Sự bất khả xâm phạm của Nvidia: Khách hàng tình nguyện đợi 18 tháng thay vì mua sản phẩm sẵn có, Google đã có chip AI song vẫn phải cậy nhờ

Vũ Anh | 14:29 23/08/2023

Nvidia đang độc chiếm thị trường xử lý đồ họa.

Sự bất khả xâm phạm của Nvidia: Khách hàng tình nguyện đợi 18 tháng thay vì mua sản phẩm sẵn có, Google đã có chip AI song vẫn phải cậy nhờ

Naveen Rao, chuyên gia công nghệ tại một công ty khởi nghiệp được Intel thâu tóm, từng dành nhiều năm cố gắng cạnh tranh với Nvidia - nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới mảng trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, không lâu sau đó, người đàn ông này đã buộc phải thừa nhận Nvidia quá khác biệt so với các đối thủ. 

Trong hơn 10 năm, Nvidia đã xây dựng được vị thế dẫn đầu gần như bất khả xâm phạm trong việc sản xuất chip và thực hiện các tác vụ AI phức tạp như nhận dạng hình ảnh, khuôn mặt, giọng nói, cũng như tạo văn bản cho các chatbot như ChatGPT. Tầm nhìn sâu rộng với xu hướng trí tuệ nhân tạo mới đã giúp Nvidia định hướng rõ chiến lược xâm chiếm thị trường của mình. 

Jensen Huang, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Nvidia, kể từ đó không ngừng nâng cao tiêu chuẩn để duy trì vị trí hàng đầu. Công ty cũng cung cấp cho khách hàng quyền truy cập máy tính chuyên dụng, dịch vụ điện toán và các công cụ thương mại mới nổi khác nhằm biến Nvidia thành ‘cái nôi’ tiên phong duy nhất phát triển AI.

Theo công ty nghiên cứu Omdia, trong khi Google, Amazon, Meta, IBM và những công ty khác đều cùng sản xuất chip AI, Nvidia ngày nay đã chiếm hơn 70% doanh số toàn thị trường. Công ty này cũng giữ vị thế quan trọng trong lĩnh vực đào tạo các mô hình AI tổng quát. 

Vào tháng 5, vị thế Nvidia trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết sau khi công ty dự đoán doanh thu hàng quý sẽ tăng 64%, cao hơn nhiều so với ước tính của Phố Wall. Nvidia cũng chạm mốc 1 nghìn tỷ USD vốn hóa vào thời gian đó, qua đây trở thành nhà sản xuất chip giá trị nhất hành tinh. 

“Khách hàng sẽ tình nguyện đợi 18 tháng để mua sản phẩm của Nvidia thay vì những con chip bán sẵn. Không thể tin được”, Daniel Newman, nhà phân tích của Futurum Group, cho biết. 

1x-1-83-.jpg
Nvidia đang độc chiếm thị trường xử lý đồ họa.

CEO Huang, 60 tuổi, người thường xuyên xuất hiện với chiếc áo khoác da màu đen, đã nói rất nhiều về AI. Ông khẳng định ngành điện toán đang trải qua sự thay đổi lớn nhất kể từ khi IBM xác định cách thức vận hành hầu hết các hệ thống và phần mềm cách đây 60 năm. GPU và các chip chuyên dụng đang thay thế các bộ vi xử lý tiêu chuẩn, trong khi các chatbot AI thay thế các mã hóa phần mềm phức tạp.

“Đây là cuộc cách mạng cho cách thức hoạt động của máy tính. Chúng tôi đã xây dựng lại mọi thứ từ đầu”, ông Huang nói. 

Nỗ lực ước tính tiêu tốn hơn 30 tỷ USD trong một thập kỷ khiến Nvidia không chỉ đơn thuần là một nhà cung cấp linh kiện. Ngoài việc hợp tác với các nhà khoa học và các startup hàng đầu, công ty còn xây dựng một đội ngũ trực tiếp tham gia nghiên cứu và đào tạo các hoạt động về AI.

Các đột phá của Nvidia trong lĩnh vực AI bắt nguồn từ 2 thập kỷ trước, khi công ty quyết định tập trung vào phần mềm thay vì silicon. Được tạo ra năm 2006, phần mềm Cuda của Nvidia cho phép gia tăng tốc độ hoạt động của các GPU. Một bước ngoặt khác cũng xảy ra vào khoảng năm 2012, khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng GPU phù hợp một cách hoàn hảo giúp đẩy nhanh tiến trình phát triển AI.

Tháng 9 năm ngoái, Nvidia công bố sản xuất một con chip mới có tên H100 có giá dao động trong khoảng từ 15.000 USD đến hơn 40.000 USD. Đặt theo tên của nhà khoa học máy tính Grace Hopper, đây được đánh giá là một trong những sản phẩm hấp dẫn của gã khổng lồ Nvidia do được nhiều công ty công nghệ lớn săn đón.

Lý giải cho cơn sốt này, H100 có bộ xử lý có khả năng thúc đẩy cuộc cách mạng AI tạo sinh, đồng thời cung cấp cho các mô hình ngôn ngữ lớn (như ChatGPT) sức mạnh tính toán cần thiết để xử lý hàng tỷ thông số định hình đầu ra. Không có H100, sự phát triển của các mô hình AI có nguy cơ bị đình trệ.

1200x793-1-.jpg
Trong hơn 10 năm, Nvidia đã xây dựng được vị thế dẫn đầu gần như bất khả xâm phạm trong việc sản xuất chip

Để mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng, Nvidia gần đây thiết lập quan hệ đối tác với các công ty công nghệ lớn và đầu tư vào một số startup, trong đó có Inflection AI. Mustafa Suleyman, giám đốc điều hành Inflection AI cho biết công ty không có nghĩa vụ phải sử dụng các sản phẩm của Nvidia song không thể tìm ra sản phẩm thay thế nào khác. 

“Nvidia phải vấp ngã vì một lý do nào đó thì các đối thủ cạnh tranh mới có cơ hội”, Chris Mack, nhà phân tích tại Harding Loevner LP, một công ty đầu tư sở hữu khoảng 160 triệu USD cổ phiếu Nvidia, cho biết.

Do nhu cầu đối với các con chip quá lớn, Nvidia phải quyết định khách hàng nào sẽ nhận được bao nhiêu. Sức mạnh này khiến một số giám đốc điều hành công nghệ cảm thấy khó chịu. Hầu hết các đối thủ đều cho biết rất khó để cạnh tranh với một công ty vừa bán máy tính, phần mềm, dịch vụ đám mây, mô hình AI cũng như bộ xử lý và ngay cả Google cũng phải dựa vào GPU của Nvidia. “Chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với Nvidia”, Amin Vahdat, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc cơ sở hạ tầng máy tính Google, cho biết.

Theo Pierre Ferragu, một nhà phân tích tại New Street, ngay cả những người quyền lực nhất trong ngành cũng kiêng nể trước Huang. 

“Ai nấy đều sợ làm mất lòng Nvidia”, Pierre Ferragu nói. 

Đáp lại, ông Huang từ chối các câu hỏi xoay quanh mối đe dọa đối với Nvidia. Vị giám đốc điều hành không quan tâm liệu khách hàng của mình có trở thành đối thủ hay không, thậm chí khẳng định Google là một trong những đối tác cốt lõi. 

Theo: The New York Times, Bloomberg 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Sự bất khả xâm phạm của Nvidia: Khách hàng tình nguyện đợi 18 tháng thay vì mua sản phẩm sẵn có, Google đã có chip AI song vẫn phải cậy nhờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO