Tại hội nghị về kinh tế mới đây, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết trong những năm gần đây tổng lượng vốn đầu tư FDI trên toàn thế giới tiếp tục suy giảm. Đặc biệt tại Trung Quốc, dòng vốn FDI rút khỏi thị trường này tính riêng năm 2023 lên đến 150 tỷ USD/năm.
Dù vậy, nằm trong nhóm các nền kinh tế đang phát triển song theo Chuyên gia từ ADB thì Việt Nam vẫn "giữ nhịp" thu hút được vốn FDI khá tốt. Thống kê cho thấy vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hàng đầu cho những nhà sản xuất đang rút ra khỏi Trung Quốc nhờ vị thế chiến lược trong chuỗi cung ứng và độ mở trong cả kinh tế và chính trị. Cùng với đó, Việt Nam vẫn duy trì được một lượng vốn FDI giải ngân tốt, khoảng 1,8 tỷ USD/tháng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam duy trì được mức cao nhất trong 5 năm liền kề.
Hơn hết, loạt thương hiệu lớn từ hầu hết các lĩnh vực đã và đang đổ bộ Việt Nam. Chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên cho chiến lược “oversea” hơn 25 năm về trước, đại diện TCL tiếp tục khẳng định Việt Nam sẽ là thị trường trọng điểm của Tập đoàn.
TCL chia sẻ, chiến lược mở rộng xuất khẩu đang là kim chỉ nam cho tăng trưởng của toàn Tập đoàn. Trong đó, doanh thu giai đoạn 2021-2023 đạt mức tăng trưởng CAGR 9,3%, dẫn đầu các thị trường là khu vực châu Á Thái Bình Dương với 24%. Lợi nhuận ròng cùng giai đoạn thậm chí đạt mức tăng trưởng CAGR đến 56,9%.
Dài hơi, TCL xác định “oversea” tiếp tục là mũi nhọn để đạt mục tiêu CAGR 3 năm tới với 52%, mà trong đó châu Á Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng là thị trường trọng điểm.
“TCL đã đặt nền móng tại Việt Nam bằng việc xây dựng Nhà máy sản xuất tại Bình Dương vào năm 2019 với diện tích 72.900 m2 và tổng mức đầu tư hơn 53,56 triệu USD. Đây được đánh giá là cơ sở sản xuất TV hoàn chỉnh nhất trong chuỗi đầu tư của các nhà máy tự xây dựng ở Đông Nam Á”, phía TCL cho biết thêm.
Schneider Electric - tập đoàn toàn cầu về huyển đổi số trong quản lý năng lượng và tự động hóa – cũng vừa có chia sẻ tương tự tại Innovation Summit Vietnam 2024. Trong đó, Việt Nam sẽ là quốc gia trọng điểm để Schneider Electric giới thiệu những phát triển mới nhất về tự động hóa, số hóa và điện hóa.
“30 năm đánh dấu một bước chuyển tiếp quan trọng để sang chương tiếp theo của Schneider Electric tại Việt Nam. Đó là trở thành người tiên phong thúc đẩy tiến bộ xã hội và tác động bền vững để định hình tương lai của ngôi nhà, công trình kiến trúc, trung tâm dữ liệu, cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp tại Việt Nam”, ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám đốc Schneider Electric Vietnam & Campuchia chia sẻ.
Đặc biệt, Schneider Electric nhấn mạnh vai trò của Tập đoàn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng trạm sạc xe điện – một trong những sân chơi rất mới và sôi động tại Việt Nam. Theo Schneider Electric, những người sử dụng xe điện có nhu cầu sạc khi dừng chứ không phải dừng để sạc. Với sự phát triển của công nghệ, tầm hoạt động của xe điện ngày càng xa hơn vì thế nhu cầu dừng lại để sạc xe điện càng ngày càng nhỏ đi. Khi người dùng xe điện sạc xe tại nhà hay các tòa cao ốc, sẽ giảm được chi phí từ 20 - 25%, chủ động được khoảng thời gian chạy xe cũng như ứng dụng các công nghệ về năng lượng tái tạo để sạc xe điện.
Tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu thế giới Boeing mới đây cũng đã chính thức mở văn phòng thường trực tại Hà Nội. Chia sẻ tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Brendan Nelson, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Boeing toàn cầu đánh giá, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu, bởi vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực, với tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, dân số 100 triệu người, tốc độ phát triển kinh tế nhanh, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và việc ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Dự báo tương lai 30 năm tới, Đông Nam Á sẽ cần tới 4.000 máy bay, trong đó Việt Nam dẫn đầu về nhu cầu này. Do đó, Boeing cho biết muốn trở thành nhà cung cấp chiến lược cho Việt Nam.
Gấn nhất, trong buổi gặp gỡ giữa các lãnh đạo cấp cao, đại diện của 1 trong 2 tập đoàn dược lớn nhấn Ấn Độ là ông P.Ramesh Babu, Chủ tịch - Giám đốc điều hành Tập đoàn SMS Pharmaceuticals đã bày tỏ mong muốn Việt Nam dành 500ha đất giải phóng mặt bằng để đầu tư vào công ty dược phẩm. Từ công viên này, Tập đoàn sẽ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp tham gia và sau 6-8 tháng sẽ đi vào sản xuất thương mại.
Đáng nói, tập đoàn dược này đang có ý tưởng chuyển từ điều trị ung thư bằng biện pháp hóa học sang sinh học cũng như sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc ung thư khi đầu tư tại Việt Nam – một căn bệnh rất phổ biến và đang là “nỗi sợ” của bất kỳ người dân nào. Ngoài sản xuất thuốc, tập đoàn còn mong muốn xây dựng trung tâm dữ liệu liên quan xạ trị và hóa trị ung thư tại Việt Nam.
Cũng trong mảng dược, Merck - tập đoàn dược khổng lồ đứng sau viên thuốc Molnupiravir chữa Covid – cũng chọn Việt Nam là thị trường ưu tiên cho những chính sách phát triển và đãi ngộ của mình.
Trên thế giới, Merck là một công ty khoa học và công nghệ với hơn 64.000 nhân viên tại 65 quốc gia. Merck cũng được biết đến là công ty tiên phong mang đến các giải pháp điều trị hiếm muộn và hỗ trợ sinh sản trên toàn cầu. Theo đó, Merck đang đánh mạnh vào “ngách” hiếm muộn tại Việt Nam. Tập đoàn Mỹ này còn chơi lớn khi tuyên bố toàn bộ nhân viên Công ty tại Việt Nam sẽ được chi trả chi phí điều trị đối với các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam còn thể hiện qua ngành bán lẻ, trang sức xa xỉ, mỹ phẩm… phục vụ nhu cầu ngày càng tăng và cao cấp hoá của người dân. Từ đầu năm đến nay, loạt thương hiệu cao cấp “tranh” nhau mở các cửa hàng tại trung tâm quận 1 cũng như ra mắt các bộ sưu tập mới, kể tên có Cartier, Oris, Hublot, Longines, Vertu…
“Việt Nam theo tôi là một thị trường rất năng động và sáng tạo. Với 10 năm làm việc ở Oris và khu vực Châu Á, sau khi đặt chân đến đất nước này tôi đã thực sự bị bất ngờ. Một đất nước mà khi bước chân ra đường có thể thấy được nhịp đập của con người tại đây rất rõ rệt thông qua cách con người Việt Nam kinh doanh hạt cà phê và xây dựng những mô hình quán cà phê rất độc đáo, thông minh.
Đó chỉ là một khía cạnh nhỏ những cũng đủ để đánh giá Việt Nam là một thị trường thú vị trong khu vực châu Á. Và nhiều đối tác của tôi cũng đã dành lời khen cho đất nước này, rằng thị trường mặt hàng xa xỉ vẫn có những lợi thế mà thương hiệu Oris có thể phát triển được tại đây. Đó là lý do chúng tôi bắt đầu đưa Oris vào Việt Nam”, ông Michael Meier - Giám đốc thương hiệu khu vực châu Á Thái Bình Dương – chia sẻ về góc nhìn của mình và cơ duyên bị Việt Nam thu hút bởi một loại nông sản là cà phê.