Tháo gỡ khó khăn cho ngư dân “ra khơi bám biển” theo Nghị định 67

Hải Sơn | 08:45 20/07/2022

Nghị định 67 đã giúp hơn 1 triệu ngư dân trên biển, gắn với hơn 4 triệu lao động trên bờ có sinh kế bền vững. Tuy nhiên, hàng nghìn tỷ đồng cho ngư dân vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã trở thành nợ xấu khó thu hồi.

Tháo gỡ khó khăn cho ngư dân “ra khơi bám biển” theo Nghị định 67
Nhiều chủ tàu đã bỏ "ra khơi bám biển", điều này cần nhất Chính phủ có chính sách để tháo gỡ khó khăn này. (Ảnh: Int)

Chi phí bủa vây, ngư dân bỏ tàu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính tới đầu tháng 7, khoảng 55% tàu cá nằm bờ, nhiều hoạt động tại các cảng cá trở nên đìu hiu. Đây là thực trạng buồn thời gian qua, khi mà mỗi con tàu ra khơi “gánh trên vai” chi phí đầu vào từ xăng, dầu tăng khoảng 35 - 48% so với trước. Nhiều chủ tàu không kham nổi khi giá dầu tăng cao, buộc phải nằm bờ.

Khi đọc những thông tin này không khỏi xót xa, vì thực tế, đây chỉ là “giọt nước tràn ly” khi từ mấy năm trước đó, nhiều ngư dân đóng được tàu từ Nghị định 67 đã phải cho tàu nằm bờ vì đánh bắt thuỷ sản khó khăn, máy móc liên tục hư hỏng, giá thuỷ hải sản lao dốc...

Hồi tháng 3/2022, Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết khoảng 80% tàu cá đóng mới từ vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 đánh bắt không hiệu quả. Đã có 7 tàu (5 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ) đã bị khởi kiện, đấu giá để thi hành án.

Trước đó, trả lời báo chí, lãnh đạo một ngân hàng tham gia cho vay vốn theo Nghị định 67 cho biết, tất cả các tàu đã và sắp đưa ra tòa đều ngừng trả lãi và nợ từ lâu. Thật sự có đấu giá con tàu cũng không thể thu hồi được vốn vay.

Điều không thể phủ nhận, Nghị định 67 là chính sách nhân văn, mang nhiều ý nghĩa và an sinh xã hội cho ngư dân. Bởi từ khi Nghị định được triển khai từ 7/7/2014 đến 31/12/2017, các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 – 2020). Tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng.

Chính sách ưu đãi này đã giúp số lượng tàu khai thác gần bờ giảm 13,2%, số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng 20,1% so với năm 2014; tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, nhờ chính sách này hơn 1 triệu ngư dân trên biển, gắn với hơn 4 triệu lao động trên bờ có sinh kế bền vững.

Tuy nhiên thực tế kết quả không như kỳ vọng. Số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố đến cuối quý 1/2022, tổng dư nợ cho vay theo Chương trình là 9.482​ tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 67,26%. Trong đó có tới 23/27 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ xấu cao trên 50%, thậm chí tại Bình Định tỷ lệ nợ xấu là 98%.

Triển khai đồng bộ giải pháp

Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay những khó khăn, vướng mắc liên quan đến ngành ngân hàng và thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đã có văn bản chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 27 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại thực trạng, hiệu quả hoạt động của từng khách hàng vay vốn theo Nghị định 67. Theo dõi nợ quá hạn, nợ xấu theo từng loại nguyên nhân. Đồng thời, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để xác định rõ nguyên nhân chủ tàu không trả nợ vay đúng hạn để có hướng xử lý cụ thể, hiệu quả đối với từng trường hợp.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng trong trường hợp ngư dân gặp khó khăn chưa trả được nợ vay khi đến hạn như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; ưu tiên thu nợ gốc trước, nợ lãi sau; tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có nhu cầu chuyển đổi chủ tàu do không đủ năng lực tiếp tục đánh bắt...

Đối với những khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền xử lý của các Bộ, ngành, đơn vị khác làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của ngư dân (như tàu đóng mới kém chất lượng, năng lực khai thác yếu kém, ngư trường khai thác không thuận lợi, chính sách bảo hiểm chưa hiệu quả, chuyển đổi nghề khai thác,…). Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính để xem xét xử lý, đồng thời đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách để đảm bảo hiệu quả triển khai chương trình.

Để xử lý những tồn tại, vướng mắc hiện nay, đặc biệt là hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản hiệu quả hơn, theo Ngân hàng Nhà nước, cần triển khai đồng bộ các giải pháp với sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương như: sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách theo Nghị định 67. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát lại nguồn thủy sản, ngư trường, quy hoạch phát triển tàu cá, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất để phát triển bền vững; đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ bảo hiểm, hỗ trợ tiền dầu, duy tu, bảo dưỡng.

Với chính sách tín dụng của Nghị định 67, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với tàu vỏ thép, vỏ composite được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với tàu vỏ gỗ.

Ngoài ra, còn có chính sách cho vay vốn lưu động để sản xuất: tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản và chi phí cho một chuyến đi biển đối với tàu khai thác hải sản với lãi suất cho vay là 6,5%/năm, hay các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm tàu cá, hỗ trợ đào tạo thuyền viên. Chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu tự huy động vốn đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ composite.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tháo gỡ khó khăn cho ngư dân “ra khơi bám biển” theo Nghị định 67
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO