Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Nhà sáng lập Công ty Trí Việt Phát mang đến cho dàn "cá mập" những món ăn có sử dụng gia vị do công ty này sản xuất, đồng thời kêu gọi 22 tỷ đồng đổi lấy 5% cổ phần.
Theo giới thiệu, bà Vân Anh tốt nghiệp khoa Hoá thực phẩm - Đại học Bách Khoa, có 11 năm kinh nghiệm làm việc tại các công ty đa quốc gia, sau đó khởi nghiệp 10 năm. Công ty Trí Việt Phát là thương hiệu bán xỉ, trong khi đó có các thương hiệu bán lẻ như Gungon - chuyên về gia vị, Wil - chuyên về dòng nước uống tiện lợi. Công ty Trí Việt Phát cũng là đơn vị cung cấp gia vị cho nhiều công ty lớn như: CP, Vissan, Kingdom, LC Foods, Jollibee, KFC, Mondele, Five Star, Halong Canfoco, SG Milk,…
Bà Vân Anh đưa ra bức tranh tài chính khá ấn tượng của Trí Việt Phát. Cụ thể, doanh thu năm 2021 đạt 109 tỷ đồng, 2022 đạt 157 tỷ đồng và dự kiến 2023 đạt 187 tỷ đồng. Công ty có tổng vốn chủ sở hữu đạt 80 tỷ đồng, vốn điều lệ 10 tỷ đồng, không vay. Ngoài ra, Trí Việt Phát cũng có nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn FSSC 22000 - một trong 5 chứng nhận toàn cầu, với tổng vốn đầu tư 44 tỷ đồng (chưa tính giá trị đất thuộc sở hữu của hai vợ chồng nhà sáng lập).
"Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng công ty vẫn tăng trưởng 40-46%/năm", bà Vân Anh cho hay.
Shark Hưng liên tục đặt ra các câu hỏi để làm rõ mô hình kinh doanh của Trí Việt Phát:
+ Shark Hưng: Tại sao bạn kêu gọi 22 tỷ đồng trong khi bức tranh tài chính khá lành mạnh?
- Bà Vân Anh: Mục tiêu chúng tôi hướng đến là công ty toàn cầu nên mong muốn được đầu tư để trở thành công ty 1.000 tỷ trong 4 năm tới.
+ Shark Hưng: Bạn định nghĩa thế nào là công ty toàn cầu?
- Bà Vân Anh: Thứ nhất, là IPO. Thứ hai, sản phẩm bán được nhiều nơi và tốt hơn là có nhà máy ở quốc gia khác.
+ Shark Hưng: Bạn có sản xuất gia công?
- Bà Vân Anh: Trước 2021 thì có, nhiều đối tác của tôi trở thành các thương hiệu có tiếng. Sau 2021, chúng tôi không gia công nữa.
Trong khi đó, Shark Bình nhận định mức định giá công ty gấp 2 lần doanh thu là khá cao.
Shark Tuệ Lâm và Shark Hùng Anh lại băn khoăn về khả năng cạnh tranh vì thị trường đã có nhiều đối thủ lớn. Dẫu vậy, nhà sáng lập Trí Việt Phát tự tin không có đối thủ, vì công ty gia vị thì rất nhiều nhưng công ty đạt chuẩn FSSC 22000 lại không có nhiều. Đồng thời, công ty có đội ngũ R&D để liên tục phát triển sản phẩm mới. Công ty cũng đã đưa sản phẩm lên kệ siêu thị tại Mỹ và Nhật Bản, đóng góp 10% vào tổng doanh thu.
Cuộc so găng căng thẳng
Đến đây, Shark Hưng chần chừ về hiệu quả của khoản đầu tư. "Bạn đang rất ổn vào năm 2022 trở về trước, khi tập trung vào B2B, nghiên cứu, nhà máy. Tôi cảm thấy lo lắng khi bạn bước vào B2C. Với B2C, để định vị được thương hiệu rất tốn kém, không chỉ là tiền mà còn phải rất sáng tạo. 22 tỷ đầu tư vào doanh nghiệp của bạn chỉ chiếm 5% thì không có ý nghĩa gì, nhưng 22 tỷ tôi tin là làm nên một nhãn hàng hoành tráng", Shark Hưng nhận định. Dẫu vậy, vị "cá mập" vẫn đưa ra đề nghị: 22 tỷ đồng cho 15,1%,
Trong khi đó, Shark Hùng Anh đề nghị: 22 tỷ cho 20% cổ phần.
Nhìn thấy "miếng bánh" hấp dẫn, Shark Bình cũng đề xuất đầu tư 22 tỷ cho 15% cổ phần, với cam kết trả cổ tức tối thiểu 15% của khoản đầu tư.
Shark Erik và Shark Tuệ Lâm không đưa ra đề nghị.
Nhận thấy giá trị công ty thấp hơn kỳ vọng, nữ sáng lập "mặc cả": 22 tỷ đồng cho 11% cổ phần. Bà tự tin có thể đạt doanh thu 260 tỷ đồng vào năm sau, 500 tỷ đồng vào 3 năm tới.
Điều này khiến các Shark Bình và Shark Hùng Anh lần lượt phải điều chỉnh đề nghị thành: 22 tỷ đồng cho 13% cổ phần và 24 tỷ đồng cho 15% cổ phần.
Cuối cùng, nữ founder lựa chọn bắt tay cùng với Shark Hùng Anh, chốt deal 24 tỷ đồng đổi lấy 15% cổ phần công ty.