Thấy gì từ bức tranh tài chính của Tập đoàn TASECO?

An Nam | 09:00 23/01/2024

Nợ phải trả tăng mạnh trong khi lợi nhuận bắt đầu dương trở lại sau 2 năm âm liên tiếp là một trong những điểm nhấn của bức tranh tài chính của ông lớn dịch vụ hàng không TASECO, tập đoàn đang dấn thân mạnh mẽ vào lĩnh vực bất động sản.

Thấy gì từ bức tranh tài chính của Tập đoàn TASECO?
Đại bản doanh của Tập đoàn TASECO hiện đóng tại Tòa nhà N02-T1, Khu đoàn Ngoại giao (Hà Nội). Ảnh: TASECO Group

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất cập nhật mới nhất, kết thúc năm 2022, nợ phải trả của Tập đoàn TASECO ở mức hơn 4.872 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn ở mức hơn 4.312 tỷ đồng, nợ dài hạn ở mức hơn 560 tỷ đồng.

Mức nợ phải trả này của Tập đoàn TASECO tăng đang kể so với mức hơn 4.189 tỷ đồng (2021) và mức hơn 2.120 tỷ đồng (2020).

Về lợi nhuận sau thuế, sau 2 năm liền báo lỗ (năm 2020 lỗ 100,18 tỷ đồng; năm 2021 lỗ 77,65 tỷ đồng) kết quả kinh doanh hợp nhất của Tập đoàn TASECO đã báo lãi 398,05 tỷ đồng vào năm 2022.

Đáng chú ý, tính đến tháng 6 năm 2023, Tập đoàn TASECO có đến 51% cổ phần nằm trong THT Phúc Linh, một doanh nghiệp mới thành lập tháng 1/2023 với 100% cổ phần thuộc về 3 cổ đông sáng lập có địa chỉ liên lạc “chung một căn phòng”.

Về lịch sử hình thành Tập đoàn TASECO, ngày 24/02/2005, Tập đoàn Taseco được thành lập với vốn điều lệ ban đầu là 5 tỉ đồng trên nền tảng phát triển lừ hoạt động kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại Sân bay quốc tế Nội bài.

Theo các thông tin do doanh nghiệp tự giới thiệu, đến nay, trải qua hơn một thập kỷ xây dựng và phát triển, Tập đoàn TASECO đã trở thành một doanh nghiệp có uy tín, với các hoạt dộng sản xuất và kinh doanh rộng khắp trên lãnh thổ Việt Nam.

Với đội ngũ nhân sự trong hệ thống hơn 1.500 người, Tập đoàn TASECO khẳng định có đủ năng lực về trình độ cũng như tiềm lực về tài chính để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng.

Tập đoàn TASECO hiện có vốn điều lệ ở mức 1.000 tỷ đồng và hoạt động trong các lĩnh vực gồm kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê, dịch vụ quan lý bất động sản, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, dịch vụ hàng không và các dịch vụ khác.

TASECO Land, “cú đấm thép" của Tập đoàn TASECO vào lĩnh vực bất động sản

Vừa qua, CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land), một thành viên của Tập đoàn TASECO vừa công bố đã chính thức trở thành công ty đại chúng và đã trở thành “hiện tượng” khi tăng nóng 21,43% tại phiên chào niêm yết trên sàn giao dịch UPCOM với mã cổ phiếu TAL.

Tiền thân của Taseco Land là CTCP Đầu tư Bất động sản An Bình thành lập năm 2009 với vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Sau 7 lần tăng vốn, quy mô vốn công ty tăng lên 2.700 tỷ đồng như hiện nay.

Taseco Land được xem thành viên nóng cốt của Tập đoàn TASECO. Tại ngày 31/5/2023, công ty có 344 cổ đông, toàn bộ cổ đông của Taseco Land là nhà đầu tư trong nước. Trong đó, CTCP Tập đoàn TASECO là cổ đông tổ chức lớn nhất sở hữu 72,49% vốn. 343 cổ đông cá nhân còn lại nắm giữ 74,27 triệu cp, tương ứng 27,51% vốn.

Ông Phạm Ngọc Thanh hiện là chủ tịch của Tập đoàn TASECO, đồng thời, ông Thanh cũng là Chủ tịch tại Dịch vụ Hàng không Taseco, CTCP Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng. Tổng giám đốc của Taseco Land là ông Nguyễn Trần Tùng.

Năm 2022, doanh thu của Taseco Land tăng đột biến lên 280% đạt 2.829 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 370 tỷ đồng, gấp 2,8 lần năm 2021.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, Taseco Land lãi sau thuế 23,9 tỷ đồng, giảm 50,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Taseco Land tính đến ngày 30/6/2023 lên đến 7.897 tỷ đồng. Nợ phải trả ở mức 4.082 tỷ đồng, trong đó, dư nợ trái phiếu Taseco Land là 275 tỷ đồng.

Vào cuối năm 2021, Taseco Land đã phát hành thành công 125 tỷ đồng trái phiếu. Trong giai đoạn từ tháng 5 - tháng 8/2023, Taseco Land tiếp tục huy động thành công 350 tỷ đồng từ việc phát hành 2 lô trái phiếu.

Trong những năm qua, Taseco Land đã triển khai thành công hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố như Tòa nhà NO2-T1, Tòa nhà NO3-T2, Tòa nhà NO1-T4, Tòa nhà NO3-T6 tại Khu Đoàn Ngoại giao, thành phố Hà Nội; Khu nhà ở thấp tầng thuộc Khu đô thị mới Nam An Khánh tại Hoài Đức, Hà Nội; Khu đô thị Dệt may tại thành phố Nam Định; Khu đô thị kết hợp Công viên Cây xanh Green Park tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; Căn hộ - Khách sạn Alacarte Oceanview Đà Nẵng tại thành phố Đà Nẵng, Khu dân cư Hải Hà tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, Khu đô thị Lương Sơn Riverview tại thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình …

Thời gian tới, theo công bố, Taseco Land sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và mở rộng các dự án bất động sản như: Dự án Tòa nhà Landmark 55 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây; Dự án tòa nhà Thương mại dịch vụ và Căn hộ chung cư À LA CARTE Hạ Long; Dự án CC5A, CC2 tại Khu Đoàn Ngoại giao, quận Bắc Từ Liêm thành phố Hà Nội; Dự án Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu, Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội ...

Trong đó, Landmark 55 là dự án toà nhà cao tầng thứ ba của Hà Nội chỉ sau Keangnam Landmark Tower 72 tầng và Lotte Center Hà Nội 65 tầng và là toà nhà cao tầng nhất Hà Nội do người Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 4.810 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2028.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thấy gì từ bức tranh tài chính của Tập đoàn TASECO?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO