Tại PNJ, giá vàng nhẫn vọt lên mức 116 – 119 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng tới 1,3 triệu đồng. Công ty SJC cũng điều chỉnh tăng 800.000 đồng, đưa giá vàng nhẫn lên ngưỡng 115 – 117,5 triệu đồng/lượng. DOJI nâng giá vàng nhẫn thêm 500.000 đồng ở cả hai chiều, giao dịch ở mức 109,3 - 110,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng tại các doanh nghiệp lớn như công ty SJC, PNJ và DOJI đồng loạt tăng thêm 300.000 đồng ở chiều mua vào và 800.000 đồng ở chiều bán ra, hiện dao động trong khoảng 120 – 121,5 triệu đồng/lượng.
Riêng Công ty VBĐQ Mi Hồng tại TP.HCM niêm yết giá mua vào vàng miếng ở mức 120,8 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng so với hôm qua, trong khi giá bán ra giữ nguyên ở 121,5 triệu đồng. Giá vàng nhẫn tại doanh nghiệp này cũng được điều chỉnh tăng 500.000 đồng, lên mức 116 - 117,5 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay hiện ở mức 3.390 USD/ounce, tăng 36 USD so với cùng thời điểm ngày hôm qua, mức cao nhất kể từ giữa tháng 6.
Thị trường vàng ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn một tháng qua, khi hàng loạt yếu tố kinh tế vĩ mô hội tụ, thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý. Hợp đồng vàng kỳ hạn giao tháng gần nhất đã tăng 1,5%, đóng cửa ngày hôm qua ở mức 3.401,90 USD/ounce.
Động lực chính cho đà tăng của vàng là sự suy yếu rõ rệt của đồng USD, vốn đã giảm mạnh so với các đồng tiền chủ chốt. Chỉ số ICE Dollar Index giảm 0,62 điểm xuống còn 97,86 điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hàng hóa định giá bằng USD. Đồng thời, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm mạnh: lợi suất kỳ hạn 2 năm giảm 2,6 điểm cơ bản xuống 3,854%, trong khi lợi suất kỳ hạn 10 năm giảm 5,7 điểm cơ bản xuống 4,366%.
Sự kết hợp giữa đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu giảm đã tạo ra môi trường lý tưởng cho vàng, tài sản không sinh lãi khi chi phí cơ hội giảm xuống. Bên cạnh đó, nhu cầu trú ẩn an toàn cũng gia tăng trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn leo thang, khiến thị trường thêm bất ổn.
Tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick đã khiến tiến trình đàm phán thêm phần cấp bách. Dù bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu, ông Lutnick nhấn mạnh thời hạn ngày 1/8 là “hạn chót cứng” cho đàm phán.
Ông cũng khẳng định mức thuế cơ bản 10% sẽ tiếp tục được duy trì trong suốt quá trình đàm phán, thể hiện quyết tâm của chính quyền Mỹ đối với chính sách thương mại hiện tại.
Những tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Trump chính thức gửi thông báo đến các đối tác thương mại chủ chốt đầu tháng này, nêu rõ mức thuế sẽ áp dụng nếu không đạt được thỏa thuận. EU hiện cũng đang chuẩn bị các biện pháp đối phó trong trường hợp Mỹ áp thuế, khi khả năng đạt được thỏa thuận đôi bên cùng có lợi đang dần trở nên mong manh.
Thêm vào đó, kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Mỹ cũng liên tục thay đổi. Giới đầu tư hiện định giá khoảng 60% khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, phản ánh những đồn đoán ngày càng tăng về khả năng thay đổi nhân sự cấp cao và cải tổ thể chế tại ngân hàng trung ương. Kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ này đã góp phần khiến đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu giảm, đều là những yếu tố có lợi cho giá vàng.
Sự kết hợp giữa căng thẳng địa chính trị, biến động tỷ giá và kỳ vọng chính sách tiền tệ đang tạo ra môi trường thuận lợi cho kim loại quý. Khi các cuộc đàm phán thương mại bước vào giai đoạn then chốt và định hướng chính sách từ Fed vẫn chưa rõ ràng, vàng tiếp tục phát huy vai trò truyền thống là tài sản phòng ngừa rủi ro.