Đây là 5/11 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sử dụng vốn đầu tư công được Bộ Xây dựng lần lượt hoàn thành, đưa vào khai thác trong giai đoạn 2022 - 2023.
Trước đó, ngày 10/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2024/NĐ-CP quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác (sau đây gọi tắt là thu phí sử dụng đường bộ cao tốc), có hiệu lực kể từ ngày ký.
Nghị định này quy định rất chi tiết về điều kiện thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc, đối tượng chịu phí và người nộp phí; cơ quan quản lý thu phí, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ, đơn vị vận hành thu, cơ quan nhượng quyền thu phí, tổ chức nhận nhượng quyền thu phí sử dụng đường bộ cao tốc; phí, mức phí sử dụng đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông - Vận tải (nay là Bộ Xây dựng).
Ngoài việc xác định 5 đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư tiến hành thu phí đầu tiên, còn 2 nội dung quan trọng khác được Bộ Xây dựng đề cập trong Quyết định số 496.
Một là, phương thức khai thác được lựa chọn là cơ quan quản lý tài sản (Cục Đường bộ Việt Nam) trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Hai là, thời hạn khai thác tài sản đối với 5 tuyến cao tốc được đề cập trong Quyết định số 496 là 7 năm kể từ ngày bắt đầu thu phí sử dụng đường bộ cao tốc.
Tại Tờ trình về việc phê duyệt Đề án Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, phương thức khai thác được lựa chọn - cơ quan quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ - là phương án tối ưu nhất trong điều kiện hiện nay.
Phương thức này có ưu điểm là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đang trực tiếp được giao quản lý, khai thác tài sản; có thể triển khai được ngay, không phát sinh thêm tổ chức, biên chế; quá trình quản lý, khai thác tài sản liên tục không bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, phương thức khai thác được lựa chọn còn dự kiến được nguồn thu phí nộp ngân sách hằng năm; nguồn thu nộp ngân sách qua các năm tương đối ổn định; giúp Nhà nước linh hoạt khi điều chỉnh mức thu phí cho phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước sẽ không có ngay một khoản kinh phí, mà nguồn thu sẽ được duy trì và bổ sung dần dần hằng năm.
Trước khi tiến hành thu phí 5 tuyến cao tốc nói trên, Cục Đường bộ Việt Nam phải đáp ứng thêm một số điều kiện quan trọng khác là hoàn thành xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, thiết bị phục vụ việc thu phí; các công trình dịch vụ công tại trạm dừng nghỉ; hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ để quản lý và điều hành giao thông.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Xây dựng đang đầu tư hệ thống kiểm soát, điều hành giao thông thông minh (ITS), thu phí tự động không dừng (ETC) trên các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; triển khai đầu tư bổ sung hệ thống Back - End, hệ thống Cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ vào Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Vân Phong - Nha Trang, do Ban Quản lý dự án 7 là chủ đầu tư.
Được biết, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh và báo cáo của các chủ đầu tư, các hạng mục quan trọng này sẽ được hoàn thành trước ngày 31/12/2025.
Liên quan việc xây dựng các trạm dừng nghỉ tại 5 tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến hoàn thành dịch vụ công trong năm 2025.
Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi (qua mạng) để tổ chức thực hiện khai thác tài sản, đối với công tác quản lý vận hành và bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường. Thời hạn thực hiện đối với hợp đồng đấu thầu dịch vụ công bảo dưỡng thường xuyên đường bộ cao tốc không quá 3 năm, theo quy định tại Thông tư số 41/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024.
Đối với các dự án sửa chữa định kỳ thực hiện trong các năm, sẽ tiến hành lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu rộng rãi (qua mạng), trừ trường hợp được chỉ định thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.
Cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ cũng sẽ lắp đặt bổ sung thiết bị, giá long môn trên tuyến chính tại vị trí nối tiếp các dự án để phân tách các đoạn tuyến, bảo đảm phương án tổ chức thu phí liên tuyến thông qua việc lựa chọn, đấu thầu đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí theo quy định pháp luật về đấu thầu và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có liên quan.
Tính đến nay, có 13 tuyến đường cao tốc đã triển khai thu phí, với mức thu bình quân 1.713 đồng/xe tiêu chuẩn-PCU/km. Nguồn thu được sử dụng cho công tác quản lý, vận hành thu phí và hoàn vốn đầu tư các dự án.