Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung: “Đồng nhân dân tệ số sẽ gây áp lực lớn đến các quốc gia lân cận”

Cao Minh | 08:31 22/10/2022

“Trung Quốc đã có hàng hóa giá rẻ giờ cộng hưởng với sức mạnh thanh toán xuyên biên giới của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ tạo ra áp lực cực lớn lên các quốc gia lân cận”, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam phân tích.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung: “Đồng nhân dân tệ số sẽ gây áp lực lớn đến các quốc gia lân cận”
Ảnh: Nikkei Asia

CDBC - Đồng tiền kỹ thuật số quốc gia được nhắc nhiều trong hai năm trở lại đây. Tuy nhiên, với các số liệu được công bố, Việt Nam hiện tại chỉ đang dừng lại ở việc tìm kiếm thông tin liên quan đến CBDC và chưa có “chạy CBDC” tạo ra các tác động trực tiếp. 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam để tìm hiểu cách mà Trung Quốc đã ứng dụng CDBC và tác động đến các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam. 

Trung Quốc đã thí điểm sử dụng đồng tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC) tên e-CNY và khả năng sẽ ứng dụng rộng rãi trên toàn quốc trong thời gian không xa. Là người có nghiên cứu sâu về CBDC, ông đánh giá thế nào về tác động của e-CNY đối với kinh tế khu vực?

Trung Quốc ra mắt đồng tiền e-CNY khi thương mại điện tử, thanh toán không tiền mặt của họ đã cực kỳ phát triển. e-CNY sẽ càng thúc đẩy quá trình thanh toán phi tiền mặt mạnh mẽ hơn nữa, sẽ tác động đến cả vùng đô thị lẫn nông thôn, miền núi xa xôi của Trung Quốc. e-CNY còn tác động rất lớn đến thương mại, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới với các quốc gia khác.

Giả dụ thế này, khi bạn mua hàng trên một trang web thương mại điện tử của Trung Quốc, thay vì phải qua rất nhiều trung gian chuyển tiền, đổi tiền và với một mức phí cao, thì với e-CNY mọi việc rất đơn giản. Người mua hàng ở Việt Nam, Lào, hay Campuchia hoặc bất kỳ quốc gia nào cũng có thể mua và nắm giữ một lượng e-CNY trong ví điện tử của họ. Khi đó, họ sẽ mua hàng với nhà bán hàng Trung Quốc, qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc.

Trung Quốc đã có hàng hóa giá rẻ, giờ công cụ thanh toán điện tử cực kỳ thuận lợi với e-CNY thì hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường các nước khác. Người dân nhiều nước sẽ ngày càng phổ biến việc lưu trữ, chi tiêu bằng đồng tiền Nhân dân tệ kỹ thuật số. Khi đó, bên cạnh lo ngại xu hướng đô la hóa nền kinh tế, chính phủ các nước phải tính đến xu hướng Nhân dân tệ hóa nền kinh tế.

e-CNY trong thanh toán không tiền mặt tại Trung Quốc (Ảnh: Nikkei Asia)

e-CNY sẽ tác động cụ thể như thế nào đến kinh tế Việt Nam, thưa ông?

Có thể nói e-CNY sẽ gây áp lực lớn đối với kinh tế Việt Nam, nhất là nếu Trung Quốc gia tăng các hoạt động thương mại quốc tế. Khi mà e-CNY có nhiều lợi thế hơn về mặt thương mại như việc phi vật lý hóa đồng tiền, tính an toàn, tính tiện dụng trong thanh toán… thì e-CNY sẽ trở thành đồng tiền dự trữ.

Dự trữ đầu tiên là dự trữ của người dân. Người dân sẽ ngày càng có xu hướng muốn dự trữ e-CNY hơn vì sự tiện dụng đó. Tiếp theo là dự trữ của nhà nước để cân bằng cán cân thương mại. Và sau đó là các tác động đến giá cả hàng hóa, thặng dư cũng như chính sách tài khóa quốc gia…Và khi đó, việc điều chỉnh lãi suất, tỉ giá của đồng nhân dân tệ sẽ tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt là thị trường vốn, các khoản nợ Chính phủ hoặc giá cả hàng hóa…

Vì vậy theo tôi CBDC nên được nhìn nhận một cách rõ ràng như là lợi ích quốc gia. Chúng ta cũng nên có một tâm thế và một cách ứng xử thật sự nghiêm túc và chuẩn bị kỹ cho những tác động này để làm sao có được lợi thế nhờ CBDC và chủ động hạn chế những bất lợi.

Trong bài phát biểu tại hội nghị Thượng đỉnh Vietnam Blockchain Summit 2022 ông có chia sẻ khá chi tiết về CBDC, vậy theo ông thì khi ứng dụng CBDC vào thực tế, nền kinh tế sẽ có được những lợi ích gì?

Theo tôi CBDC sẽ có nhiều tác động và lợi ích đối với quốc gia. Trong đó phải nói đầu tiên là CBDC sẽ thúc đẩy dòng chảy tài chính. Chi phí trong việc in in tiền, vận chuyển, lưu trữ sẽ giảm đi đáng kể. Chính phủ cũng không còn phải lo đối phó với nạn tiền giả như trước đây.

Tiếp sau nữa là CBDC sẽ trở thành công cụ giám sát cho chính phủ. Nhà nước hoàn toàn có thể có số liệu về kinh tế Việt Nam ngay tức thì, về giao dịch, về lạm phát, về xuất nhập khẩu, ngân hàng, thương mại...

CBDC còn giúp ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền, trốn thuế hay tham nhũng bởi khác với tiền vật lý, đồng tiền kỹ thuật số có thể lưu dấu vết một cách chi tiết, cụ thể và minh bạch.

Ông Phan Đức Trung: CBDC có thể thúc đẩy tốc độ luân chuyển tiền tệ cực nhanh.

Với người dân, họ sẽ được lợi gì khi CBDC trở nên phổ biến, thưa ông?

Theo tôi có một điều chắc chắn là CBDC sẽ giúp Thanh toán bán lẻ hiệu quả hơn. Đơn giản nhất là thay vì trước nay phải dựa vào các bên trung gian thì thông qua giao thức P2P (peer to peer - cấu trúc mạng ngang hàng) CBDC có thể giúp chuyển tiền, thanh toán tiền trở nên rất đơn giản, nhanh chóng và chi phí cực thấp.

Người dân khi đó sẽ là những người được hưởng lợi trực tiếp từ sự thay đổi này. Nó vừa giảm sự phụ thuộc vào các tổ chức thanh toán trung gian, vừa tăng cường sự tin cậy trong giao dịch, vừa thuận tiện và dễ dàng.

Bạn có thể mua hàng chỉ với 1 chạm trên điện thoại, bạn gửi tiền và người bán hàng nhận tiền mà không cần qua bất kỳ một khâu trung gian đảm bảo nào, hoàn toàn miễn phí. Trước nay chúng ta vẫn phải dựa vào các sàn giao dịch hoặc các công ty chuyển phát hoặc các ngân hàng làm trung gian cho việc đó. Bạn cũng có thể truy xuất nguồn gốc số tiền bạn thanh toán hoặc được nhận một cách rõ ràng, minh bạch.

Để thúc đẩy các lợi ích của CBDC, trong thời gian tới, theo ông, chúng ta cần chuẩn bị gì?

May mắn là chúng ta đã có một chủ trương đúng đắn trong việc khuyến khích và nghiên cứu, thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số, dựa trên công nghệ blockchain nhưng chúng ta cũng cần làm thêm nhiều thứ nữa để chuẩn bị đầy đủ hơn.

Đầu tiên là một hành lang pháp lý rõ ràng cho lĩnh vực này cũng như có các chính sách để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nghiên cứu công nghệ cũng như các ứng dụng thực tế.

Ngoài ra, cần có chiến lược đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao về blockchain, qua đó có thể phát triển các công ty công nghệ về blockchain nhằm thúc đẩy quá trình ứng dụng và đưa vào thực tế CBDC sớm hơn. Nếu chúng ta không làm sớm thì trong tương lai các công ty nước ngoài có thể “nhảy” vào tham gia và điều đó rất nguy hiểm.

     Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương - CBDC cũng là một loại tiền số nhưng sử dụng cơ sở dữ liệu được thiết kế và điều hành bởi ngân hàng Trung ương, do ngân hàng Trung ương của một quốc gia phát hành, bảo đảm.

Ông Phan Đức Trung.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung: “Đồng nhân dân tệ số sẽ gây áp lực lớn đến các quốc gia lân cận”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO