“Thay vì người đòi nợ còn quyền với người đi vay thì thực tế ngược lại, người đi vay lại hành hung người đòi nợ. Đây là vấn đề rất nhức nhối của các công ty tài chính trong giai đoạn này", bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - quyền Tổng giám đốc FE Credit chia sẻ tại hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen".
Bà Minh Nguyệt thông tin, với FE Credit, hai năm trước đây chỉ ghi nhận 2 trường hợp những nhân viên đòi nợ bị gây khó khăn bởi người đi vay. Tuy nhiên, chỉ từ cuối năm 2022 đến nay, tình trạng này trở nên tương đối trầm trọng, con số lên tới 24 vụ, tăng gấp 11 lần.
Nguyên nhân được cho là nhận thức, hiểu biết của người đi vay chưa đầy đủ, chưa tính đến hậu quả của việc bùng nợ hay hành hung người đòi nợ.
"Mặc dù quy định, hành lang pháp lý tương đối rõ ràng nhưng việc đi vào thực tế, vận dụng vẫn chưa có tính răn đe. Do vậy, nhiều người hiểu đơn giản là lúc gặp khó khăn thì họ đi vay, thích thì trả, không thích thì chưa trả. Thực trạng này gây rất nhiều khó khăn cho các công ty tài chính, gây ra tâm lý bất ổn, hoang mang với nhân viên làm nhiệm vụ, công tác thu hồi nợ", đại diện FE Credit nói thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) - cho biết các công ty tài chính đều gặp nhiều khó khăn do nợ xấu tăng cao. Bên cạnh những yếu tố khách quan với khó khăn chung, còn có các yếu tố chủ quan như khách hàng cố tình không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - quyền Tổng giám đốc của FE Credit khẳng định, FE Credit hay các công ty thu hồi nợ đều hoạt động dưới hành lang pháp lý, không công ty nào cho phép hoạt động thu hồi nợ một cách cực đoan. Trong quá trình vận hành vẫn còn những sai sót mang tính cá nhân. Tuy nhiên, công ty khẳng định không bao giờ cổ súy cho các hành động thu hồi nợ cực đoan.
Nhận thức về cho vay tiêu dùng
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đưa ra nghiên cứu về thị trường cho vay tiêu dùng cách đây 3 năm cho thấy, quy mô thị trường chiếm khoảng 20-21% GDP, chỉ tương đương khoảng 12-13% tổng dư nợ nền kinh tế. Đây là mức khá thấp so với bình quân các nước trong khu vực (17-20% tổng dư nợ nền kinh tế).
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bùng nợ, gây khó dễ cho người đòi nợ đến từ nhận thức của người đi vay.
"Cho vay tiêu dùng rất khác với so vay thông thường, cho vay của ngân hàng thương mại cũng khác với công ty tài chính, quy trình nghiệp vụ, khẩu vị rủi ro và đối tượng khách hàng khác nhau. Các công ty tài chính tập trung vào các khách hàng nợ dưới chuẩn. Khi kinh tế khó khăn, đây là đối tượng dễ gặp khó khăn ngay. Hai loại dư nợ dễ bị rủi ro nhất chính là cho vay tiêu dùng và thẻ tín dụng", chuyên gia Cấn Văn Lực phân tích.
Ngoài ra, hiểu biết về tài chính tiêu dùng vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 5-6/10 điểm theo chuẩn của OECD. Thứ ba là tính tuân thủ, thượng tôn pháp luật còn khá thấp. Thứ tư, bộ máy hành pháp, quyết liệt nhưng chưa liên tục.
Theo vị chuyên gia, cần tăng cường nhận thức của người dân về hệ lụy của bùng nợ, nếu vi phạm cho vào "sổ đen" - bị đưa tên vào đây sau này vay mượn gì cũng khó.
Về việc nhiều người dân bị tổ chức tín dụng đen cưỡng chế, ông Lực nhận định là nguy hiểm và đề xuất luật pháp phải nghiêm minh.
Đại diện FE Credit cũng khẳng định luôn đặt khách hàng là trọng tâm. Để hạn chế sai sót của các cá nhân, công ty lựa chọn, tuyển dụng con người và xây dựng chương trình đào tạo, giúp họ hiểu được quy trình, quy định. Đồng thời, không ngừng hoàn thiện các quy trình hướng dẫn để cán bộ thực hiện, phù hợp với khuôn khổ pháp luật. Thứ ba, áp dụng công nghệ. Ví dụ, FE Credit sử dụng AI, máy học để hiểu được hành vi của khách hàng, hiểu được cách trả lời, tông giọng của người đi thu hồi nợ, qua đó có thể điều chỉnh ngay cho phù hợp.