 và vượt ngưỡng trung bình 50 ngày tại 8.496 USD/tấn.
Dự đoán các biện pháp kích thích kinh tế sắp tới từ Trung Quốc đang hỗ trợ giá đồng và các kim loại khác trong tuần này.
USD giảm sau khi doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 5, khiến các kim loại định giá bằng USD thu hút hơn cho người giữ các ngoại tệ khác.
Quặng sắt Đại Liên cao nhất 11 tuần
Giá quặng sắt Đại Liên và Singapore tăng phiên thứ 3 liên tiếp, do tăng trưởng công nghiệp yếu hơn dự kiến tại Trung Quốc củng cố quan điểm Bắc Kinh sẽ tung thêm các biện pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Đầu tư trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, nơi tiêu thụ thép nhiều nhất nước, giảm trong tháng trước với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2001, theo tính toán của Reuters dựa trên số liệu của Cục Thống kê Quốc gia. Doanh số bán bất động sản theo diện tích sàn giảm 19,7% so với giảm 11,8% trong tháng 4.
Số liệu thất vọng này đã gây áp lực cho thị trường kim loại đen này trong phiên giao dịch buổi sáng, bất chấp ngân hàng trung ương cắt giảm chi phí vay của các khoản vay chính sách trung hạn lần đầu tiên trong 10 tháng.
Quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,43% lên 815,5 CNY/tấn, cao nhất kể từ ngày 31/3.
Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 7 tăng 0,76% lên 113,3 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 18/4.
Thép cây tại Thượng Hải tăng 0,59%, thép cuộn cán nóng tăng 0,49% và thép dây tăng 0,45%. Thép không gỉ giảm 1,14%.
Cao su Nhật Bản tăng do đồng JPY yếu và xuất khẩu tăng
Giá cao su Nhật Bản tăng do đồng JPY yếu và xuất khẩu bất ngờ tăng trưởng mặc dù triển vọng ảm đạm của Trung Quốc đã hạn chế đà tăng.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 1 JPY hay 0,5% lên 210,7 JPY (1,49 USD)/kg.
Tại Thượng Hải cao su giao tháng 9 tăng 65 CNY lên 12.155 CNY (1.698,46 USD)/tấn.
Đồng JPY giảm 0,89% so với USD thành 141,37, một mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Đồng JPY yếu khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này giá cả phải chăng hơn khi mua bằng các ngoại tệ khác.
Xuất khẩu của Nhật Bản bất ngờ tăng trong tháng 5 do doanh số bán ô tô mạnh, mặc dù tốc độ tăng chậm lại khi lạm phát và lãi suất đang tăng ảnh hưởng tới nhu cầu toàn cầu.
Đường diễn biến trái chiều
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 0,16 US cent hay 0,6% lên 26 US cent/lb.
Các đại lí cho biết đồng real của Brazil mạnh lên làm giảm giá mặt hàng này tính dưới dạng đồng nội tệ tại nước xuất khẩu lớn nhất thế giới này và hạn chế các nhà máy bán ra.
Có một số dấu hiệu rằng giá đường tại Mỹ có thể bắt đầu giảm từ mức cao 3 năm trước, mặc dù thời tiết tốt hơn là cần thiết để tránh bất kỳ vấn đề nào với sản lượng trong nước.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 2,1 USD hay 0,3% xuống 685 USD/tấn.
Cà phê tăng
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 63 USD hay 2,3% lên 2.757 USD/tấn.
Giá cà phê arabica giao tháng 9 tăng 2,8 US cent hay 1,6% lên 1,8295 USD/lb.
Giá cà phê tại Việt Nam tiếp tục tăng trong tuần này do lo ngại nguồn cung thiếu hụt sau khi hiện tượng thời tiết El Nino trở lại. Tại Indonesia giá cũng vẫn cao với sản lượng ước tính giảm 20% trong năm nay.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê nhân xô với giá 64.200 – 64.900 đồng (2,73 – 2,76 USD)/kg, tăng vọt từ 60.700 – 61.900 đồng/kg một tuần trước.
Một lái thương ở đây cho biết “hầu hết nông dân đã bán cà phê khi giá ở mức 40.000 đồng/kg vì thế họ không thực sự tận dụng được giá cao”.
Các thương nhân tại Việt Nam đã chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức cộng 120 – 140 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 tại London, một tuần trước mức cộng là 40 – 50 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 ở mức 866.121 tấn, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu cà phê trong giai đoạn này đạt 2 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Indonesia cà phê Sumatra được chào bán ở mức cộng 300 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 trong tuần này, tăng từ mức cộng 270 USD/tấn một tuần trước. Giá cao khiến các doanh nghiệp xuất khẩu hoang mang, họ không biết nên bán hay mua.
Giá gạo Việt Nam tăng mạnh do nguồn cung thấp
Giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam cao nhất trong hơn hai năm trong tuần này do nguồn cung khan hiếm, các thương nhân cũng lo ngại về khả năng sản lượng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 498 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 4/2021, mức một tuần trước là 490 – 495 USD/tấn. Giá lúa trong nước tăng do nguồn cung khan hiếm và lo ngại hiện tượng El Nino trong năm nay ảnh hưởng tới triển vọng sản lượng.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay tăng 30,8% so với một năm trước, đạt 3,62 triệu tấn, với kim ngạch 1,9 tỷ USD.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm không đổi tại 490 – 495 USD/tấn. Nguồn cung mới chưa vào thị trường trong khi có nhu cầu xuất khẩu, và với thời tiết thất thường dẫn tới lũ lụt và hạn hán, giá sẽ vẫn ở mức cao.
Nguồn cung khan hiếm và động thái tăng tỷ lệ thu mua của chính phủ cũng thúc đẩy giá gạo đồ 5% tấm từ Ấn Độ lên mức cao nhất 3 tháng tại 390 – 398 USD/tấn so với mức 388 – 395 USD/tấn một tuần trước. Các nguồn cung từ vụ đông giảm mạnh trong vài tuần qua, thúc đẩy giá lúa tăng.