Theo dữ liệu từ Hòa Phát trong tháng 11/2022, Tập đoàn sản xuất 384.000 tấn thép thô, giảm 43% so với cùng kỳ 2021. Bán hàng các sản phẩm thép đạt 443.000 tấn, giảm 30% so với tháng 11 năm trước.
Trong đó, thép xây dựng đóng góp 252.000 tấn, tăng 20% so với tháng 10 và giảm 7% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 180.000 tấn, cũng giảm tới 12% so với cùng kỳ.
Việc tiêu thụ các sản phẩm thép hạ nguồn cũng gặp khó khăn do thị trường trầm lắng. Theo đó, sản lượng ống thép và tôn mạ đạt lần lượt 53.000, 22.800 tấn trong tháng 11/2022.
Riêng xuất khẩu tôn mạ là 9.000 tấn, bằng 16% so với tháng 11/2021. Do vậy, lũy kế 11 tháng, sản xuất thép của Hòa Phát đạt 7 triệu tấn thép thô, giảm 6% so với 11 tháng 2021.
Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép, HRC đạt hơn 6,6 triệu tấn, cùng giảm mức 6%, chủ yếu do không có đơn hàng xuất khẩu phôi thép như năm trước. Tín hiệu đáng mừng là trong đó thép xây dựng chiếm 3,9 triệu tấn, tăng 11% và HRC đạt gần 2,5 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của Hòa Phát, diễn biến thị trường cho thấy nhu cầu trong và ngoài nước với các sản phẩm thép nhìn chung vẫn chưa được cải thiện.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tổng lượng tiêu thụ giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm. Tiêu thụ thép xây dựng trong nước của Hòa Phát phục hồi nhẹ so với tháng trước nhưng thị trường xuất khẩu giảm hơn 70% so với cùng kỳ.
Ghi nhận tình hình chung, thị trường thép trong nước cũng ghi nhận mức tăng trưởng khó khăn.
Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), trong tháng 10/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,046 triệu tấn, giảm 16,38% so với tháng trước và giảm 28,7% so với cùng kỳ 2021. Tiêu thụ thép các loại đạt 1,888 triệu tấn, giảm 5,53% so với tháng trước và giảm 29,4% so với cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 25,31 triệu tấn, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 23,159 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021.
VSA sớm dự báo rằng thị trường thép trong nước quý IV/2022 sẽ còn gặp nhiều khó khăn do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất; các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỉ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành thép.
Việc Mỹ và châu Âu cân nhắc áp thuế mới với thép, nhôm của Trung Quốc dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường trong nước. Ngành thép trong nước có thể đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức có khả năng kéo dài đến quý II/2023.