Quỹ bình ổn đã âm?
Theo thông tin Bộ Tài chính cho biết, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đến hết quý I/2022 âm gần 170 tỉ đồng, trong đó, 2 "ông lớn" về kinh doanh xăng dầu là Petrolimex và PVOIL cũng âm rất sâu.
Kỳ điều chỉnh giá xăng dầu do Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa thực hiện ngày 11/5, theo đó, mỗi lít xăng RON95 đã cán mốc 29.980 đồng, E5 RON 92 là 28.950 đồng một lít. Riêng loại xăng RON95 V (loại xăng cao cấp) giá đã vượt 30.000 đồng.
Qua 5 lần điều chỉnh giá xăng dầu kể từ khi áp dụng mức giảm thuế bảo vệ môi trường, trong đó có 2 lần giảm, 3 lần tăng, nhưng giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng. Trên thực tế, vừa qua, cơ quan điều hành tiếp tục không chi Quỹ Bình ổn xăng dầu với các mặt hàng xăng, dầu diesel. Mức chi quỹ với dầu hoả tăng lên 300 đồng một lít (kỳ trước là 0 đồng), dầu madut là 33 đồng (kỳ trước là 0 đồng).
Mức trích Quỹ bình ổn với xăng RON95, xăng E5 RON92 và dầu diesel là 100 đồng một lít. Những kỳ điều chỉnh gần đây, mặc dù nhà điều hành thường xuyên trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu, nhưng hiện nay, một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu vẫn đang âm quỹ.
Theo số liệu của cơ quan quản lý, tính đến cuối tháng 12/2021, tổng số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu là gần 899 tỉ đồng. Trong quý đầu năm nay, số tiền các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trích lập vào quỹ là gần 602 tỉ, tuy nhiên, số tiền quỹ phải chi ra để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường lên tới 1.671 tỉ đồng.
Với các số liệu này, tính đến cuối tháng 3/2022, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước đã rơi xuống mức âm gần 170 tỉ đồng.
Khó kéo giảm trước biến động thế giới
Theo các doanh nghiệp, giá xăng dầu trong nước trong những kỳ điều hành vừa qua thấp hơn giá xăng dầu thế giới nhờ mức giảm 50% thuế bảo vệ môi trường và chi Quỹ bình ổn giá, nếu không có mức giảm này, xăng sẽ đội lên mức giá đỉnh của nhiều năm qua.
Để kìm hãm đà tăng rất mạnh của giá xăng dầu, đảm bảo chương trình phục hồi kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh bình thường mới, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp xăng dầu cho rằng mức giảm phải đủ mạnh mới có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp...
Đại diện một thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu phía Bắc cho hay, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, doanh nghiệp không "sức nào chịu nổi". Doanh nghiệp này mong chờ cơ quan quản lý giảm thuế thực chất hơn nữa.
Đơn cử, giảm 100% thuế bảo vệ môi trường và tính toán giảm thêm một số sắc thuế khác như thuế nhập khẩu. Bởi đây là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc dân, đến người dân.
Về nguyên nhân đã giảm thuế bảo vệ môi trường và trích quỹ bình ổn nhưng giá xăng dầu vẫn tăng cao, cơ quan điều hành cho rằng, giá xăng tăng mạnh phiên 11/5 là do thị trường xăng dầu thế giới tuần trước đó có nhiều biến động lớn.
Việc EU đưa ra đề xuất cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nga và OPEC+ không tăng sản lượng so với kế hoạch như đề xuất của EU đã gây lo ngại về nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Quốc Phương cho rằng, giá xăng trong nước tăng do giá xăng dầu thế gới liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay và vẫn đang trong xu hướng tăng, trong khi đó, giá xăng dầu trong nước liên thông với giá xăng dầu thế giới. Mặc dù hiện nay, Việt Nam đảm bảo nguồn cung trong nước được 70% sản lượng, nhưng vẫn còn 30% phải nhập khẩu.
Hiện nay, giá xăng dầu thế giới không thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 147 USD/thùng của năm 2008. Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng cao, Việt Nam thực hiện một số biện pháp để giảm giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp giải quyết tình thế, chỉ giảm một phần nhỏ chứ không hy vọng giảm mạnh được.
“Chuyên gia này cho rằng, kể cả bây giờ Bộ Tài chính có đồng ý giảm thêm một loại thuế phí như VAT, thuế nhập khẩu cũng không giúp bình ổn được giá xăng dầu, thậm chí còn làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách trong bối cảnh ngân sách cũng đang rấtkhó khăn”, ông Phương nói.
“Điều đó cho thấy, việc mong muốn giảm thuế, phí xăng dầu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp và Chính phủ đã thực hiện nhưng đừng mong giảm được giá xăng dầu nhiều do nguyên nhân chính là giá xăng dầu thế giới tăng rất mạnh”, ông Phương nói.