Ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam

Hoàng Đàn | 11:24 11/12/2021

“Triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng Thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng “Thị trường cận biên” lên hạng “Thị trường mới nổi”…”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh tại Lễ ra mắt Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam ngày 11/12.

Ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Lễ ra mắt Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam ngày 11/12.

Theo đó, Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Tên giao dịch quốc tế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là Vietnam Exchange (VNX), trụ sở chính đặt tại Hà Nội.

Các công ty do Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ tại thời điểm thành lập bao gồm Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, thực hiện chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 23/12/2020 về việc thành lập và tổ chức hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam trên cơ sở sáp nhập Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trao quyết định thành lập và cùng các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt chính thức Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Ban Tổ chức cũng công bố bộ nhận diện thương hiệu và ra mắt trang thông tin điện tử chính thức của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Phát triển thị trường chứng khoán nhằm tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.

Qua 25 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển ngày càng vững chắc hơn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng trong và ngoài nước cho nền kinh tế và thúc đẩy thị trường tài chính phát triển.

Phó Thủ tướng nêu một loạt dẫn chứng: Trên thị trường cổ phiếu, chỉ số VN Index đã vượt mốc 1500 điểm và là mức cao nhất kể từ khi thị trường chứng khoán chính thức đi vào hoạt động; giá trị giao dịch bình quân 11 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 37,2 nghìn tỷ đồng trên một phiên, gấp hơn 2 lần so với năm 2020; số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới đạt mức kỷ lục, chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới đạt gần 1,1 triệu tài khoản, cao hơn lũy kế 4 năm liên tiếp từ 2017-2020; tính đến hết tháng 10/2021, tổng quy mô vốn hóa cô phiếu và dư nợ Trái phiếu trên thị trường đạt gần 163% GDP năm 2020.

Sự tăng trưởng của thị trường trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, nhưng cũng đã thể hiện lòng tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp vào các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, việc cơ cấu, tổ chức lại các Sở giao dịch chứng khoán để thống nhất thị trường giao dịch chứng khoán, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch nhằm hướng tới một thị trường chứng khoán Việt Nam thống nhất, chuyên nghiệp trên cơ sở kế thừa, phát huy những truyền thống, thành tích tốt đẹp của 2 Sở Giao dịch chứng khoán, đồng thời đổi mới mô hình quản trị, tăng cường năng lực, hiệu quả và ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong việc tổ chức giao dịch chứng khoán là yêu cầu cấp thiết và cấp bách.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn ngành Chứng khoán nói chung và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nói riêng phát huy thành tích, phấn đấu, nỗ lực cao hơn nữa, hãy đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém để thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm và phải làm tốt hơn để thị trường chứng khoán lành mạnh hơn nữa, chất lượng hơn nữa.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương, các doanh nghiệp niêm yết, các tổ chức, cá nhân đầu tư quan tâm thực hiện một số nội dung:

Thứ nhất, tổ chức đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 01/3/2012), trong đó chỉ ra những nhiệm vụ đã hoàn thành, những nhiệm vụ chưa hoàn thành, những hạn chế yếu kém, bài học kinh nghiệm; chủ động đề xuất phương hướng cho Chiến lược trong giai đoạn tới 2021-2030 nhằm xác định mục tiêu, lộ trình phát triển, phấn đấu đưa thị trường này trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế; tạo cơ sở tăng cường kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ - tín dụng cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, tập trung rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển thị trường chứng khoán bền vững hơn, nâng cao chất lượng và đa dạng nhiều hơn về sản phẩm và cơ sở nhà đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch, hiệu quả hơn nữa, làm sao để thị trường hoạt động an toàn và hiệu quả, đủ sức chống chịu những cú sốc của nền kinh tế.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi pháp luật, đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.

Thứ tư, đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện thị trường chứng khoán, trong đó tập trung cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, không những về số lượng mà cả mô hình, chức năng hoạt động của tổ chức này, nhằm tạo ra các tổ chức có quy mô lớn hơn, có sức cạnh tranh và sự chuyên nghiệp hơn, có năng lực chuyên môn, năng lực tài chính tốt hơn, kiểm soát được các xung đột lợi ích và có đạo đức nghề nghiệp để giúp thị trường phát triển bền vững; phát triển và đa dạngquỹ đầu tư để mở rộng cơ sở nhà đầu tư chuyên nghiệp để dẫn dắt thị trường đầu tư theo giá trị,

Thứ năm, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, làm chủ và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để thúc đẩy sự phát triển thị trường kết hợp với việc quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn cho thị trường chứng khoán, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Thứ sáu, chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, đảm bảo đúng các cam kết hội nhập khi thực thi các Hiệp định thương mại thế hệ mới; tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế, tăng sức cạnh tranh và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực; triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng Thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng “Thị trường cận biên” lên hạng “Thị trường mới nổi”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO