Hôm 17/2, CTCP VNG (mã VNZ) đã thông báo về giao dịch cổ phiếu của người nội bộ.
Cụ thể, bà Trương Thị Thanh – thành viên Ban kiểm soát của VNG đăng ký bán 2.000 cổ phiếu VNZ theo phương thức thỏa thuận. Thời gian dự kiến giao dịch từ ngày 23/2 đến ngày 23/3.
Hiện nay, bà Thanh đang sở hữu 36.283 cổ phiếu VNZ, tương đương 0,101 vốn điều lệ. Nếu giao dịch diễn ra thành công, số cổ phiếu bà Thanh sở hữu sẽ còn 34.283 cổ phiếu, tương đương 0,096% vốn điều lệ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/2, cổ phiếu VNZ giảm 12,7% về mức giá 913.000 đồng/cp. Tạm tính theo giá đóng cửa phiên hôm nay, ước tính bà Thanh sẽ thu về 1,8 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu VNZ.
Trước đó, cổ phiếu VNZ gây sốt trên thị trường chứng khoán khi ghi nhận đà tăng phi mã, liên tiếp 11 phiên trần để trở thành cổ phiếu đắt giá nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam. Thậm chí từng có thời điểm cổ phiếu VNZ lên tới 1.562.500 đồng/cp trước khi quay đầu giảm trong phiên 16/2. Sau đó, cổ phiếu VNZ đã giảm sàn 2 phiên liên tiếp.
Đáng chú ý, VNZ lên sàn từ ngày 5/1/2023 nhưng phải đến ngày 1/2 mới có giao dịch đầu tiên. Trong 7 phiên giao dịch đầu tiên, mỗi ngày cổ phiếu VNZ đều chỉ giao dịch 100 cổ phiếu.
Giải trình về 10 phiên trần của cổ phiếu VNZ thời gian trước, VNG đã đưa ra “văn mẫu” tương tự hầu hết các cổ phiếu khác. VNG cho biết, giá cổ phiếu VNZ tăng hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu cung - cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu VNZ trong thời gian qua.
Về kết quả kinh doanh, VNG đạt doanh thu thuần 7.800 tỷ đồng năm 2022, tương đương với năm 2021 và làm công ty đứt mạch tăng trưởng nhanh chóng suốt từ năm 2018. VNG lỗ sau thuế 1.315 tỉ đồng, mức lỗ lớn nhất lịch sử. Khoản lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 858 tỷ đồng.