Thách thức và cơ hội của Khu công nghiệp Việt Nam sau đại dịch Covid - 19

Linh Linh | 09:02 12/08/2022

"Giai đoạn sau đại dịch, thu hút FDI vào Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để có thể đón được một làn sóng đầu tư mới", ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định.

Thách thức và cơ hội của Khu công nghiệp Việt Nam sau đại dịch Covid - 19
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư phát biểu tại diễn đàn.

Vừa qua, tại TP.HCM, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức diễn đàn “Khu công nghiệp Việt Nam - 2022: Khơi thông làn sóng đầu tư mới”.

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Thuế, UBND một số tỉnh, thành phố, các Ban Quản lý KCNKKT, các chuyên gia kinh tế, Hiệp hội doanh nghiệp các nước, các công ty tư vấn đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư kết cấu hạ tầng KCN và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn cho hay, sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nền kinh tế Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay đã phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, kinh tế vĩ mô ổn định, hoạt động FDI và xuất khẩu tiếp tục khởi sắc.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và một số tổ chức quốc tế, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để thu hút một làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài, nhất là đầu tư vào các Khu công nghiệp (KCN).

Đồng thời, tại diễn đàn ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định, giai đoạn sau đại dịch các KCN Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để có thể đón được một làn sóng đầu tư mới do nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, duy trì ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn trong chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu của các nhà đầu tư.

Việt Nam đang có cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư thế hệ mới và dòng vốn tái định vị sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung ứng của các nước đối tác lớn và các Tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt là sự triển vọng của các ngành ngành sản xuất chủ lực, có đóng góp lớn trong tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam như: chế biến thực phẩm, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, công nghiệp sản xuất hàng điện tử và linh kiện, công nghiệp chế biến, ô tô ...

Thứ hai, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao cùng với các hoạt động kinh tế đối ngoại tích cực của lãnh đạo cấp cao Đảng và nhà nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sẽ tiếp tục củng cố lòng tin và làm gia tăng mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với nước ta trong năm 2022 và thời gian tới.

Thứ ba, với sự quan tâm cao của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các doanh nghiệp, mội trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng trở lên thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.

Thứ tư, lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn, đang thu hút sự quan tâm của Nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN).

Thứ năm, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc các tập đoàn lớn đang có kế hoạch dịch chuyển hoặc tái cơ cấu chuỗi sản xuất theo hướng “Trung Quốc +1” mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng mới của thế giới.

Thứ sáu, Việt Nam có cơ hội đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu để thu hút ĐTNN phát triển một số lĩnh vực mới tại Việt Nam (như: trang thiết bị y tế, sinh học, hóa dược, hóa sinh, dược phẩm, các sản phẩm công nghệ thông tin...

Bên cạnh những thời cơ, ông Tuấn cũng cho rằng các KCN Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua để đón nhận làn sóng đầu tư mới.

Thứ nhất, cạnh tranh thu hút ĐTNN giữa các quốc gia thời kỳ hậu Covid-19 sẽ ngày càng gay gắt do nguồn cung ĐTNN giảm trong khi nhu cầu thu hút ĐTNN phục hồi kinh tế gia tăng.

Thứ hai, việc các nước đang tiến tới áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động FDI tại Việt Nam. Các ưu đãi về đầu tư trong ngắn hạn, đặc biệt là đối với các năm đầu thực hiện dự án sẽ bị ảnh hưởng.

9869-1644375335-nha-o-cong-nhan.jpg
KCN Việt Nam tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp ĐTNN đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Thứ ba, cơ chế, chính sách về ĐTNN vẫn còn chồng chéo, công tác quản lý nhà nước về ĐTNN tại các địa phương còn thiếu gắn kết, chưa theo đúng định hướng, dẫn đến việc thu hút ĐTNN thiếu tính hệ thống, hiệu quả chưa cao;

Thứ tư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đồng bộ, năng lực dịch vụ hậu cần, logistics chưa cao, chi phí vận chuyển còn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Thứ năm, thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động công nghệ cao, những lĩnh vực công nghiệp mới. Nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thứ sáu, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước chưa đáp ứng được khả năng tự cung ứng trong chuỗi sản xuất. CNHT của Việt Nam còn nhiều hạn chế, khả năng tự chủ chưa cao. Việc nhập siêu linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp còn rất lớn, khả năng tự cung ứng các sản phẩm CNHT từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ thấp, cụ thể như ngành dệt may, da giày mới chỉ đạt 40-45%; ngành sản xuất, lắp ráp ô tô mới đạt 7-10%; điện tử viễn thông đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ chỉ đạt 5%.

Thứ 7, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa đáp ứng được khả năng tự cung ứng trong chuỗi sản xuất. CNHT của Việt Nam còn nhiều hạn chế, khả năng tự chủ chưa cao. Việc nhập siêu linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp còn rất lớn, khả năng các sản phẩm CNHT từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ thấp.

Như vậy, nếu nhanh chóng khắc phục những khó khăn và thách thức, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự công nhận từ cộng đồng doanh nghiệp ĐTNN, là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thách thức và cơ hội của Khu công nghiệp Việt Nam sau đại dịch Covid - 19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO