Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vừa phát đi khuyến cáo đến người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi nhận cuộc gọi điện thoại của người lạ; cẩn trọng, cân nhắc tránh bị lôi kéo, tham gia các ứng dụng, diễn đàn, hội nhóm trên không gian mạng với mục đích đầu tư chứng khoán.
Thông báo nêu rõ, nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán cần trang bị cho mình kiến thức về chứng khoán, thị trường chứng khoán và tìm hiểu thông tin liên quan đến thị trường chứng khoán tại các kênh chính thống của cơ quan quản lý, đơn vị vận hành thị trường và các tổ chức kinh doanh chứng khoán có chức năng tư vấn, môi giới chứng khoán đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tràn lan hoạt động mạo danh doanh nghiệp, lãnh đạo cấp cao
Theo ghi nhận, không ít những tập đoàn, doanh nghiệp tên tuổi lớn trên thị trường đã bị mạo danh hòng lừa đảo. Hồi năm ngoái, Tập đoàn Vingroup đã phải thông báo về việc xuất hiện tình trạng giả mạo website của doanh nghiệp và các công ty thành viên như: Vincom, Vinhomes, VinFast, Vinpearl… với các thủ đoạn tinh vi nhằm lừa đảo khách hàng, như kêu gọi đầu tư, chuyển tiền điện tử, giao dịch mua bán trên mạng, thuê cộng tác viên trực tuyến... Theo thống kê của Vingroup, có hơn 17 website mạo danh tập đoàn này.
Tới tháng 8/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp nhận trình báo của chị T (trú tại Long Biên) về việc bị chiếm đoạt tài sản. Chị T cho biết được “người quen” trên mạng xã hội giới thiệu đầu tư vào Quỹ phúc lợi của Tập đoàn Vingroup. Người này cung cấp cho chị đường dẫn website có logo, thông tin và hình ảnh thương hiệu giống của Tập đoàn Vingroup nên chị đã tin tưởng, dẫn tới bị chiếm đoạt hơn 17 tỷ đồng.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã lên tiếng cảnh báo về việc nhiều cá nhân, tổ chức mạo danh doanh nghiệp để lừa đảo, thu lợi bất chính bằng các thủ đoạn như mời tuyển dụng, kêu gọi đầu tư vào dự án.
Cụ thể, Hòa Phát bị các đối tượng làm giả hồ sơ, chữ ký và con dấu cùng hình ảnh thương hiệu của tập đoàn để tạo ra các trang web giả mạo với những lời kêu gọi đầu tư đầy hấp dẫn. Trên các website giả mạo thậm chí có thể tìm thấy các văn bản được đóng dấu mộc đỏ và có cả chữ ký của Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long. Không chỉ giả mạo thông tin doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư, hàng loạt trang fanpage trên mạng xã hội đang đăng tải rất nhiều thông tin tuyển dụng của Hòa Phát mà mục đích đều dẫn dụ nạn nhân tham gia vào các nhóm để làm nhiệm vụ chơi game hoặc nạp tiền để hưởng hoa hồng.
Một số doanh nghiệp lớn bị đối tượng xấu mạo danh thương hiệu để lừa đảo còn có Tập đoàn Hoa Sen, Navigos Group Vietnam, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam Petrovietnam, Vinaconex, Becamex IDC... hay loạt CTCK như VNDirect, MBS cũng phải lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư. Tình trạng lợi dụng thương hiệu, sử dụng thông tin, hình ảnh của doanh nghiệp trái phép nhằm lừa đảo tài chính và trục lợi khách hàng dưới hình thức tuyển dụng đã gây ảnh hưởng lớn tới hình ảnh và uy tín của chính chủ doanh nghiệp.
Ngay cả cá nhân các lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị mạo danh. Công ty CP Chứng khoán SSI phát cảnh báo về việc một số tài khoản Zalo mạo danh, sử dụng công nghệ Deepfake AI giả mạo hình ảnh Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng để livestream tư vấn và dụ dỗ nhà đầu tư.
Công ty CP Chứng khoán SSI khẳng định ông Nguyễn Duy Hưng chỉ sở hữu tài khoản tích xanh duy nhất trên nền tảng Facebook và không có bất kỳ tài khoản nào trên Zalo, Telegram, Tiktok , Youtube. Công ty này khuyến cáo các nhà đầu tư cảnh giác, tỉnh táo khi thực hiện các thao tác trên môi trường số để tránh bị lừa đảo.
Tương tự, các đối tượng lừa đảo còn cắt ghép chỉnh sửa hình ảnh Chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc trao hợp đồng để bẫy người tiêu dùng. Trước đó, vị Chủ tịch một tập đoàn vận tải lớn cũng đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu can thiệp khi bị kẻ gian lợi dụng công nghệ DeepFake để ghép hình ảnh hòng tống tiền.
Cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo
Thông thường, các đối tượng sẽ tạo lập nhiều các trang Fanpage, trang web giả mạo có giao diện trông giống như trang web chính thức của một thương hiệu nổi tiếng. Các đối tượng còn có thể sử dụng các tên miền tương tự hoặc thay đổi một vài ký tự để làm cho trang web trông hợp lệ.
Ngoài ra, các đối tượng sẽ mời gọi tham gia vào các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội để nhận được tư vấn đầu tư, giao dịch hoặc thực hiện tải, cài đặt, sử dụng các ứng dụng giao dịch. Đặc biệt, việc sử dụng công nghệ AI nhằm mạo danh lãnh đạo doanh nghiệp cũng ngày càng tinh vi.
Các cơ quan chức năng như Cục an toàn thông tin hay Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã liên tục phát đi cảnh báo tới nhà đầu tư về các hành vi lừa đảo. Người dân trong trường hợp có nghi ngờ hoặc phát hiện các cá nhân mạo danh, công ty cung cấp thông tin sai sự thật và các hành vi lừa đảo khác cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.