Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo UBND Thành phố về tình hình thực hiện các dự án giao thông kết nối sân bay Tân Sơn Nhất. Sở này đề xuất đẩy nhanh tiến độ 3 dự án trọng điểm để giải quyết ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, dự án quan trọng nhất là đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa để nối vào nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Dự án dài hơn 4km với tổng mức đầu tư dự án hơn 4.484 tỷ đồng, đươc đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Công trình làm đường rộng từ 25 - 48m, vận tốc thiết kế đạt 50km/h, quy mô 6-8 làn xe.
Đồng thời, xây 2 hầm chui tại giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn (dài 42m, 2 làn xe) và nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (dài 35m, 2 làn xe). Ngoài ra còn làm một cầu vượt trước ga T3 dài gần 1km cho 4 làn xe.
Khó khăn lớn nhất của dự án là vướng mặt bằng khoảng 15,5ha đất quốc phòng. TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng cho Bộ Quốc phòng bàn giao trước 11,89ha cho thành phố quản lý để triển khai dự án. Để đẩy nhanh tiến độ, TP. Hồ Chí Minh sẽ khởi công trước hạng mục hầm chui đầu tuyến tại nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn vào tháng 11 năm nay và hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 9/2024 để đồng bộ với nhà ga T3.
Tuyến đường hình thành sẽ kết nối nhà ga hành khách T3, cải thiện tình trạng giao thông khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.
Một dự án sắp triển khai khác là công trình mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa. Dự án được phê duyệt tháng 10/2016 với tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng nhưng nay tăng lên gần 291 tỷ đồng do tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Dự án với chiều dài hơn 783m, rộng 22m. Hiện có 121/152 (đạt 80%) hộ dân ảnh hưởng bởi dự án đã đồng ý nhận tiền để bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đã đồng ý bàn giao hơn 3.361m2 đất quốc phòng cho dự án, quận Tân Bình đang tiến hành các thủ tục để thu hồi đất.
Dự kiến, sau khi hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, sẽ khởi công trong tháng 10 năm nay và hoàn thành sau 6 tháng thi công.
Cuối cùng là dự án cải tạo đường Cộng Hòa, đoạn từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến Thăng Long, dài 134 m, mở rộng 14-19 m. Dự án được phê duyệt tháng 10/2016 với tổng mức đầu tư gần 142 tỉ đồng, tuy nhiên do tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng nên tổng mức đầu tư tăng lên gần 168 tỉ đồng.
Hiện tất cả 16 hộ dân ảnh hưởng bởi dự án đã đồng ý nhận tiền và có 5 hộ đã bàn giao mặt bằng cho dự án. Theo kế hoạch đến tháng 9 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng và khởi công trong tháng 10 và hoàn thành sau 3 tháng thi công.
Là cửa ngõ hàng không khu vực miền Nam, tháng 6 vừa qua, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đón gần 3,5 triệu lượt khách, "bùng nổ" so với con số chỉ vỏn vẹn gần 15 ngàn khách quốc tế cùng kỳ năm 2021.
Mục tiêu xây dựng ga T3 tiêu chuẩn quốc tế, với công suất 20 triệu hành khách một năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại sân bay Tân Sơn Nhất để giảm tải cho nhà ga T1. Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) là doanh nghiệp được giao làm chủ đầu tư dự án với tổng mức đầu tư 10.999 tỷ đồng từ nguồn vốn hợp pháp của ACV (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước).
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005, Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020. Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết:. “Bản thân trong TP.Hồ Chí Minh đang ùn tắc giao thông nghiêm trọng. TP thiếu các đường trục Bắc – Nam, Đông – Tây mang tính chất là đường trục chính để đáp ứng nhu cầu vận tải. Nếu tình hình này không cải thiện được thì chắc chắn TP.HCM sẽ trở thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam, thậm chí là khu vực Đông Nam Á”