Tài chính tuần qua: Loạt nhà băng báo nợ xấu tăng vọt, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn

Mạnh Đại | 07:30 03/11/2024

Loạt nhà băng như MSB, MBBank, Eximbank báo nợ xấu tăng vọt, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn; Loạt quy định mới về lãi suất tiền gửi, rút tiền gửi trước hạn sẽ có hiệu lực trong tháng 11; NHNN tái triển khai biện pháp kép để 'ghìm cương' tỷ giá; Khởi tố một nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt 5 tỷ đồng, công an đang tìm người bị hại, …

Tài chính tuần qua: Loạt nhà băng báo nợ xấu tăng vọt, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn

MSB báo lãi “bốc hơi” mạnh, có hơn 3.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn

Trong quý 3/2024, ngân hàng MSB báo lãi “bốc hơi” 26,3% do doanh thu sụt giảm, chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng gia tăng. Ngoài ra, tổng nợ xấu nội bảng của nhà băng “phình to”, có hơn 3.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn.

ngan-hang-msb-11-5568_atqe.jpg

Cụ thể, tính đến ngày 30/9/2024, Cho vay khách hàng của MSB đạt 170.620 tỷ đồng, tăng 14,4% so với đầu năm.

Đáng chú ý, tổng nợ xấu nội bảng của MSB “phình to” so với đầu năm, tăng 14,77% lên 4.913 tỷ đồng.

Trong khi, Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 700 tỷ đồng, giảm 32,12% và Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 1.204 tỷ đồng, giảm 16,46%. Ngược lại, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) lại tăng “phi mã” 66,46% lên 3.008 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của MSB cũng tăng nhẹ từ 2,87% hồi đầu năm, lên 2,88% vào thời điểm cuối tháng 9/2024.

Xem thêm tại đây

Nợ xấu MBBank (MBB) “phình to” lên gần 15.700 tỷ đồng, có hơn 4.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn

Theo đó, tính đến thời điểm 30/9/2024, tổng nợ xấu của MBBank là 15.684 tỷ đồng, tăng 59,97% so với đầu năm.

mb-16581380942271020378526.jpg

Trong đó, Nợ dưới tiêu chuẩn (Nợ nhóm 3) là 6.054 tỷ đồng, tăng 88,58%; Nợ nghi ngờ (Nợ nhóm 4) là 5.582 tỷ đồng, tăng 50,71%; Nợ có khả năng mất vốn (Nợ nhóm 5) là 4.047 tỷ đồng, tăng 40,06%.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cũng tăng từ 1,6% hồi đầu năm, lên 2,23% vào thời điểm cuối tháng 9/2024.

Trước bối cảnh nợ xấu nội bảng “phình to”, trong 9 tháng đầu năm vừa qua, MBBank đã trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng hơn 6.352 tỷ đồng, tăng 41.18% so với cùng kỳ năm 2023.

Xem thêm tại đây

Eximbank (EIB) nợ xấu tăng vọt lên 4.318 tỷ đồng, với hơn 65% là nợ có khả năng mất vốn

Theo đó, tính đến thời điểm 30/9/2024, Cho vay khách hàng của Eximbak đạt 159.483 tỷ đồng, tăng 13,55%.

Đáng chú ý, nợ xấu nội bảng của Eximbank tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm vừa qua, vọt lên 4.318 tỷ đồng, tăng 15,86% so với đầu năm.

hinhgiaodich1-20220923172323739.jpg

Cụ thể, Nợ dưới tiêu chuẩn (Nợ nhóm 3) là 642 tỷ đồng, tăng 43,81%; Ngược lại, Nợ nghi ngờ (Nợ nhóm 4) lại giảm gần 40% xuống 851 tỷ đồng; Đặc biệt, Nợ có khả năng mất vốn (Nợ nhóm 5) tăng 51,23% lên 2.825 tỷ đồng, chiếm 65,43% tổng nợ xấu nội bảng của nhà băng này.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Eximbank cũng tăng từ 2,65% hồi đầu năm, lên 2,71% vào thời điểm cuối tháng 9/2024.

Xem thêm tại đây

Loạt quy định mới về lãi suất tiền gửi, rút tiền gửi trước hạn sẽ có hiệu lực trong tháng 11

Ngày 30/9/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành chính thức ba Thông tư số 46, 47 và 48, quy định mới về lãi suất tiền gửi bằng đồng và ngoại tệ, quy định về rút tiền gửi trước hạn, có hiệu lực trên toàn hệ thống từ ngày 20/11/2024.

co-lay-lai-tien-gui-trong-ngan-hang-bi-mat_0304102003.jpg

Thông tư 46/2024/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư 47/2024/TT-NHNN sửa đổi khoản 3 Điều 3 Thông tư số 04/2022/TT-NHNN liên quan đến hình thức tiền gửi rút trước hạn.

Thông tư 48/2024/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Xem thêm tại đây

NHNN tái triển khai biện pháp kép để 'ghìm cương' tỷ giá

Phản ứng sau động thái của Nhà điều hành, tỷ giá USD/VND trên các thị trường đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo đó, tỷ giá USD/VND trong nước liên tục tăng nóng trong tháng 10 và tiệm cận vùng đỉnh lịch sử ghi nhận vào tháng 4/2024.

Trước diễn biến trên, NHNN đã và đang phối hợp triển khai đồng bộ các công cụ của mình để kiềm chế đà tăng của tỷ giá.

nhn1n-16889892242921979556618-1-(1).jpg

Biện pháp đầu tiên được NHNN sử dụng là việc mở lại kênh phát hành tín phiếu sau gần 2 tháng tạm ngưng. Theo đó, từ ngày 18/10, NHNN đã bắt đầu chào thầu tín phiếu trở lại với hai kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày. Việc mở lại hoạt động chào bán tín phiếu cho thấy định hướng hút bớt thanh khoản VND trong hệ thống ngân hàng và có chiều hướng làm tăng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng.

Với các ngân hàng cần nguồn hỗ trợ, NHNN vẫn sẵn sàng cho vay qua kênh OMO nhưng các nhà băng này phải chấp nhận mức lãi suất không rẻ, ở mức 4%/năm.

Việc sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, vừa giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.

Trong bối cảnh tỷ giá vẫn tiếp tục leo thang sau một tuần phát hành tín phiếu trở lại, NHNN đã tiếp tục sử dụng biện pháp mạnh mẽ hơn là bán can thiệp ngoại tệ.

Xem thêm tại đây

Khởi tố một nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt 5 tỷ đồng, công an đang tìm người bị hại

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Hoàng Tuấn Dương, sinh năm 1997, trú tại khu 5, phường Việt Hưng, thành phố Hạ Long, nguyên là nhân viên Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Đông Quảng Ninh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.

dieu-tra-vien-lay-loi-khai-hoang-tuan-duong-tai-co-quan-canh-sat-dieu-tra-cong-an-tinh-quang-ninh(1).jpg
Điều tra viên lấy lời khai Hoàng Tuấn Dương tại cơ quan công an.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh nhận được đơn của anh N.T.Đ trú tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long tố giác Hoàng Tuấn Dương có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 5 tỷ đồng thông qua hình thức vay tiền đáo hạn ngân hàng.

Xem thêm tại đây

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tài chính tuần qua: Loạt nhà băng báo nợ xấu tăng vọt, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO