Theo số liệu mới công bố, GDP của Philippines trong quý II/2023 đã tăng trưởng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo Cơ quan Thống kê Philippines, tốc độ tăng đã giảm tốc trong quý thứ ba liên tiếp trong bối cảnh chi tiêu của Chính phủ chậm lại.
Theo đó, chi tiêu Chính phủ và đầu tư tư nhân cũng giảm so với cùng kỳ trong quý II, với mức giảm lần lượt là 7,1% và 0,04%, từ mức 10,9% và 17,2% hồi quý II/2022.
Nicholas Mapa, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng ING, cho biết, Philippines phải đối mặt với "bối cảnh toàn cầu đầy thách thức, áp lực giá cả, kích thích tài chính mờ nhạt và chi phí đi vay tăng cao.
Theo Nikkei Asia, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay, nền kinh tế Philippines sẽ phải tăng trưởng trung bình ít nhất 6,6% trong nửa cuối năm.
Trước đó không lâu, Dữ liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia cho biết, tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong quý II/2023 bất ngờ tăng tốc lên mức cao nhất trong ba quý trở lại đây. Cụ thể, GDP của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong quý II/2023 tăng 5,17% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi chi tiêu Chính phủ và hộ gia đình.
Trong đó, tiêu dùng hộ gia đình, chiếm hơn một nửa GDP, đã tăng 5,23% so với cùng kỳ, tốc độ nhanh nhất kể từ quý III/2022. Bên cạnh đó, đầu tư và chi tiêu Chính phủ cũng tăng lần lượt là 4,63% và 10,62% so với cùng kỳ do Chính phủ Indonesia đã đẩy nhanh việc xây dựng đường giao thông và hệ thống thủy lợi trước khi nhiệm kỳ cuối cùng của Tổng thống Joko Widodo kết thúc vào năm 2024.
Trong khi đó, lĩnh vực xuất khẩu của Indonesia trong quý II/2023 ghi nhận giảm 2,75%, trái ngược hoàn toàn với mức tăng trưởng hơn 10% của quý trước.
Trước đó, theo công bố của Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore, trong quý II/2023, GDP của Singapore ghi nhận mức tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 0,4% trong quý I/2023.
Xét theo từng nhóm ngành, báo cáo của MTI cho biết, lĩnh vực sản xuất trong quý II giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức giảm 5,3% trong quý I.
Ngược lại, lĩnh vực xây dựng đã tăng 6,6% so với cùng kỳ trong quý II, được hỗ trợ bởi sự gia tăng sản lượng xây dựng của cả khu vực công và tư nhân.
Bên cạnh đó, nhóm ngành lĩnh vực dịch vụ, thương mại bán buôn và bán lẻ cũng như lĩnh vực vận tải và lưu trữ tăng 2,6% so với cùng kỳ. Theo MTI, đây là một sự thay đổi so với mức giảm 0,7% trong quý trước.
Theo MTI, trừ lĩnh vực tài chính và bảo hiểm bị thu hẹp do hoạt động yếu kém của phân khúc bảo hiểm và ngân hàng, nhóm các lĩnh vực bao gồm thông tin và truyền thông, tài chính và bảo hiểm, cũng như các lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp, đã tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II.
Nhóm ngành dịch vụ còn lại - dịch vụ lưu trú và ăn uống, bất động sản, dịch vụ hành chính và hỗ trợ, và các ngành dịch vụ khác trong quý II tăng trưởng 6,1% so với cùng kỳ.
Còn ở Việt Nam, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,25%, đóng góp 8,53% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,50%, đóng góp 23,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,11%, đóng góp 67,84%.