Cụ thể, dự thảo Thông tư quy định về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trên hệ thống giao dịch; tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; chế độ báo cáo và công bố thông tin.
6 tiêu chuẩn để trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch trên hệ thống
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chào bán theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nếu đáp ứng các tiêu chuẩn:
Thứ nhất, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền;
Thứ hai, Doanh nghiệp phát hành trái phiếu có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm giao dịch trên hệ thống từ 30 tỷ đồng trở lên theo báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán;
Thứ ba, Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm giao dịch trên hệ thống phải có lãi và không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là công ty mẹ, vốn điều lệ và kết quả kinh doanh được xác định trên báo cáo tài chính hợp nhất. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng, vốn điều lệ và kết quả kinh doanh được xác định trên báo cáo tài chính tổng hợp;
Thứ tư, Trái phiếu của công ty không phải công ty đại chúng phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn;
Thứ năm, Trái phiếu đã được đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam;
Thứ sáu, Trái phiếu phát hành đáp ứng các điều kiện chào bán quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP.
Cũng theo Dự thảo Thông tư này, trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ chỉ được giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định pháp luật.
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán quy định tại dự thảo không bao gồm các trường hợp chuyển quyền sở hữu tại các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam chịu trách nhiệm ban hành quy chế thành viên, quy chế tiếp nhận, giám sát việc thực hiện công bố thông tin, báo cáo và giám sát giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, quy chế giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Khó cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu dưới hình thức góp vốn
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo có quy định cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn dưới hình thức góp vốn hoặc mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Quy định nhằm hạn chế tình trạng công ty mẹ, công ty con trong cùng tập đoàn huy động để chuyển vốn cho nhau.
Tuy nhiên, quy định này là không phù hợp với nguyên tắc quản trị của các tập đoàn. Thực tế, khi triển khai một dự án kinh doanh, tập đoàn thường sẽ không trực tiếp đảm nhận dự án mà thành lập công ty con để thực hiện dự án đó, đặc biệt là với các dự án đầu tư sang lĩnh vực hoặc dự án có độ rủi ro cao. Đây là phương thức thực hiện dự án quen thuộc và hiệu quả, giúp tránh được rủi ro và linh hoạt khi cần điều chỉnh cơ cấu.
Dù vậy, trong trường hợp đó, công ty con mới rất khó vay vốn và không đủ điều kiện phát hành trái phiếu, nên công ty mẹ có tín nhiệm cao hơn thường giữ vai trò huy động vốn, gồm cả biện pháp phát hành trái phiếu.
Quy định như vậy sẽ vô hình khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào các lĩnh vực mới, ngăn cản quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp và không khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế đa ngành, không phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết 10/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân.
VCCI cho rằng, việc kiểm soát doanh nghiệp góp vốn có thể thực hiện thông qua một số cơ chế khác như: Công khai thông tin về cả công ty phát hành và công ty được góp vốn, mua cổ phần gồm mục đích sử dụng vốn, dòng tiền, tình hình thực hiện dự án; Đại diện người sở hữu trái phiếu: Đơn vị này sẽ có trách nhiệm giúp các nhà đầu tư giám sát việc sử dụng vốn huy động…
Làm sao để xác định là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp?
Dự thảo cũng yêu cầu việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải được thực hiện trước mỗi khi thực hiện giao dịch mua/bán trái phiếu.
Theo VCCI, việc xác định vào thời điểm bán là không cần thiết. Việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhằm đảm bảo các cá nhân nhỏ lẻ không chuyên có thể tham gia vào lĩnh vực này.
Tại thời điểm bán, nhà đầu tư đã nắm giữ trái phiếu (đã tham gia thị trường) và do đó yêu cầu này sẽ không còn ý nghĩa nữa. Hơn nữa, việc này lại vô tình hạn chế quyền bán của chính nhà đầu tư đó.
Còn việc xác định vào thời điểm mua dường như không thực sự cần thiết vì nhà đầu tư có lách các quy định hiện nay bằng các biện pháp với chi phí thấp. Việc xác định lại tư cách nhà đầu tư tại mỗi thời điểm mua không thể giải quyết được vấn đề này, vì người mua trái phiếu một vài lần vẫn có thể chịu được phí tổn này, còn người mua trái phiếu nhiều lần thì rất có thể cũng được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Quy định này cũng dẫn đến phiền phức và phát sinh chi phí cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp vì vấn đề ở đây nằm ở tiêu chuẩn xác định nhà đầu tư chứng khoán tại Điều 11 Luật Chứng khoán. Nếu muốn giải quyết vấn đề theo Dự thảo Nghị định thì phải sửa Luật Chứng khoán.
Làm rõ về quyền mua lại trái phiếu trước hạn
Dự thảo Nghị định quy định, nhà đầu tư có quyền yêu cầu doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn khi phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng không đúng mục đích.
Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng ở điểm thế nào được coi là “phát hiện”? Liệu có cần kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc doanh nghiệp sử dụng tiền không mục đích hay nhà đầu tư chỉ cần yêu cầu với lý do trên là sẽ được mua lại?.
Nếu không có căn cứ yêu cầu mua lại phù hợp, chỉ cần có tin đồn trên thị trường, có thể khiến một lượng nhà đầu tư yêu cầu mua lại, gây ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính và dòng tiền của doanh nghiệp.
Dự thảo nên sửa đổi theo hướng nhà đầu tư được yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trong trường hợp có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp sử dụng vốn không đúng mục đích.
Trong dự thảo cũng quy định, doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi thay đổi mục đích sử dụng, vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu, vi phạm phương án phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, phải làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu, vi phạm phương án phát hành là tương đối rộng, trong đó có những hành vi vi phạm nhỏ, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhà đầu tư, do đó quyền được mua lại trong trường hợp này là không hợp lý.
Việc này tương tự như quy định về hủy bỏ hợp đồng, nghĩa là chỉ khi doanh nghiệp phát hành có những hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đến mức nhà đầu tư không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì mới phát sinh quyền này.
Dự thảo Nghị định còn bổ sung thành phần hồ sơ là kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với trường hợp phát hành cho nhà đầu tư cá nhân, phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán, có kết quả kinh doanh lỗ.
Tuy nhiên hiện nay quy định pháp luật về thị trường xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam chưa hoàn thiện, các chuẩn mực xếp hạng chưa được hình thành. Như vậy, việc yêu cầu kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ gây khó khăn lớn cho các tổ chức phát hành cũng như gây một số quan ngại liên quan đến chất lượng của kết quả xếp hạng tín nhiệm – vốn là yếu tố hàng đầu trong việc yêu cầu thành phần hồ sơ này.
VCCI cũng kiến nghị bỏ quy định nhà đầu tư cá nhân chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm vì không phù hợp với quyền tự do ra quyết định của nhà đầu tư. Kết quả tín nhiệm chỉ nên được xem là một thông tin tham khảo cho nhà đầu tư trong quá trình ra quyết định, không nên được coi là điều kiện loại trừ nhà đầu tư.