Vào ngày 19/1, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp mặt và làm việc với lãnh đạo của các tập đoàn lớn. Tại đây, ông Klaus Zellmer, Chủ tịch Hội đồng quản trị Skoda Auto, đã khẳng định vị thế của Skoda Auto là nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Séc và lựa chọn Việt Nam như một điểm đầu tư hấp dẫn vì cơ hội tiếp cận thị trường ASEAN và mối quan hệ đối tác tin cậy giữa hai quốc gia.
Trước đó, trong năm 2022, Skoda Auto đã ký kết biên bản hợp tác với Tập đoàn Thành Công, hướng đến mục tiêu sản xuất và phân phối xe Skoda tại Việt Nam theo hướng nội địa hóa và sử dụng công nghệ hiện đại cùng năng lượng sạch. Skoda và Thành Công đang triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp tại Khu công nghiệp Việt Hưng, TP Hạ Long, Quảng Ninh, trị giá 500 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào quý I/2025. Đây là nhà máy ô tô sản xuất xe Skoda đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á. Nhà máy được xây dựng trên diện tích xây dựng 36,5ha, công suất thiết kế 120.000 xe/năm.
Đáng nói, Skoda Auto là thương hiệu hơn 120 năm tuổi, thương hiệu ô-tô lớn nhất cộng hòa Séc và lâu đời thứ năm trên thế giới.
Skoda Auto là một thành viên của Tập đoàn ô-tô Volkswagen, vì vậy các sản phẩm của ô-tô của hãng như: động cơ, khung gầm, hộp số... được thừa hưởng nền tảng công nghệ tiên tiến của châu Âu…. Các công nghệ này hiện đang được ứng dụng chung cho nhiều thương hiệu cao cấp của Tập đoàn Volkswagen.
"Mắt thần" - Bí quyết vận hành không ngừng nghỉ
Đối với Skoda, bên cạnh chất lượng sản phẩm, việc tối ưu hóa sản xuất cũng là một yếu tố then chốt. Điều này đồng nghĩa với việc giảm thiểu tối đa thời gian dừng dây chuyền do các lỗi kỹ thuật. Thế nhưng, thực tế là các biện pháp phòng ngừa tăng cường có thể ngăn ngừa lỗi nhưng chi phí lại cao. Trong khi đó, việc bảo trì chuyên sâu khi phát hiện lỗi lại đòi hỏi nhiều nhân lực và trình độ chuyên môn.
Ông Marek Jancák, trưởng bộ phận sản xuất ô tô tại Skoda, giải thích: "Việc sử dụng công nghệ hiện đại, số hóa và thu thập dữ liệu để dự đoán thời điểm thiết bị sắp hỏng và sửa chữa trước khi sự cố xảy ra là hình thức bảo trì tối ưu."
Chính vì vậy, "bảo trì dự đoán" đã trở thành một trong những trụ cột trong chiến lược bảo trì của Skoda. Một trong những dự án tiên phong là việc triển khai bảo trì dự đoán tại nhà xưởng M13 (dây chuyền lắp ráp tại ở Mladá Boleslav, Séc). Tại đây, giải pháp mang tên MAGIC EYE (tạm dịch "mắt thần") được sử dụng để giám sát tình trạng và phát hiện lỗi trên các dầm di động, nơi treo ô tô khi di chuyển trên dây chuyền.
Hệ thống này được kết nối với máy tính sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện các bất thường. Skoda Auto là một trong những công ty đầu tiên tại Cộng hòa Séc sử dụng AI để hỗ trợ khả năng bảo trì dự đoán.
Cụ thể, trong một chu kỳ của dây chuyền, các camera sẽ thu thập khoảng 450.000 bức ảnh, sau đó phân tích ngay lập tức và gửi kết quả lên đám mây thông qua mạng Wi-Fi của công ty.
Nếu hệ thống phát hiện ra sự bất thường, nó sẽ cảnh báo cho người vận hành bảo trì. Sau đó, người phụ trách có thể lập kế hoạch cho các bước tiếp theo. “Tất cả các khiếm khuyết được phát hiện giúp chúng tôi tiếp tục học hỏi và cải tiến liên tục hệ thống”, Filip Koliáš, giám đốc Dịch vụ Kỹ thuật Trung tâm Skoda cho biết.
Skoda đã có kế hoạch triển khai MAGIC EYE tại các nhà máy khác trong hệ thống, và toàn thể Tập đoàn Volkswagen đều quan tâm đến công nghệ này. ŠKODA cũng đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến MAGIC EYE.
Tổng quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và cho rằng việc Skoda lựa chọn Tập đoàn Thành công hợp tác, đầu tư tại Việt Nam là sự lựa chọn đúng đắn, không chỉ bởi trí tuệ mà bằng cả con tim; đề nghị Skoda đầu tư quy mô lớn, sản xuất các sản phẩm với hàm lượng công nghệ cao; chuyển giao công nghệ, tăng cường nội địa hoá; giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của tập đoàn và toàn cầu…