Tăng lãi suất điều hành có hạn chế được lạm phát?

Minh Trang | 10:54 18/07/2022

Chuyên gia cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành chưa chắc hạn chế được lạm phát, phát huy tác dụng tốt với nền kinh tế. Vì theo chính sách này có thể đi ngược lại với Chương trình phục hồi kinh tế đang triển khai.

Tăng lãi suất điều hành có hạn chế được lạm phát?
Tăng lãi suất có thể đi ngược lại với Chương trình hồi phục kinh tế. (Ảnh: Int)

Thế giới tăng, Việt Nam ổn định

Trước tình hình lạm phát gia tăng trên thế giới, nhiều nền kinh tế đã triển khai hoạt động tăng lãi suất. Hồi giữa tháng 6/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức tăng lãi suất cơ bản 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất trong gần 30 năm.

Ngay sau hành động trên của FED, một loạt ngân hàng trung ương các nước có quyết định tương tự. Ngân hàng Trung ương Anh thực hiện tăng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp, trong khi đó, lần đầu tiên sau 15 năm, Ngân hàng trung ương Thuỵ Sỹ cũng thực hiện tăng lãi suất.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng xác nhận sẽ dừng chương trình mua trái phiếu đã áp dụng gần một thập kỷ qua kể từ ngày 1/7, đồng thời, đánh tín hiệu sẽ thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất từ tháng 7 tới trong bối cảnh lạm phát tăng kéo dài.

Trước đó, chỉ riêng trong tháng 5/2022 đã có 144 lượt tăng lãi suất của các đồng tiền trên thế giới.

Trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất trên thế giới tiếp tục diễn ra, tại Hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát hiện hữu. Đặc biệt, việc triển khai gói cấp bù lãi suất với lượng tiền lớn khi lạm phát đang tăng cũng đặt ra những thách thức nhất định.

Đồng thời, bà Hồng cũng đưa ra thông điệp tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Theo các chuyên gia, tăng lãi suất sẽ khiến kinh tế suy thoái mà chưa chắc cứu được lạm phát, vì lạm phát là do đứt gãy chuỗi cung ứng. Tốc độ tăng lãi suất chưa chắc là đã thuốc đặc trị mà còn gây phản ứng phụ. Bởi mỗi một lần tăng lãi suất có 4 rủi ro, gồm: Rủi ro tỷ giá, rủi ro vỡ nợ tăng, rút vốn khỏi thị trường mới nổi và rủi ro địa chính trị.

Cần hạ chi phí đẩy

Lý giải nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất, TS.Cấn Văn Lực cho biết, nếu Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành chưa chắc phát huy tác dụng tốt với nền kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình triển khai gói chương trình phục hồi kinh tế, cơ quan quản lý nhà nước đã có yêu cầu giữ ổn định lãi suất. “Vì vậy chúng ta tăng lãi suất sẽ đi ngược lại với chương trình này”, chuyên gia cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Võ Trí Thành cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm khác với kinh tế thế giới nên có tính chuyên biệt, đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây.

Đơn cử như 6 tháng đầu năm 2021 Việt Nam được đánh giá cao bởi duy trì được mức độ tăng trưởng dương. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2021 khi nền kinh tế thế giới phục hồi tốt thì Việt Nam lại "lạc nhịp". Hay như 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng thế giới xấu nhưng Việt Nam lại phục hồi rất tốt. Chính những điểm khác biệt này khiến chúng ta không thể điều hành lãi suất như thế giới được.

"Trong chiến lược phát triển và phục hồi kinh tế, chúng ta đặt trọng tâm vào vấn đề lãi suất và tiền tệ, nên các điều hành liên quan đến vấn đề này vô cùng quan trọng, đòi hỏi chúng ta buộc phải thận trọng", ông Thành cho hay.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ không giải quyết được vấn đề lạm phát một cách hoàn hảo. Muốn xử lý tốt vấn đề lạm phát Việt Nam cũng như nhiều nước cần kết hợp các chính sách, can thiệp trực tiếp vào lãi suất cơ bản. Nhưng nếu chỉ nói do chính sách tiền tệ ít quan hệ lạm phát thì không phải.

Ngoài ra, hiện nay cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, thặng dư không quá nhiều nên việc tăng lãi suất cũng chưa phải là vấn đề cần thiết. “Đây là vấn đề mà Việt Nam cần phải quan sát kỹ vì chúng ta phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, nếu tăng lãi suất, càng phá giá đồng tiền thì nền kinh tế càng ảnh hưởng đến nhập khẩu”, ông Thành nói.

Đồng quan điểm đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính- tiền tệ quốc gia đánh giá, hiện nay, lạm phát của Việt Nam là lạm phát do chi phí đẩy, nên vai trò của ngân hàng trong câu chuyện này là nhỏ.

"Lạm phát khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực, do đó việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất như Ngân hàng Trung ương trên thế giới là điều không cần thiết. Cùng với đó, nếu lãi suất tăng ở thời điểm hiện tại thì thị trường chứng khoán sẽ nguy hiểm", ông Nghĩa nói.

Trên thực tế, lạm phát hiện nay phần lớn là do giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng, nhất là chi phí xăng dầu, đã tác động đến tất cả mọi mặt của đời sống. Vì vậy, các ý kiến chuyên gia cho rằng, vấn đề tiền tệ có tác động đến lạm phát, nhưng ở mức độ nhỏ trong câu chuyện này là hoàn toàn phù hợp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tăng lãi suất điều hành có hạn chế được lạm phát?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO