Tăng trưởng tín dụng 2022: Lợi thế từ nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém

Nguyên Hà | 14:58 11/05/2022

Kết quả quý 1/2022 của các ngân hàng cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng rất mạnh mẽ, gần chạm hạn mức tín dụng được cấp.

Tăng trưởng tín dụng 2022: Lợi thế từ nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%.

Lợi thế room tín dụng từ nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém

Mùa ĐHĐCĐ các ngân hàng đã qua đi với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân ở mức +31% so với cùng kỳ, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào hạn mức do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt như thường lệ. 

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, NHNN vẫn đang đánh giá các mục tiêu chính sách tiền tệ để có điều chỉnh vào cuối năm cho phù hợp với diễn biến thực của nền kinh tế vĩ mô.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, nhiều ngân hàng đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao như VPB (30%), VIB (30%), OCB (25%), MSB (25%), TPB (18%)…

Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý 1/2022 của các ngân hàng cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng rất mạnh mẽ, gần chạm hạn mức tín dụng được cấp vào cuối quý 1. Nhiều ngân hàng có dư nợ cho vay trong 3 tháng đầu năm đã tăng hơn 14% như SeABank, MBB, hơn 10% như HDBank… 

Ở các ngân hàng quốc doanh, tốc độ tăng trưởng tín dụng quý 1/2022 được đánh giá là cao chưa từng có (Vietinbank tăng 8,7%, Vietcombank tăng 7,09%) với động lực là các khoản cho vay ngắn hạn. Trong đó Vietinbank đã gần đạt hạn mức tín dụng được cấp ban đầu vào cuối tháng 3 là 9%. 

Tuy nhiên, VCB và MBB có thể có lợi thế về tăng trưởng tín dụng trong năm 2022, do hai ngân hàng này có kế hoạch tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng “0 đồng”, tờ trình nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng đã được thông qua tại ĐHĐCĐ. VPB và HDB cũng có tờ trình ủy quyền cho HĐQT xem xét tham gia chương tình tái cơ cấu ngân hàng thương mại theo chủ trương của NHNN. Tuy nhiên thông tin chi tiết chưa được công bố. 

Được biết, những nhà băng tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém sẽ có một số lợi ích nhất định ví dụ như được cấp hạn mức tín dụng cao hơn. Đồng thời với mặt bằng tín dụng quý 1 toàn ngành đã tăng trên 5%, mức tăng trưởng tín dụng thực tế cả năm sẽ còn cao hơn mục tiêu của NHNN. 

Kế hoạch lợi nhuận tích cực 

Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây của SSI cho thấy, bất chấp xu hướng tăng của lãi suất huy động và việc siết trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản, kế hoạch lợi nhuận ở hầu hết các ngân hàng đều tăng khá khả quan. 

CTG, VCB và TCB đặt kế hoạch tăng trưởng LNTT thận trọng nhất – tăng trưởng dưới 20% so với cùng kỳ. Chúng tôi cho rằng TCB đã tính đến tác động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp kém sôi động hơn trong năm 2022 vào kế hoạch. Còn đối với CTG và VCB, việc đặt kế hoạch thận trọng là thông lệ thường thấy trong những năm gần đây và các ngân hàng này có khả năng cao sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra.

Trong khi đó, VPB, SHB và BID đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh lần lượt đạt 51% đến 103% so với cùng kỳ nhờ phí bancassurance trả trước (đối với VPB) và áp lực dự phòng giảm mạnh (đối với BID-SHB).

Bên cạnh đó, kế hoạch tăng vốn điều lệ được trình tại hầu hết các ngân hàng, ngoại trừ STB và TCB. Việc tăng vốn điều lệ sẽ được hoàn thành thông qua việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu (dao động từ 11,9% đến 50,0%) và kế hoạch phát hành cổ phiếu mới (BID, LPB, VPB, SHB và MBB). 

Thu nhập phí thuần (NFI) tăng trưởng mạnh ở nhóm ngân hàng tư nhân (+37% so với cùng kỳ) nhưng thu hẹp ở nhóm ngân hàng quốc doanh (-16,5% so với cùng kỳ) do các ngân hàng quốc doanh đã chọn cách hy sinh một phần thu nhập phí để đổi lấy việc mở rộng CASA, giảm chi phí vốn. 

Trong khi đó, thu nhập từ dịch vụ thanh toán và bancassurance vẫn tăng mạnh ở hầu hết các ngân hàng tư nhân. Thu nhập liên quan đến hoạt động kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng trong quý 1/2022.

Thu nhập ròng ngoài lãi nhìn chung yếu ngoại trừ giao dịch ngoại hối tại các ngân hàng quốc doanh và tư nhân lớn, và thu từ nợ xấu đã xử lý tại ACB, CTG, STB và VPB. Lãi từ chứng khoán đầu tư khá ảm đạm trong toàn ngành, ngoại trừ MBB. CTG và TCB thậm chí còn ghi nhận lỗ ròng chứng khoán đầu tư do trích lập dự phòng giảm giá đối với danh mục trái phiếu chính phủ. 

Tuy nhiên, số dư dự phòng này dự kiến sẽ được hoàn nhập trong quý 2/2022, do Thông tư 24/2022 mới đây không yêu cầu các doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm cho trái phiếu chính phủ từ ngày 25/5/2022.

Áp lực trích lập dự phòng vẫn ở mức cao, ngoại trừ ACB và TCB. Tỷ lệ nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng xấu đi trong quý 1/2022, nguyên nhân một phần là do việc phân loại lại các khoản nợ tái cơ cấu thành nợ Nhóm 4 hoặc 5 sau khi hết thời hạn tái cơ cấu. 

Nhìn chung, SSI cho rằng chất lượng tài sản trong quý 1/2022 ở các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu chưa phải là vấn đề đáng lo ngại nhưng áp lực trích lập dự phòng vẫn ở mức cao (+18% so với cùng kỳ).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tăng trưởng tín dụng 2022: Lợi thế từ nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO