Theo đánh giá của Hội TĐG Việt Nam, nhiệm kỳ IV (2023-2027) Hội tiếp tục tổ chức hoạt động theo quy định của Điều lệ Hội và các quy định của Luật Giá trong bối cảnh có những thuận lợi là: Môi trường pháp lý về thẩm định giá sẽ được tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh tạo thuận lợi cho hoạt động TĐG như: Một số luật sẽ được sửa đổi, bổ sung như: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá; sửa đổi, bổ sung các Tiêu chuẩn TĐG … Quản lý Nhà nước về TĐG sẽ có hiệu lực, hiệu quả hơn trước trên cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng TĐG, giúp cho hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG tốt hơn, hạn chế rủi ro…
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi cũng còn một số khó khăn như quy định của một số Bộ, Ngành ở một số lĩnh vực TĐG tài sản cụ thể đang tồn tại sự không đồng nhất đã gây ra những khó khăn nhất định đối với việc thực hiện nghiệp vụ TĐG và trách nhiệm giải trình với cơ quan có thẩm quyền và khách hàng TĐG.
Trong bối cảnh đó, Ban Chấp hành Hội và toàn thể Hội viên Hội TĐG Việt Nam xác định phương hướng, nhiệm vụ hoạt động nhiệm kỳ IV (2023-2027) là: Kiên trì xây dựng và phát triển Hội giữ vững vị thế, nâng cao hơn nữa uy tín trở thành khối liên kết ngành nghề hữu ích với xã hội, trở thành “cánh tay nối dài” của Bộ Tài chính trong quản lý hoạt động TĐG và là “cầu nối” thiết thực, có hiệu quả giữa các doanh nghiệp TĐG, thẩm định viên về giá với cơ quan quản lý Nhà nước và ngược lại.
Hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên đoàn kết, hợp tác, cùng phát triển, nâng cao uy tín, đạo đức nghề nghiệp và sự tin cậy của khách hàng; Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về TĐG; cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả và tăng trưởng bền vững đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Phát huy những thành công vượt trội đạt được trong nhiệm kỳ III, Ban Chấp hành Hội TĐG Việt Nam cũng đã đặt ra hàng loạt các phương hướng cần thực hiện trong nhiệm kỳ IV.
Thứ nhất: Tiếp tục chủ động và tích cực triển khai hoạt động tư vấn, phản biện chính sách; tham gia, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về TĐG nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về TĐG…
Thứ hai: Tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý giá và các hội viên có các giải pháp thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, kiểm soát, đánh giá chất lượng hoạt động TĐG. Thực hiện các giải pháp liên kết các hội viên có hiệu quả hơn thông qua các hoạt động nghiên cứu chuyển giao khoa học về TĐG; tổ chức nghiên cứu, tọa đàm, trao đổi, hội thảo chuyển giao kinh nghiệm trong TĐG; đào tạo, tập huấn, tháo gỡ những khó khăn về kiến thức, nghiệp vụ và thực tiễn cung ứng dịch vụ trong TĐG… Đánh giá, tập hợp những thiếu sót, sai phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG để cung cấp theo hướng “cảnh báo” những rủi ro nghề nghiệp cho các hội viên tìm các giải pháp chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG và kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật về TĐG.
Thứ ba: Chủ động tiếp nhận, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động mới khi pháp luật quy định và cơ quan quản lý nhà nước về TĐG chuyển giao.
Thứ tư: Tích cực triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành TĐG, xây dựng các chương trình đào tạo, quy mô phù hợp, sát nhu cầu của xã hội theo các hình thức đào tạo hợp lý.
Thứ năm: Tiếp tục chú trọng triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực giá và TĐG bằng các hình thức thích hợp, trọng tâm là các quy định của pháp luật về TĐG.
Thứ sáu: Phấn đấu để hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG của các doanh nghiệp TĐG là hội viên trong Hội đạt mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước về doanh thu, lợi nhuận và nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật. Phấn đấu chất lượng TĐG qua kết quả kiểm tra, giám sát; đánh giá của Bộ Tài chính đạt từ 80 điểm trở lên. Không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về TĐG; giảm thiểu các sai sót, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về kết quả TĐG. Đoàn kết giữa các hội viên và giữa hội viên với các doanh nghiệp khác, cam kết không để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ và chất lượng dịch vụ thẩm định giá.
Thứ bảy: Tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với các tổ chức TĐG quốc tế về các hoạt động hội thảo khoa học, hội nghị thường niên…; phấn đấu mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, thông tin, học tập kinh nghiệm. Chú trọng triển khai các kế hoạch hợp tác với Hiệp hội Thẩm định giá Bất động sản Nhật Bản về việc “chuyển giao” các kinh nghiệm định giá đất hàng loạt của Nhật Bản và những tư vấn về định giá đất ở Việt Nam thông qua các hình thức: Hội thảo, tổ chức khảo sát thực tế, trao đổi thông tin hai chiều… Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ là đại diện cho ngành nghề TĐG với các tổ chức TĐG quốc tế khi được cơ quan quản lý nhà nước giao.
Thứ tám: Thực hiện củng cố tổ chức Ban Chấp hành và các Ban đơn vị thuộc Hội ngay sau Đại hội IV. Triển khai ngay các hoạt động theo nghị quyết của Đại hội thông qua việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy chế hoạt động. Đẩy mạnh hoạt động của các Ban nghiệp vụ. Nghiên cứu thành lập Ban Hợp tác quốc tế. Mở rộng các hình thức liên kết với các hội viên; động viên, khuyến khích các hội viên thi đua hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh… Kết nối chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện đúng các quy định của Điều lệ Hội và của Luật Giá. Phấn đấu mỗi năm kết nạp tối thiểu tăng thêm 10% hội viên là doanh nghiệp thẩm định giá và 10% hội viên là cá nhân.
Hội sẽ kiên trì phấn đấu để thực sự trở thành "cánh tay" nối dài của Bộ Tài chính
Trong nhiệm kỳ tới, Hội sẽ tiếp tục bám sát điều lệ của Hội để tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thẩm định giá. Trên cơ sở những thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ III, Hội tiếp tục kiên trì phấn đấu để trở thành cánh tay nối dài của Bộ Tài chính, của cơ quan quản lý Nhà nước về thẩm định giá, đồng thời phấn đấu giữ vững cầu nối giữa hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá, hội viên hội thẩm định giá với cơ quan quản lý Nhà nước và ngược lại.
Từ những phương hướng chung đó, Hội sẽ đề ra những phương hướng cụ thể như: Tiếp tục tham mưu tư vấn phản biện chính sách về kinh tế, tài chính, giá cả với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Cùng với cơ quan Nhà nước tiếp tục xây dựng hoàn thiện môi trường pháp lý về thẩm định giá; Tổ chức liên kết, đoàn kết hội viên, bảo vệ lợi ích cho hội viên và hỗ trợ hoạt động nghề nghiệp của các doanh nghiệp thẩm định giá và các thẩm định viên về giá; Tổ chức tốt các công tác truyền thông, công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học thẩm định giá…
Tất cả các phương hướng này sẽ được Ban Chấp hành Hội cụ thể hóa bằng những phương thức hoạt động chi tiết cho từng năm và tiếp tục có những đổi mới để thực hiện tốt phương hướng chung mà Bộ Tài chính đã giao.