Điều này đã giáng đòn nặng nề vào hoạt động kinh doanh của họ, làm dấy lên những lo ngại mới về khả năng duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu tại quốc gia này.
Theo số liệu chính thức, các công ty quốc tế và liên doanh chiếm gần 1/3 tổng giá trị thương mại của Trung Quốc. Con số này cho thấy mức độ phụ thuộc lớn của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Apple, Tesla cùng vô số nhà sản xuất nhỏ hơn vẫn dựa vào Trung Quốc như một trung tâm sản xuất chủ lực. Mô hình hoạt động phổ biến là nhập khẩu nguyên liệu hoặc linh kiện từ Mỹ để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, sau đó tái xuất khẩu. Tuy nhiên, cách thức này hiện khiến họ phải đối mặt với nguy cơ chịu thuế cả 2 chiều, tức là vừa thuế nhập khẩu của Trung Quốc, vừa thuế xuất khẩu của Mỹ.
"Doanh nghiệp nước ngoài đang thực sự bị ‘bóp nghẹt’ tại thị trường Trung Quốc," Heiwai Tang, Giám đốc Viện Toàn cầu châu Á thuộc Đại học Hong Kong, nhận định.
Tang nói: ”Họ bị đánh thuế khi nhập nguyên liệu và lại bị đánh thuế tiếp khi xuất sản phẩm trở lại Mỹ. Họ phải chịu thiệt hại gấp đôi."
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc và tính toán của Financial Times, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 980 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc năm ngoái (hơn 1/4 tổng xuất khẩu) và 820 tỷ USD vào kim ngạch nhập khẩu (hơn 1/3 tổng nhập khẩu). Trung Quốc cũng ghi nhận mức thặng dư thương mại kỷ lục gần 1.000 tỷ USD trong cùng kỳ.
Từ lâu, "cỗ máy xuất khẩu" của Trung Quốc được xây dựng trên nền tảng các công ty nước ngoài – bao gồm cả các doanh nghiệp từ Hồng Kông và Macau, nhờ tận dụng nguồn lao động dồi dào và giá rẻ. Các doanh nghiệp này từng chiếm tới 55% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc vào năm 2008.
Tuy nhiên, tỷ trọng đã giảm dần khi Bắc Kinh đẩy mạnh chiến lược tự cường công nghiệp. Dẫu vậy, năm ngoái, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm gần 30% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc.
Điều đáng chú ý là dù chiếm phần lớn lượng xuất nhập khẩu, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài chỉ đóng góp 16% vào tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc, do lượng nhập khẩu của họ cao hơn so với lượng xuất khẩu.
Michael Hart, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho biết không chỉ các công ty Mỹ mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Mỹ cũng đang chịu ảnh hưởng.
Một số ngành đã được Bộ Thương mại Trung Quốc xem xét miễn trừ thuế, song chính sách này chưa được áp dụng rộng rãi.
Trung Quốc hiện có quy định miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu cho hàng hóa xuất khẩu theo mô hình "gia công xuất khẩu", nhưng chỉ áp dụng với sản phẩm tái xuất sang Mỹ trong thời hạn nhất định. Nếu xuất sang các nước khác, ưu đãi miễn trừ này sẽ không được áp dụng.
Điển hình như Jacob Rothman, CEO của Velong Enterprises – một công ty chuyên sản xuất đồ gia dụng tại Trung Quốc cho các nhà bán lẻ Mỹ như Walmart, cho biết họ nhập khẩu Tritan, một loại nhựa sản xuất tại Mỹ. Ông chỉ ra, họ phải chịu thuế 2 lần với sản phẩm chứa nguyên liệu này: 1 lần khi nhập Tritan và 1 lần khi xuất hàng thành phẩm.
Ngay cả khi Bắc Kinh đưa ra một số quy định miễn trừ tạm thời, giới chuyên gia vẫn cảnh báo rằng cuộc chiến thuế quan sẽ khiến dòng FDI vào nước này tiếp tục sụt giảm. Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, FDI vào nước này đã giảm 27,1% trong năm 2024 so với năm trước đó, tính theo giá trị nhân dân tệ.
"Những công ty đặt mục tiêu phục vụ thị trường Trung Quốc nội địa có thể vẫn sẽ tiếp tục đầu tư," Qiu Dongxiao, Trưởng khoa Kinh tế tại Đại học Lĩnh Nam Hồng Kông nhận định.
"Nhưng nếu mục tiêu của bạn là xuất khẩu sang thị trường khác, đặc biệt là Mỹ, thì bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Các doanh nghiệp cần nghiêm túc xem xét lại chiến lược toàn cầu của mình.", ông nói thêm.
Tham khảo Financial Times