Bộ Xây dựng hiện đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (Dự thảo Nghị định).
Góp ý Dự thảo Nghị định nói trên, liên quan đến quy định về quỹ đất 20% làm nhà ở nhà xã hội trong dự án nhà ở thương mại, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) kiến nghị quy định về quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại cần rõ ràng, tránh làm khó doanh nghiệp và cả chính quyền địa phương.
Doanh nghiệp, địa phương “lúng túng”
Theo ông Lê Hoàng Châu, việc quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại dành tối thiểu 20% tổng diện tích đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội là không sát với thực tế và có lẽ chỉ có một số rất ít chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đề xuất dành nhiều hơn 20% tổng diện tích đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, cũng theo vị Chủ tịch HoREA, việc sử dụng cụm từ tối thiểu 20% cũng sẽ gây khó cho các địa phương trong việc thực thi chính sách pháp luật.
“Không rõ trong trường hợp nào thì áp dụng mức tối thiểu 20%, trường hợp nào thì áp dụng mức cao hơn 20%. Và nếu cao hơn 20% thì cao hơn tối đa là bao nhiêu phần trăm. Hoặc mức cao hơn 20% là do chủ đầu tư đề xuất hay là do UBND cấp tỉnh quyết định nên quy định này chưa minh bạch, chưa dễ hiểu, dễ làm”, ông Lê Hoàng Châu băn khoăn.
Để củng cố cho quan điểm của mình, ông Châu nêu dẫn chứng về một số vướng mắc, lúng túng trong việc thực thi các quy định tại các văn bản trước đây liên quan đến quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội trong các Nghị định trước đây.
Cụ thể, khoản 2 Điều 20 Nghị định 90/2006/NĐ-CP quy định căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương, UBND cấp tỉnh được xem xét, quyết định việc chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị mới trên địa bàn có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên có trách nhiệm dành một phần diện tích đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để chính quyền địa phương phát triển nhà ở xã hội nhưng trong mọi trường hợp không vượt quá 20% diện tích đất ở của dự án…
“Việc sử dụng cụm từ không vượt quá 20% diện tích đất ở của dự án nên đã gây khó cho các địa phương trong việc thực thi chính sách pháp luật này”, ông Châu lo ngại.
Cần kế thừa những quy định “đã ổn”
Tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP (thay thế Nghị định 90/2006/NĐ-CP) tại khoản 2 Điều 32 quy định đối với những địa phương có nhu cầu về nhà ở xã hội thì căn cứ vào điều kiện cụ thể, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định yêu cầu chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên có trách nhiệm dành 20% diện tích đất xây dựng nhà ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các dự án này để xây dựng nhà ở xã hội.
Tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng với quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội rất minh bạch, dễ hiểu, dễ làm và thực thi thống nhất nên cần tiếp tục kế thừa tại Điều 17 Dự thảo Nghị định.
Bên cạnh đó, vị chủ tịch HoREA cũng đề nghị sử dụng từ “đề xuất” thay thế từ “quyết định” tại khoản 1 Điều 17 và khoản 2 Điều 18 Dự thảo Nghị định.
Theo ông Châu, trong trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì UBND cấp tỉnh chỉ có trách nhiệm đề xuất chứ không có quyền quyết định dành 20% tổng diện tích đất ở để báo cáo cơ quan chủ trì lấy ý kiến thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư để Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.