SMC giải trình gì về khoản phải thu hơn 1.100 tỷ đồng từ Novagroup?

Dương Hùng | 06:34 28/05/2025

CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) để giải trình về ý kiến nhấn mạnh trong báo cáo kiểm toán năm 2024.

SMC giải trình gì về khoản phải thu hơn 1.100 tỷ đồng từ Novagroup?

Theo SMC, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện có hai ý kiến nhấn mạnh, tuy nhiên đây không phải là các ý kiến ngoại trừ và không ảnh hưởng đến tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính.

Cụ thể, ý kiến nhấn mạnh thứ nhất liên quan đến khoản phải thu từ Công ty Cổ phần Novagroup (Novagroup) và các công ty liên quan. Tính đến ngày 31/12/2024, khoản phải thu này ghi nhận hơn 1.115 tỷ đồng. Ngày 20/12/2024, SMC và Novagroup đã ký kết bảng xác nhận công nợ và văn bản cam kết thanh toán. Tuy nhiên, thời điểm lập báo cáo trùng vào kỳ nghỉ Tết Âm lịch, khiến các tài liệu bổ sung như hợp đồng, chứng thư định giá và hồ sơ nội bộ chưa được hoàn tất đầy đủ.

Đến ngày 26/4/2025, toàn bộ hồ sơ liên quan đến khoản phải thu đã được Nova Group và các bên liên quan cung cấp đầy đủ. Bao gồm các hợp đồng mua bán thương mại, hợp đồng cấn trừ công nợ, văn bản thỏa thuận, chứng thư thẩm định giá tài sản bảo đảm do đơn vị thẩm định độc lập cung cấp, cũng như các văn bản phê duyệt nội bộ theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty. Trên cơ sở đó, SMC đã rà soát lại toàn bộ khoản công nợ này, xác định giá trị tài sản bảo đảm là gần 730 tỷ đồng, chiếm hơn 65% tổng giá trị phải thu.

Việc hoàn nhập dự phòng -335,2 tỷ đồng giúp cải thiện lợi nhuận năm 2024, phù hợp với quy định tại Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 23 (VAS 23).

Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng bày tỏ nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của SMC khi lỗ lũy kế đến 31/12/2024 lên tới 139.625 tỷ đồng, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 508.075 tỷ đồng, và nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 622.624 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty khẳng định vẫn đáp ứng giả định hoạt động liên tục nhờ các biện pháp như tinh gọn bộ máy, thanh lý tài sản kém hiệu quả, tập trung vào hai mảng Thương mại và Gia công, đồng thời đàm phán gia hạn nợ để giảm áp lực dòng tiền.

Về việc khắc phục thua lỗ 02 năm liên tiếp, SMC cho biết lợi nhuận sau thuế năm 2024 đã tăng từ -269.653 tỷ đồng (theo BCTC ban đầu) lên 65.573 tỷ đồng sau điều chỉnh. Nguyên nhân chính đến từ việc hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi (335,2 tỷ đồng) và thanh lý tài sản đầu năm 2024, thu về 303 tỷ đồng từ việc bán dây chuyền sản xuất và các khoản đầu tư.

Để ổn định hoạt động, SMC cho biết đang triển khai đồng bộ các giải pháp: tối ưu hàng tồn kho thông qua thanh lý nguyên liệu tồn đọng, siết chặt quản lý công nợ bằng cách đàm phán chiết khấu cho khách hàng thanh toán sớm, cắt giảm 10-15% chi phí sản xuất nhờ cải tiến quy trình, và tái cấu trúc tài chính để xử lý dứt điểm nợ Novaland. Trong 4 tháng đầu năm 2025, Công ty đã thanh lý một phần dây chuyền sản xuất thép Sendo, chuyển nhượng dây chuyền Cán mạ tại nhà máy Thép SMC Phú Mỹ, đồng thời duy trì các khoản vay ngân hàng với lãi suất tối ưu.

Về tình hình kinh doanh, trong quý 1/2025, SMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.847 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Trừ chi phí, công ty báo lãi sau thuế 127 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Dù vậy, đây vẫn là kết quả kinh doanh đầy khả quan, khi trước đó SMC có 3 quý báo lỗ liên tiếp.

co-phieu-smc.png
Thị giá cổ phiếu SMC tăng hơn 75% trong vòng gần 2 tháng qua. (nguồn: Cafef)

Trên thị trường chứng khóa, kết phiên 27/05, giá cổ phiếu SMC ở mức 10.450 đồng/cổ phiếu, đứng giá so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt 333,3 nghìn đơn vị.

Nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong 3 tháng đầu năm, kể từ đầu tháng 04 đến nay thị giá cổ phiếu SMC liên tục “bay cao”, tăng hơn 75%, tương ứng tăng khoảng 4.540 đồng/cổ phiếu. Hiện, vốn hóa thị trường của công ty đạt hơn 769 tỷ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
SMC giải trình gì về khoản phải thu hơn 1.100 tỷ đồng từ Novagroup?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO