Trong một hội nghị về phòng, chống rửa tiền, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết , mặc dù chưa ghi nhận các vụ việc rửa tiền mã hoá tại Việt Nam nhưng đã có một công dân Việt Nam bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phát lệnh truy nã.
Đối với thị trường tiền mã hoá trong nước. Tính đến tháng 12/2022, Việt Nam có hơn 200 dự án blockchain hoạt động. Theo thống kê từ Statista, doanh thu từ các sàn giao dịch tiền mã hoá tại thị trường Việt Nam dự kiến đạt 109,4 triệu USD vào năm 2023, số lượng người dùng tiền mã hoá sẽ tăng thêm 12,37 triệu người vào năm 2027. Hơn nữa, Việt Nam đứng trong top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn giao dịch Binance, theo báo cáo gần đây của Wall Street Journal.
Theo ông Phan Quốc Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, vì sự gia tăng nhanh chóng này, trong bối cảnh các khung quy định dành cho thị trường tiền mã hoá còn bỏ ngỏ, nguy cơ hoạt động rửa tiền mã hoá tại Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới. Bên cạnh tội phạm rửa tiền mã hoá xuyên biên giới, thì tội phạm rửa tiền truyền thống ở trong nước cũng sẽ tìm đến thị trường đầy tiềm năng này do không bị ràng buộc pháp lý.
Mới đây, Việt Nam bị đưa vào danh sách “xám” các nước cần tăng cường uy định về phòng, chống rửa tiền (AML).
Danh sách "xám" các nước cần được giám sát chặt chẽ của FATF (lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính - FATF là cơ quan hoạch định chính sách liên chính phủ) gồm 20 quốc gia, trong đó có UAE, Syria, Panama, Quần đảo Cayman... FATF cho biết, sẽ hoạt động để đảm bảo tính độc lập của các cơ quan chịu trách nhiệm điều tra tội phạm tài chính, quản lý tài sản số và tăng cường hợp tác quốc tế chống rửa tiền.
Lý giải việc Việt Nam bị đưa vào danh sách “xám”, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống, rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, FATF đã ban hành 40 khuyến nghị về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và chống tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
Việt Nam là thành viên của nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền và lực lượng liên kết lực lượng đặc nhiệm tài chính từ năm 2007. Bà Thơ cho rằng, khi đó chúng ta cam kết hướng đến thực hiện bộ chuẩn mực quốc tế phòng chống rửa tiền. Trong quá trình thực hiện, là một quốc gia thành viên chúng ta phải thực hiện nghĩa vụ là được giám sát, được đánh giá.
Nhóm châu Á – Thái Bình Dương được tiến hành đánh giá năm 2008 và kết quả thông báo 2009. Qua rà soát, năm 2010 Việt Nam cũng nằm trong danh sách xám và nhiều nước khác cũng nằm trong danh sách này (cả ở khu vực Đông Nam Á), chúng ta cũng đang triển khai cơ chế này từng bước. Sau 4 năm nỗ lực Việt Nam cũng đã ra khỏi danh sách này.
Tiếp theo, FATF đánh giá 2019 và kết quả thông báo 2022. Phương thức đánh giá ngày càng chặt chẽ và nghiêm khắc. Đối chiếu danh sách đó Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách “xám” cùng với 23 quốc gia khác. Khi nằm trong danh sách “xám”, họ đề ra hành động, đề nghị Chính phủ cam kết thực hiện 17 hành động.
“Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thay mặt Chính phủ Việt Nam cam kết, không chỉ Ngân hàng tham gia mà còn nhiều bộ, ngành khác cùng tham gia như Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính… Trong cam kết đó họ yêu cầu phải pháp lý hoá, đưa ra những quy định về tài sản ảo và các nhà cung cấp tài sản ảo”, bà Thơ nói.
Mới đây, đoàn công tác của châu Á – Thái Bình Dương đã gặp lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban ngành cùng các ngân hàng thương mại, các công ty tư nhân và tổ chức này đã thông báo Việt Nam rơi vào danh sách “xám”.
“Do đó, không chỉ khu vực công, mà tất cả chúng ta cùng đồng hành chung tay xây dựng cơ chế chống rửa tiền, bên cạnh đó còn chống tài trợ vũ khí khủng bố và vũ khí huỷ diệt hàng loạt ở Việt Nam một cách hiệu quả hơn”, bà Thơ nhấn mạnh.