Tesla đang gặp rắc rối nhưng các đối thủ xe điện của Elon Musk mới thực sự “nếm trải nỗi đau”

Linh Anh | 09:47 10/04/2024

Một nhóm các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực ô tô điện đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh.

Tesla đang gặp rắc rối nhưng các đối thủ xe điện của Elon Musk mới thực sự “nếm trải nỗi đau”

Trong những tháng gần đây, Tesla đã trải qua một chặng đường gập gềnh. Hồi tháng Giêng, thương hiệu tiên phong về xe điện đã buộc phải cảnh báo tốc độ tăng trưởng “thấp hơn đáng kể” trong năm nay do sự hứng thú của mọi người đối với các phương tiện chạy bằng pin đang giảm sút. Cùng tháng, công ty phải dừng hầu hết hoạt động sản xuất tại nhà máy khổng lồ gần Berlin do gián đoạn nguồn cung vì bất ổn trên Biển Đỏ.

Thị phần của hãng tại Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới, cũng đang giảm do sự cạnh tranh của các sản phẩm giá rẻ do các doanh nghiệp nội địa phát triển, đặc biệt là từ đối thủ BYD. Cuối năm ngoái, hãng xe Trung Quốc đã vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện số 1 thế giới.

Tesla tiếp tục “sa vào ổ gà” khi báo cáo được công bố ngày 2/4 cho thấy công ty giao ít hơn 390.000 xe trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức giảm 8,5%. Lượng xe sụt giảm này còn vượt xa các ước tính của phố Wall.

Vốn hóa thị trường của Tesla đã giảm 1/3 trong năm nay xuống còn dưới 550 tỷ USD. Dù con số này vẫn cao hơn bất cứ nhà sản xuất ô tô nào khác nhưng vẫn kém xa so với đỉnh 1.200 tỷ USD được xác lập năm 2021. Ông chủ của Tesla, tỷ phú Elon Musk, hiện chỉ là người giàu thứ 3 thế giới.

Nếu cho rằng Elon Musk và công ty của ông ta đang gặp khó khăn, có lẽ cũng cần nghĩ tới những vấn đề mà ngành xe điện, nơi rất nhiều công ty khởi nghiệp đang cố gắng đi theo thành tựu của Tesla, đang gặp phải.

Ba năm trước, Musk đã chứng minh rằng sản xuất xe điện là ngành kinh doanh nghìn tỷ USD. Đó cũng là lúc các nhà đầu tư tranh nhau rót tiền vào các công ty khởi nghiệp với kỳ vọng chúng sẽ trở thành Tesla tiếp theo. Hai startup ở Mỹ IPO trong năm đó đã nhanh chóng trở thành những kỳ lân. Vốn hóa của Lucid Motors, công ty khởi nghiệp ra đời năm 2007, đã nhanh chóng vượt qua 90 tỷ USD còn của Rivian, ra đời năm 2009, là 150 tỷ USD.

Cả hai công nay khởi nghiệp này đều có vốn hóa vượt xa Ford, hãng xe lừng danh với 120 năm tuổi cùng doanh số 4 triệu xe năm 2021. Con số này càng trở nên nổi bật khi lượng xe bán ra cùng năm của Lucid là 125 còn Rivian là 920.

Các công ty xe điện Trung Quốc như Li Auto (thành lập năm 2015), Nio và Xpeng (cả hai đều năm 2014) cũng được định giá rất cao. Vào cuối năm 2021, vốn hóa thị trường của 6 công ty khởi nghiệp xe điện muốn soán ngôi Tesla đã tăng vọt tới 400 tỷ USD.

17634e604bf2757095ae2b2a592879901d193e81.png

Tuy nhiên, những ngày tháng tươi đẹp đó không kéo dài. Ở thời điểm hiện tại, 6 công ty này đang có tổng vốn hóa 65 tỷ USD và đang tiếp tục giảm. Fisker, một công ty Mỹ ra đời được 8 năm và HiPhi, một công ty Trung Quốc ra đời 5 năm trước, đã tạm dừng sản xuất. Ngày 25/3, cổ phiếu sụt giảm quá mạnh khiến Fisker bị đình chỉ và công ty có thể bị sớm hủy niêm yết. HiPhi thì đang tìm cách bán mình cho một nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc.

Faraday Future, công ty chỉ bán được 11 chiếc xe điện hạng sang vào năm ngoái, hiện đang đứng bên bờ vực phá sản. Lordstown, một công ty khởi nghiệp của Mỹ được thành lập vào năm 2018 để sản xuất xe bán tải và suv chạy điện, đã phá sản vào năm 2023.

Một số cái tên mạnh mẽ hơn cũng đang gặp khó khăn. VinFast, một công ty xe điện Việt Nam được thành lập năm 2017 và IPO tại Mỹ vào năm 2023 bán được 35.000 xe điện trong năm ngoái. Vốn hóa công ty cũng giảm từ đỉnh 190 tỷ USD vào tháng 8 năm ngoái xuống còn 11 tỷ USD. Rivian bán được 50.000 xe nhưng vốn hóa chỉ còn 1/15 so với đỉnh năm 2021. Licid bán được 6.000 xe và vốn hóa cũng giảm tương tự Rivian.

Li Auto, Leapmotor, Nio và Xpeng, những công ty đã phân phối hơn 800.000 ô tô vào năm ngoái, cũng chứng kiến giá cổ phiếu của sụt giảm….

Theo The Economist, việc sống sót, chứ đừng nói tới phát triển, trong thị trường xe điện hiện nay đang thực sự khó khăn.

Trên thực tế, việc chế tạo ô tô sử dụng động cơ đốt trong, với hàng nghìn bộ phận, thường phức tạp và đòi hỏi chi phí lớn. Để có lãi, các nhà sản xuất buộc phải chế tạo với số lượng lớn. Trong khi đó, rào cản với ô tô điện thấp nên các công ty khởi nghiệp có thể dễ dàng gia nhập. Giống với Tesla, các công ty xe điện cho rằng mình là doanh nghiệp công nghệ chứ không phải doanh nghiệp sản xuất. Họ tin rằng có thể kiểm soát chi phí bằng cách sử dụng các thiết kế đơn giản hơn và mô phỏng lại quy trình sản xuất theo cách mà những công ty lâu đời không thể làm được.

Các thành phần như pin và động cơ điện được mua sẵn, giúp các công ty xe điện chỉ cần tập trung phát triển phần mềm để giúp sản phẩm của họ trở nên nổi bật nhờ trải nghiệm tốt hơn. Một số công ty như Fisker chỉ đơn giản là thuê ngoài hoạt động gia công.

Tuy nhiên, những lợi thế này đã không vượt qua được các phương thức sản xuất truyền thống khi khối lượng sản phẩm tới hạn. Để kiến được lợi nhuận từ ô tô, vẫn cần phải sản xuất khoảng 500.000 xe/năm. Bản thân Tesla cũng chỉ kiếm được lợi nhuận khi tiến vào mô hình “địa ngục sản xuất” nhằm cố gắng tạo ra số lượng lớn Model 3 với giá thành rẻ hơn.

Tham khảo: The Economist

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tesla đang gặp rắc rối nhưng các đối thủ xe điện của Elon Musk mới thực sự “nếm trải nỗi đau”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO