Thanh khoản èo ọt, kinh doanh đi lùi, CTCP Thực phẩm Hà Nội vừa bất ngờ xuất hiện giao dịch thỏa thuận khủng, trao tay phân nửa số cổ phiếu đang lưu hành

Lê Sáng | 21:02 26/12/2024

Từ ngày 17/12 đến nay, cổ phiếu HAF (sàn UPCom) của CTCP thực phẩm Hà Nội liên tục xuất hiện lượng lớn giao dịch thỏa thuận với trên 8,15 triệu đơn vị được trao tay, bằng phân nửa số cổ phiếu đang lưu hành của doanh nghiệp ở mức 14,5 triệu CP.

Thanh khoản èo ọt, kinh doanh đi lùi, CTCP Thực phẩm Hà Nội vừa bất ngờ xuất hiện giao dịch thỏa thuận khủng, trao tay phân nửa số cổ phiếu đang lưu hành

Kết phiên giao dịch ngày 26/12/2024, cổ phiếu HAF (sàn UPCom) của CTCP thực phẩm Hà Nội chỉ có vỏn vẹn 4300 CP được giao dịch khớp lệnh, đóng cửa ở mức 15.900 đồng/CP.

capture-2.jpg
Một số lệnh thỏa thuận giao dịch cổ phiếu HAF ngày 26/12. Nguồn: SSI

Trái ngược với sự èo ọt trên sàn giao dịch khớp lệnh, cổ phiếu HAF lại có phiên giao dịch thỏa thuận hết sức động với 836.400 CP được trao tay.

capture(3).jpg
Khối lượng lớn cổ phiếu HAF được giao dịch thỏa thuận từ ngày 17/12 đến ngày 25/12. Nguồn: SSI

Không những vậy, từ ngày 17/12/2024 đến nay, cổ phiếu HAF liên tục được trao tay thỏa thuận với tổng cộng 8,151,940 cổ phiếu được trao tay.

Diễn biến hết sức bất ngờ nói trên đã khiến không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu đang có cuộc “chuyển giao quyền lực” nào tại doanh nghiệp hay không khi ông lớn Hapro là doanh nghiệp đang nắm 20% vốn tại HAF.

Một cổ đông tổ chức khác là Công ty CP Chứng khoán phố Wall cũng đang nắm đến 14,76% vốn của HAF.

Về tình hình kinh doanh của HAF thời gian qua, dữ liệu từ SSI cho thấy một bức tranh tương đối ảm đạm.

Cụ thể, doanh thu của HAF liên tục đi lùi qua các năm, từ mức 140,19 tỷ đồng năm 2021 xuống chỉ còn 112,98 tỷ đồng năm 2022 và 85,89 tỷ đồng năm 2023.

Cùng với đà sụt giảm của doanh thu nói trên, lợi nhuận của HAF cũng luôn ở mức “âm bền vững”, thậm chí càng hoạt động càng lỗ.

Cụ thể, năm 2021 HAF lỗ ròng 7,17 tỷ đồng, năm 2022, mức lỗ tăng lên 9,2 tỷ đồng. Thậm chí, đến năm 2023, mức lỗ ròng của HAF tăng mệnh lên 20,57 tỷ đồng.

Về HAF, theo thông tin do doanh nghiệp tự giới thiệu, Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội tiền thân là Công ty Thực phẩm Hà Nội được thành lập ngày 10/7/1957 và thành lập lại theo Quyết định số 490/QĐ-UB ngày 26/01/1993 của UBND Thành phố Hà Nội. Khi mới thành lập, Công ty chỉ có 05 đơn vị cơ sở, với 170 CBCNV, trong đó có 50 Đảng viên và 11 đoàn viên. Trong thời kỳ đầu mới thành lập từ năm 1957 – 1964, Công ty kết hợp công tác cải tạo thương nghiệp tư nhân với xây dựng và phát triển lực lượng quốc doanh bằng nhiều hình thức cải tạo tiểu thương. Sau cải tạo đã mở rộng mạng lưới kinh doanh sản xuất đến tất cả các chợ và các đường phố chính. Tỷ trọng kinh doanh chiễm lĩnh thị trường của Công ty giai đoạn này bình quân khoảng 85%.

Giai đoạn từ năm 1964-1975, là thời kỳ cách mạng mới với rất nhiều khó khăn do chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, CBCNV được bổ sung lên đến 4.000 người. Nhiều cơ sở của Công ty bị tàn phá song tập thể CBCNV trong Công ty luôn vững vàng, chịu đựng gian khổ vượt qua mọi khó khăn, cần cù, sáng tạo trong công tác, vừa phục vụ chiến đấu vừa tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, lại vừa phục vụ tốt đời sống CBCNV và nhân dân, kể cả vùng sơ tán, chi viện một phần thực phẩm chế biến cho chiến trường miền Nam.

Bước vào thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới (1975-1987), nhiệm vụ của Công ty trong giai đoạn này là củng cố và phát triển ngành thực phẩm quốc doanh, góp phần ổn định giá, cải thiện đời sống CBCNV và nhân dân. Đây là thời kỳ quá độ từ việc thực hiện phương thức phân phối thực phẩm hoàn toàn bao cấp sang hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường, các hoạt động của Công ty phải thay đổi theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Công ty luôn phấn đấu vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ được giao, coi trọng việc cải tiến phân phối nâng cao chất lượng phục vụ, tổ chức phân phối hàng hóa công bằng hợp lý, dân chủ, thuận tiện.

Từ năm 1987, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng nhằm phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, xóa bỏ cơ chế bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh, xã hội chủ nghĩa, Công ty gặp nhiều khó khăn do hậu quả của cơ chế bao cấp để lại, vốn lưu động ít, tài sản cố định xuống cấp nghiêm trọng, bộ máy kinh doanh sản xuất cồng kềnh, đội ngũ CBCNV quá đông. Song với sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Bộ Thương mại, Sở Thương mại và các Ban ngành thành phố Hà Nội, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể CBCNV, Công ty từng bước khắc phục khó khăn đã đẩy mạnh được sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ

Ngày 23/08/2004, theo Quyết định số 134/2004/QĐ-UB của UBND Thành phố Hà Nội, Công ty chuyển đổi thành Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thực phẩm Hà Nội, là đơn vị thành viên của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), vốn điều lệ của Công ty do Công ty mẹ – Tổng Công ty Thương mại Hà Nội là chủ sở hữu.

Tháng 6/2015, thực hiện chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ, Công ty đã hoàn thành công tác cổ phần hóa và một lần nữa được đổi tên thành Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội, hoạt động theo Giấy chứng nhận doanh nghiệp số 0100106803 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp thay đổi lần thứ 14 ngày 08 tháng 12 năm 2015 trong các lĩnh vực kinh doanh chính gồm: sản xuất, phân phối các sản phẩm thực phẩm chế biến, tươi sống, hàng tiêu dùng thiết yếu,…


(0) Bình luận
Thanh khoản èo ọt, kinh doanh đi lùi, CTCP Thực phẩm Hà Nội vừa bất ngờ xuất hiện giao dịch thỏa thuận khủng, trao tay phân nửa số cổ phiếu đang lưu hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO