Tại sao cả châu Âu "nín thở’ dõi theo Nord Stream 1?

Thiên Minh | 07:25 01/09/2022

Là đường ống dẫn khí tự nhiên lớn nhất từ Nga đến châu Âu, Nord Stream 1 có vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng của châu lục này. Bất kỳ việc gián đoạn cung cấp nào từ hệ thống này cũng đe dọa châu Âu trong mùa đông băng giá.

Tại sao cả châu  Âu "nín thở’ dõi theo Nord Stream 1?
Đường ống khí đốt Nord Stream 1 ngừng hoạt động để bảo dưỡng từ sáng 31/8. Ảnh: Reuters.

Đường ống dẫn khí Nord Stream 1 liên tục là trọng tâm tranh cãi gay gắt giữa Nga và các thành viên Liên minh châu Âu (EU) từ đầu tháng Bảy đến nay. Mang tên “dòng chảy phương Bắc”, Nord Stream 1 thực sự quan trọng trong đời sống hàng ngày của các nước châu Âu, nhất là khi họ chỉ còn ba tháng nữa để dự trữ năng lượng cho mùa đông.

Tại sao Nord Stream 1 lại quan trọng đến vậy?

Đường dẫn khí đốt Nord Stream 1. Nguồn: Aljazeera tổng hợp

Nord Stream 1 là một trong hai hệ thống đường ống dẫn khí thiên nhiên xa bờ từ Nga đến Đức. Dự án hệ thống Nord Stream 2 đã hoàn thành nhưng chưa được đưa vào hoạt động do bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tại Ukraine. 

Được đưa vào hoạt động từ năm 2011 đến nay, đôi đường ống Nord Stream 1 có đường kính trong của mỗi ống là 1,15 m, bao gồm một đoạn nằm trên đất liền của thị trấn Vyborg của Nga, đoạn dài nhất đi ngầm dọc theo đáy biển Baltic và đoạn cuối ở gần thành phố Greifswald, Đức.

Theo thống kê của tờ The Economist, Nord Stream 1 là đường ống quan trọng nhất dẫn khí từ Nga sang châu Âu, có khả năng vận chuyển 55 tỷ m3 khí mỗi năm, bên cạnh đường ống qua Belarus và Ba Lan (33 tỷ m3i/ năm) và qua Ukraine (40 tỷ mét khối/ năm).

Nguồn khí đốt cho phương Tây qua Nord Stream 1 không chỉ do Nga cung cấp. Đơn vị vận hành Nord Stream 1 là Nord Stream AG, tập đoàn quốc tế có 51% cổ phần do Gazprom, công ty quốc doanh Nga - nắm giữ. Từ đó ta có thể thấy tầm quan trọng của Nga trong việc cung cấp khí đốt cho EU thông qua đường ống này.

Tỷ lệ khí đốt Nga cung cấp cho các nước EU lên tới 40%, trong đó có nước tới 100%. Nguồn: Eurostat 2021, Aljazeera minh họa

Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu để sưởi ấm trong hộ gia đình và phát điện. Năm 2020, EU nhận khoảng 40% khí đốt từ Nga. 

Năm nay, tỉ lệ tiêu thụ năng lượng của EU từ Nga đã sụt giảm đáng kể, khiến các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng lao đao và giá hàng hóa tăng vọt.

Tại sao “dòng chảy phương Bắc” không thông?

Trước đây, việc bảo trì Nord Stream 1 phần lớn đều không được thông báo. Tuy nhiên, đến khi EU và Nga đối đầu, hệ thống liên tục gặp sự cố phải giảm tải hoặc gián đoạn.

Đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây do cuộc chiến của Nga tại Ukraine từ hồi tháng Hai, Nga mang Nord Stream 1 ra làm vũ khí để đẩy giá tiêu dùng ở châu Âu và làm suy yếu các lệnh trừng phạt.

Hồi tháng Sáu, Nga cắt giảm đến 60% lượng khí đốt vận chuyển qua Nord Stream 1, cái cớ được đưa ra là Nga chưa nhận về một tua bin đẩy khí đang được Siemens Energy bảo trì ở Canada. Phía Đức không đồng ý lời giải thích này, nói rằng không có “biện minh kỹ thuật” nào cho việc giảm lượng khí đốt này.

Tháng tiếp theo, Nga lại cho ngừng toàn bộ hoạt động của đường ống này trong mười ngày để tiến hành hoạt động bảo trì hàng năm. Đến 21/7, hệ thống vận hành trở lại nhưng vẫn chỉ ở mức hồi tháng Sáu. Cuối tháng Bảy, đường ống lại bị giảm tiếp 20% công suất, chỉ còn 1/5 so với bình thường. 

Người đứng đầu chính sách năng lượng EU, bà Kadri Simson cho biết EU thừa biết “không có lý do kỹ thuật nào khi làm vậy”, và nói thêm rằng EU buộc phải lường trước các động thái của Nga bằng cách giảm tiêu thụ khí đốt.

Gần đây nhất, các nhà lãnh đạo EU lại tiếp tục đau đầu khi phía Nga lại tuyên bố ngừng hệ thống để sửa chữa các lỗi kỹ thuật vào ba ngày từ 31.8 đến 2.9. 

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói rằng Nga “không thích” việc cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Tuy nhiên, “nếu châu Âu cứ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế một cách liều lĩnh nhằm vào Nga, thì tình hình có thể thay đổi”.

Chiếc tua bin nổi tiếng

Siemens Energy là doanh nghiệp chịu trận khi Đức và Nga tranh cãi “nảy lửa” về tua bin mà phía Moscow nói là lý do khiến Nga phải giảm lượng khí đốt cho châu Âu.

“Có lẽ đây là một trong những tua bin nổi tiếng nhất thế giới”, CEO của Siemens Energy, ông Christian Bruch nói trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin CNBC ngày 8.8. 

Về mặt kỹ thuật, tua bin này nhằm mục đích dự phòng, luôn được luân chuyển giữa trung tâm bảo trì và nhà vận hành, nhằm thay thế cho một trong năm tua bin khác đang vận hành bình thường. Ông Bruch cho rằng tua bin này không liên quan gì đến việc cắt giảm lượng khí đốt. “Có thể có những lý do khác, về điểm này tôi thực sự không bình luận được”, ông nói.

Siemens Energy vẫn đang trao đổi với hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom mỗi ngày để phía Nga nhận lại chiếc tua bin đang nằm sẵn ở Đức.

Phản ứng của EU

Bất chấp những lời trấn an từ Nga, EU rục rịch chuẩn bị nếu Nga quyết định cắt dòng khí đốt đến châu Âu vào mùa đông này. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và phụ thuộc 1/3 nguồn cung khí đốt vào Nga đã chạy đua để tăng lượng khí đốt dự trữ trước mùa đông này.

Bộ trưởng năng lượng của các nước EU hồi tháng Bảy cũng thỏa thuận thành công đề xuất tự nguyện giảm tiêu thụ tới 15% trước giữa tháng Chín nhằm tiết kiệm khoảng 45 tỷ mét khối khí đốt cần thiết cho mùa đông. 

Nếu các quốc gia thành viên không đạt được mục tiêu “khéo co vừa ấm” này, EU có thể đưa yêu cầu cắt giảm thành bắt buộc trong EU. 

“Đây là cuộc chiến khí đốt công khai trong đó Nga chống lại một châu Âu đoàn kết”, Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelenskyy nói. Tuy nhiên, những nước có nền nhiệt độ cao hơn hoặc có dự trữ năng lượng cao hơn bao gồm Hy Lạp, Ý, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha không mấy hài lòng với mục tiêu giảm tiêu thụ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tại sao cả châu Âu "nín thở’ dõi theo Nord Stream 1?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO