Dầu đảo chiều tăng hơn 1%
Giá dầu tăng thêm 1 USD mỗi thùng vào thứ Hai sau 3 phiên giảm liên tiếp, được thúc đẩy bởi triển vọng thắt chặt nguồn cung ở Canada và các nơi khác, mặc dù lo ngại suy thoái kinh tế tiếp tục gây áp lực lên thị trường.
Dầu thô Brent kết thúc phiên tăng 1,06 USD, tương đương 1,4%, lên 75,23 USD/thùng. Dầu thô Trung cấp Tây Texas của Mỹ (WTI) ổn định ở mức 71,11 USD/thùng, tăng 1,07 USD hay 1,5% so với phiên liền trước.
Robert Yawger, nhà phân tích của Mizuho cho biết, cháy rừng hoành hành ở Alberta, Canada, làm ngừng cung cấp một lượng lớn dầu thô và giá tăng do lo ngại tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.
Nguồn cung dầu thô toàn cầu cũng có thể thắt chặt trong nửa cuối năm do OPEC+ - Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga - lên kế hoạch cắt giảm sản lượng bổ sung.
Vàng tăng khi USD giảm
Giá vàng tăng thứ Hai do đồng USD yếu đi khi các nhà giao dịch đặt cược vào việc Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất trước cuối năm bất chấp ý kiến từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang. Các nhà đầu tư cũng đang tập trung vào các cuộc đàm phán về trần nợ của Mỹ.
Vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,4% lên 2.019,37 USD/ounce, phục hồi từ mức thấp 1 tuần chạm tới vào thứ Sáu. Giá vàng kỳ hạn tháng Sáu tăng 0,1% lên 2.022,70 USD.
Đồng USD giảm từ mức cao nhất 5 tuần, khiến vàng thỏi trở nên rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Trọng tâm chú ý của thị trường trong tuần này sẽ tập trung vào nhiều diễn giả của Fed, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell.
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy của Đảng Cộng hòa đã bước vào một tuần quan trọng để đàm phán về trần nợ nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng.
Đồng tăng trở lại
Giá đồng tăng vào thứ Hai khi ngân hàng trung ương Trung Quốc bơm thanh khoản thể hiện quyết tâm hỗ trợ cho nền kinh tế và giúp kim loại này phục hồi từ mức thấp nhất trong 5 tháng vào tuần trước.
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,3% lên 8.279 USD/tấn.
Đồng USD Mỹ giảm từ mức cao nhất trong 5 tuần, khiến các kim loại định giá bằng đồng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Ca cao giảm từ đỉnh 6,5 năm
Giá ca cao kỳ hạn giảm nhẹ từ mức cao nhất trong 6 năm rưỡi của phiên trước đó, mặc dù nguồn cung khan hiếm tiếp tục củng cố thị trường.
Ca cao kỳ hạn tháng 7 trên sàn New York giảm 0,8% xuống 2.962 USD/tấn sau khi đạt đỉnh vào thứ Sáu tuần trước - cao nhất trong 6 năm rưỡi, là 3.049 USD.
Các đại lý cho biết thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi lượng hàng cập cảng tại nhà sản xuất hàng đầu thế giới - Bờ Biển Ngà - giảm, điều này đã làm thắt chặt nguồn cung.
Ca cao tháng 7 trên sàn London giảm 1,1% xuống 2.244 GBP/tấn.
Cao su tăng trở lại
Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản đã kết thúc chuỗi giảm giá kéo dài 4 ngày do thông tin về nguồn cung tại thị trường Thượng Hải và đồng yên yếu hơn.
Hợp đồng cao su giao tháng 10 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 3,6 yên, tương đương 1,7%, ở mức 212,5 yên (1,57 USD)/kg, mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 1 tháng Năm.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) tăng 335 NDT, tương đương 2,8%, lên 12.305 NDT (1.780,21 USD)/tấn.
Tồn kho cao su tại các kho do SHFE giám sát đã giảm 1% so với một tuần trước đó.
Đồng yên Nhật suy yếu 0,20% so với đồng USD xuống 135,99. Đồng yên yếu đi khiến các tài sản bằng đồng yên trở nên hợp lý hơn khi mua bằng các loại tiền tệ khác.
Cà phê tăng
Giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 7 tăng 0,7% lên 2.448 USD/tấn.
Thị trường đang đặt hy vọng vào vụ mùa của Brazil khi giá cà phê đắng, thường được sử dụng để sản xuất cà phê hòa tan, đạt mức cao nhất trong 12 năm sau khi xuất khẩu của Việt Nam - nhà sản xuất robusta hàng đầu thế giới - sụt giảm.
Cà phê arabica giao tháng 7 tăng 1,9% lên 1,8625 USD/lb.
Lúa mì tăng hơn 3%
Giá lúa mì Mỹ tăng hơn 3% vào thứ Hai, được hỗ trợ bởi dự báo chính thức về nguồn cung của Mỹ trong mùa tới thấp hơn dự kiến và những nghi ngờ về việc gia hạn thỏa thuận về hành lang vận chuyển từ Ukraine trước hạn chót trong tuần này.
Giá ngô và đậu tương Mỹ cũng tăng, được hỗ trợ bởi xu hướng tăng giá lúa mì và dầu thô, đồng USD yếu hơn và lo ngại về quy mô của các loại cây trồng của Argentina bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
Kết thúc phiên, trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT), giá lúa mì kỳ hạn tháng 7 tăng 21-1/2 cent lên 6,56-1/2 USD/bushel.
Giá ngô trên sàn CBOT kỳ hạn giao tháng 7 tăng 4-3/4 lên 5,91 USD/bushel, trong khi đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 11-1/2 cent lên 14,01-1/2 USD/bushel.
Quặng sắt tăng
Giá quặng sắt kỳ hạn của các sàn Đại Liên và Singapore tăng vào thứ Hai, với tâm lý nhà đầu tư phấn chấn trước những dấu hiệu cải thiện về nhu cầu ở hạ nguồn và kỳ vọng về một loạt chính sách kích thích sẽ được triển khai tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhu cầu trong lĩnh vực xây dựng đối với 5 sản phẩm thép chính - thép cây, thép cuộn, thép cuộn cán nóng, thép cuộn cán nguội và thép tấm trung bình - trong tuần tính đến ngày 11 tháng 5 đã tăng 9% so với tuần trước lên 10,08 triệu tấn, theo dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) đã kết thúc giao dịch trong ngày với mức tăng 4,17% lên cao nhất trong ba tuần, là 725 nhân dân tệ (104,89 USD)/tấn, sau khi giảm 1,3% vào tuần trước.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 6 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 3,97% lên 103,4 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 8 tháng 5.
Giá thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 2% lên 3.667 nhân dân tệ/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 2,33% và thép cuộn tăng 1,13%. Giá thép không gỉ giảm 0,16%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 16/5: