Hãng tin Bloomberg cho hay Toyota đã nâng mức dự đoán lợi nhuận hoạt động thêm 50% trong năm nay sau khi có báo cáo kết quả kinh doanh kỷ lục quý III/2023.
Nguyên nhân chính là do đồng yên yếu giúp gia tăng doanh thu khi quy đổi tỷ giá, đồng thời khiến các sản phẩm xuất khẩu của Toyota có lợi thế cạnh tranh hơn.
Theo Bloomberg, đồng Yên giảm giá đã giúp Toyota có thêm 260 tỷ Yên lợi nhuận hoạt động trong quý II và III/2023, qua đó nhiều khả năng đạt mức 1,18 nghìn tỷ Yên cho cả năm nay.
Mặc dù đồng Yên giảm giá khiến Toyota có lợi thế trong xuất khẩu nhưng cũng làm tăng giá nhập khẩu nguyên vật liệu.
Trong khi đó, dù lãi suất thấp khiến chi phí vay vốn rẻ nhưng cũng khiến nguồn vốn nước ngoài dễ rút về hơn do tỷ suất lợi nhuận giảm sau khi quy đổi tỷ giá.
Vượt dự kiến
Giá cổ phiếu của Toyota đã tăng 4,7% trong phiên 1/11/2023 khi tập đoàn Nhật Bản tự tin công bố kế hoạch mua lại 0,44% cổ phần với tổng giá trị lên đến 100 tỷ Yên, tương đương 660 triệu USD. Hãng cũng nâng mức dự báo lợi nhuận hoạt động của cả năm 2023 từ 3 nghìn tỷ Yên trước đó lên 4,5 nghìn tỷ Yên.
Hãng ô tô lớn nhất thế giới đã bán được 5,6 triệu chiếc xe trong quý II-III/2023, mức kỷ lục trong lịch sử Toyota, qua đó nhiều khả năng hoàn thành mục tiêu 11,4 triệu chiếc xe bán được trong năm nay để giữ ngôi vị số 1 toàn cầu.
Báo cáo kết quả kinh doanh cũng cho thấy bất chấp sự bành trướng của Tesla hay BYD trong mảng xe điện, nhu cầu với xe Hybrid và ô tô xăng truyền thông của Toyota vẫn rất cao.
“Đây là một kết quả cực kỳ tốt, vượt xa hơn cả so với dự kiến. Thị trường ô tô đang phục hồi lại cực kỳ nhanh chóng sau 3 năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch và cuộc khủng hoảng thiếu nguồn cung chip điện tử”, chuyên gia phân tích Christopher Richter của CLSA Securities Japan nói về Toyota.
Lợi nhuận của hãng xe Nhật Bản trong quý III đạt 1,44 nghìn tỷ Yên, cao hơn mức dự đoán 1,1 nghìn tỷ Yên trước đó. Doanh thu thuần tăng 24% lên 11,4 nghìn tỷ Yên.
Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Toyota đã tăng 50% và trở thành mã có kết quả tốt thứ 5 trong bảng xếp hạng ngành ô tô toàn cầu của Bloomberg Intelligence. Đứng đầu là cổ phiếu của Li Auto-Trung Quốc và Tesla, vốn đều có mức tăng giá hơn 60%.
Giảm kỳ vọng
Theo Bloomberg, hãng Toyota đã hạ mức doanh số dự báo cho năm tài khóa 2023 với xe điện từ 202.000 đơn vị xuống còn 123.000 chiếc do nhu cầu thị trường không cao như dự đoán. Hãng xe Nhật Bản này chỉ bán được 58.984 chiếc xe điện trong quý II-III và phần lớn là ở thị trường quốc tế.
Dẫu vậy, Toyota vẫn chấp nhận đầu tư 8 tỷ USD xây nhà máy ắc quy ở North Carolina-Mỹ nhằm tận dụng chính sách ưu đãi của chính quyền Washington.
Ngoài ra, hãng xe số 1 thế giới cũng đang phát triển công nghệ “Pin thể rắn” (Solid State Batteries) với dự án nhà máy ắc quy hợp tác cùng Idemitsu Kosan được công bố vào tháng trước. Kỹ thuật mới được cho là sẽ cải thiện hiệu quả sạc, gia tăng tầm hoạt động của ô tô qua mỗi lần sạc đầy cũng như giảm thời gian chờ sạc.
Khi tân CEO Koji Sato được bổ nhiệm vào đầu năm nay, vị giám đốc này đã đặt mục tiêu bán 1,5 triệu chiếc xe điện và ô tô Hybrid thường niên vào năm 2026 và 3,5 triệu chiếc năm 2030.
Trong tuần trước tại hội chợ triển lãm ô tô JMS, CEO Sato tiếp tục tiết lộ kế hoạch về một dòng xe điện mới của hãng sẽ được ra mắt vào năm 2026.
“Mục tiêu của Toyota sẽ là đòi lại thị phần đã mất tại Trung Quốc, sau đó nhắm đến mở rộng thị trường nội địa và Mỹ”, chuyên gia phân tích tatsuo Yoshida của Bloomberg Intelligence đánh giá.
Tại Trung Quốc, doanh số của Toyota đã bị giảm tốc bởi phong trào xe điện, một xu thế được hỗ trợ bởi các chính sách nhà nước cũng như nhiều nơi trên thế giới.
Tuy vậy tình hình kinh doanh xe điện không như kỳ vọng thời gian gần đây đã chứng minh đặt cược của Toyota vào xe Hybrid là chính xác khi cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện nay ở nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Chúng tôi đang tiến hành kế hoạch bảo toàn thị phần ở Trung Quốc. Thay vì bị lôi kéo vào cuộc chiến dìm giá ô tô thì chúng tôi sẽ cạnh tranh bằng cách gia tăng sản lượng để phủ sóng thị trường”, giám đốc tài chính Yoichi Miyazaki của Toyota nói.
*Nguồn: Bloomberg