‘Thánh lừa’ khoá học làm giàu: Công ty suýt phá sản nhưng hứa mang lại 1 tỷ USD cho đất nước, học viên mất trắng hàng triệu USD cho các ‘vườn ươm’ vô bổ

Vũ Anh | 15:19 01/11/2023

Sunny Ali lợi dụng làn sóng bán hàng trên Amazon để kiếm tiền.

‘Thánh lừa’ khoá học làm giàu: Công ty suýt phá sản nhưng hứa mang lại 1 tỷ USD cho đất nước, học viên mất trắng hàng triệu USD cho các ‘vườn ươm’ vô bổ

Cạnh bể bơi vô cực, chuyên gia thương mại điện tử người Pakistan Sunny Ali thao thao chia sẻ một số mẹo để bất kỳ ai cũng có thể trở nên nổi tiếng. Sau đó, người đàn ông nhấn mạnh nếu tất cả muốn thành công, hãy đăng ký khóa học ‘Boot Camp’ với giá dao động từ 800-3.000 USD để làm giàu.

“Nhìn này, tôi đang ngồi ở Malaysia, thư giãn, cuộc sống của tôi thật mãn nguyện!”, Ali nói và lia nhẹ điện thoại, cốt để người xem nhìn được ngôi nhà đẹp như tranh phía sau. 

Trong thập kỷ qua, người dùng Internet toàn cầu đã tìm thấy cơ hội kiếm tiền từ sự gia tăng mua sắm trực tuyến. Các nền tảng như Amazon, eBay và Shopify giúp việc thành lập doanh nghiệp trực tuyến trở nên dễ dàng hơn. Một số người còn tìm đến “trợ lý ảo” hay một đội ngũ các “chuyên gia” tự phong với hy vọng gia tăng thu nhập.

Ở Ấn Độ, Ali Lokhandwala chuyên cung cấp các khóa học trực tuyến về “nghệ thuật bán hàng Amazon”. Tại Dubai, Jacqueline Vagar và Sal Habibi dành riêng cho những người có mong muốn bán hàng trên thị trường trực tuyến, trong khi ở Bali, các chuyên gia bán hàng phương Tây liên tục quảng cáo các khóa học bán sản phẩm Made in China. 

Trong số các KOLs ở Pakistan, Sunny Ali tạo dựng cho mình hình ảnh như một ‘ông hoàng tạo mưa’ trên thương mại điện tử. Anh thành lập học viện đào tạo trực tuyến Extreme Commerce vào năm 2019, sau đó hứa hẹn tạo ra nền kinh tế thương mại điện tử Pakistan trị giá 1 tỷ USD. Vào thời điểm đó, Amazon chưa xâm nhập Pakistan và Ali đề xuất giúp những người trẻ có thể tham gia nền tảng sớm.

Trong đại dịch, lệnh phong tỏa khiến thương mại điện tử bùng nổ. Số lượng người đăng ký tham gia các khóa học như của Extreme Commerce tăng đột biến. Ngày nay, trang Facebook chính của Extreme Commerce có 1,4 triệu người theo dõi.

Tuy nhiên, trên các diễn đàn, người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi về giá trị thực sự của các khóa học. Các KOLs thương mại điện tử liệu có đang kiếm lợi bất chấp từ việc bán kiến thức?

Rest of World đã trò chuyện với hàng chục sinh viên và nhân viên Extreme Commerce. Đa số đều cho rằng giấc mơ thương mại điện tử làm giàu nhanh chóng mà Ali thúc đẩy chỉ là viển vông. Các khóa học cũng không mang lại lợi nhuận như họ mong đợi. 

Một số thành viên từng tham gia khóa học Ali đã tập hợp thành 1 nhóm và tuyên bố mất trắng hơn 2,5 triệu USD vì tin lời đường mật. Bản thân Extreme Commerce cũng đang phải trải qua biến cố lớn. 

“Chúng ta đang gặp rắc rối lớn”, Ali nói. “Hiện tại công ty đang cực kỳ nghèo tiền mặt”. 

if-row-sunnyali-06-1600x1200.jpg
‘Thánh lừa’ Sunny Ali

Sunny Ali lớn lên ở khu ổ chuột Sultanabad ở Karachi. Sự nghiệp tư vấn đưa anh chàng đến Malaysia, Australia, cố gắng thành lập một doanh nghiệp song thất bại. Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến Ali buộc phải quay về Malaysia vào năm 2009.

“Lần này tôi muốn kinh doanh trực tuyến - một điều gì đó khác biệt”, Ali nói. 

Vào thời điểm đó, thương mại điện tử phát triển. Các nhà bán lẻ như Amazon và eBay ngày càng trở nên quan trọng. Ali muốn tận dụng sự bùng nổ này. Anh bắt đầu kinh doanh bán quần áo, giày dép song đến lần thử thứ 3 vẫn thất bại nặng. Món nợ ngân hàng và người quen đã lên tới 70.000 USD.

Lúc này, Ali nảy ra ý tưởng mới. Amazon gần như có mặt ở khắp mọi nơi ngoại trừ  Pakistan. Các nhà bán lẻ tại đây muốn bán sản phẩm sẽ phải tìm mamus - bạn bè hoặc người thân ở nước ngoài - để thiết lập tài khoản người bán cho họ. 

Năm 2017, Ali thành lập nhóm Extreme Commerce by Sunny Ali trên Facebook, nơi những người Malaysia có tài khoản Amazon có thể hợp tác với những người bán Pakistan không có quyền truy cập vào nền tảng. Ali lúc này tự định vị mình là một cố vấn, một bậc thầy về kết nối. 

“Sự tôn trọng mà mọi người dành cho tôi… Đó là động lực lớn. Đó là bước ngoặt. Tôi muốn làm điều gì đó cho đất nước”, anh nói.

Năm 2018, Ali đã giới thiệu tầm nhìn “Tỷ USD Pakistan” của mình, hứa hẹn sẽ bơm 1 tỷ USD vào nền kinh tế thông qua thương mại điện tử. Người đàn ông này cũng tự khẳng định mình không chỉ là một doanh nhân nhạy bén mà còn là người trao quyền cho giới trẻ. 

Vào năm 2021, Amazon cuối cùng đã mời người bán hàng Pakistan tham gia nền tảng này. Thương mại điện tử trong nước bùng nổ. Theo công ty thương mại điện tử Marketplace Pulse, trong vòng một năm kể từ khi ra mắt chính thức, Pakistan đã trở thành quốc gia có số lượng người bán mới trên Amazon cao thứ ba, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Nhiều công ty đào tạo mọc lên chỉ sau một đêm. 

Tham vọng của Ali ngày càng lớn. Vào năm 2021, người đàn ông này bắt đầu thành lập 8 vườn ươm - nơi sinh viên được mời làm việc tại các cửa hàng thương mại điện tử, tham dự các sự kiện kết nối trực tiếp và hội thảo với mức lương 24.000 rupee Pakistan (83 USD)/tháng. Ali cũng thành lập Trường Cao đẳng Thương mại Extreme  chuyên cung cấp các khóa học cấp tốc để lấy bằng tiếng Anh và dự bị đại học. 

“Bạn muốn những đứa trẻ này tạo một Amazon hoặc Google, song lại không cho chúng đủ thức ăn và nước uống. Hãy để chúng đến với vườn ươm - loại hình đào tạo kinh doanh đầu tiên trên thế giới”.

if-row-sunnyali-29-1000x1250.jpg

Trong vài năm qua, nhiều chuyên gia thương mại điện tử bị giám sát. Trong một số trường hợp, nhiều người cho biết họ đã mất hàng chục nghìn USD sau khi bị các huấn luyện viên lừa đảo. Chỉ riêng ở Mỹ, trong 9 tháng đầu năm 2018, 48 đơn khiếu nại đã được đệ trình lên Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ.

Ở Pakistan, một số đã quay lưng với Sunny Ali. Khách hàng bất mãn tập hợp lại trong một nhóm Facebook, sau đó chia sẻ với nhau mọi trải nghiệm tiêu cực. Lời hứa của Ali trước đây bị chế nhạo nhiều chưa từng thấy. 

“Họ đang sử dụng các phương pháp và kỹ thuật để gian lận hệ thống, gian lận thuật toán. Điều này là bất hợp pháp trong thương mại điện tử”, một học viên nói và cho biết sinh viên Extreme Commerce được kêu gọi đánh giá giả mạo sản phẩm ngay từ khi còn ngồi trên ghế vườn ươm. 

Một trong những khóa học phổ biến nhất của Ali là chương trình đào tạo “Boot Camp Micro Private Label”. Nó có giá 600 USD, giúp đào tạo người tham gia tung ra một sản phẩm mang “nhãn hiệu riêng” dưới sự giám sát của Extreme Commerce. Ali gọi đây là “chương trình nắm tay”, trong đó một nhóm chuyên gia sẽ xác định sản phẩm bán trên Amazon, thiết lập tài khoản và hướng dẫn người tham gia đạt được thứ hạng cao.

“Chương trình đó đã giúp tôi kiếm được rất nhiều tiền. Chỉ với chưa đến 1.000 USD, ai đó cũng có thể tham gia”, Ali nói. 

Năm người từng tham gia chương trình đào tạo này cho biết họ đã trả hàng nghìn USD - bao gồm học phí và chi phí mua hàng tồn kho, song không hề hài lòng với chất lượng. Các huấn luyện viên cũng không hỗ trợ nhiệt tình. 

“Họ chỉ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản và bạn sẽ phải tự lo liệu”, một học viên cho biết. 

Cho đến tận mới đây, Ali mới thừa nhận những sai lầm của mình.

“Trong chương trình đào tạo, tôi đã nhận về nhiều phản hồi khủng khiếp vào năm 2021. Sinh viên không hài lòng”, Ali nói và cho biết sẽ để Extreme Commerce chịu trách nhiệm với điều này. 

Vào tháng 5 năm nay, Ali đến dự một buổi gặp mặt ở New York. Đây là điểm dừng chân đầu tiên của anh trong chuyến tham quan 9 thành phố lớn ở Mỹ và Anh để gặp gỡ các thành viên Extreme Commerce Elite và những người muốn tiếp tục tham gia dự án. Họ chấp nhận trả 30 USD để được nghe người đàn ông này diễn giải.

“Tôi đã mắc nhiều sai lầm trong đời. Khoảng thời gian khủng khiếp đã xảy ra. Tôi gần phá sản. Tôi là một doanh nhân ngu ngốc”, Ali nói và cho biết chỉ 1 năm sau khi ra mắt, 4 vườn ươm đã phải đóng cửa.

Theo: Rest of World 

Bài liên quan

(0) Bình luận
‘Thánh lừa’ khoá học làm giàu: Công ty suýt phá sản nhưng hứa mang lại 1 tỷ USD cho đất nước, học viên mất trắng hàng triệu USD cho các ‘vườn ươm’ vô bổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO