Quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử chưa sát thực tế

Nguyên Trang | 22:02 29/09/2022

Ngành Thuế cần sớm triển khai hàng loạt biện pháp quản lý thuế, phối hợp với các ngành liên quan chống thất thu thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử chưa sát thực tế
Tại Việt Nam 90% tỉ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến nhưng biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử chưa sát với thực tế.

Cần hoàn thiện về khuân khổ pháp luật

Đó là nội dung buổi tọa đàm “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử” diễn ra vào chiều 29/9 do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức.

Trao đổi về những biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT mà ngành Thuế đã và đang triển khai, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: “Về mặt khuôn khổ pháp luật thì về cơ bản chúng ta đã có để thực thi các nghiệp vụ, biện pháp để mà thu thuế trên nền tảng số.

Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 thì nó thay đổi liên tục, nó tạo ra nhiều hành vi, nhiều hoạt động rất là mới thay đổi liên tục, có thể ngày hôm nay chúng ta biết rồi, đưa vào quy định nhưng có thể ngày mai lại không có nữa.

Chính vì vậy, sự cần thiết phải hoàn thiện về khuôn khổ pháp luật. Trước hết là liên quan đến đối tượng mà chúng ta phải điều chỉnh ở đây là đối tượng nào phải chịu thuế khi diễn ra các giao dịch ở trên mạng. Tôi cho rằng cần có độ phổ quát cao hơn”.

GS.TS Hoàng Văn Cường chia sẻ thêm: “Ví như hiện nay, chúng ta thu thuế thông qua hành vi dòng tiền nhưng có thể người ta không dùng tiền Việt Nam mình thanh toán mà dùng các đồng tiền số, mà chúng ta hiện nay thì chưa thừa nhận đồng tiền số đấy nhưng thực tế vẫn đang diễn ra các hoạt động phát sinh thu nhập, kinh doanh, lấy các nguồn tiêu dùng của những người trong nước. Vậy thì những đối tượng đấy có được đưa vào cơ chế điều tiết như thế nào. Và chúng tôi thấy rằng sẽ càng ngày càng xuất hiện nhiều thì chúng ta phải có khuôn khổ pháp luật có khả năng bao phủ được hết tất cả các hành vi”.

Được biết, hiện nay tại Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử; trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đạt khoảng 13,7 tỷ USD năm 2021, tăng khoảng 15% so với năm 2020 và được dự báo có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thị trường thương mại điện tử đứng thứ ba trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, so với thu nhập và doanh thu khủng, số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, gây thất thu ngân sách nhà nước. Hơn thế nữa, điều này đang gây mất bình đẳng giữa những người kinh doanh.

Ủy nhiệm thu tạo thuận lợi cho người nộp thuế

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết: Thời gian vừa qua ngành thuế đã triển khai biện pháp thu thuế là ủy nhiệm thu. Theo đó, chúng tôi triển khai ví dụ như đối với một số khoản như ủy nhiệm thu thuế với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, hay là ủy nhiệm thu đối với thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

hinh-2(1).jpg

Bà Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng biện pháp Ủy nhiệm thu đang tạo thuận lợi cho người nộp thuế Thương mại điện tử.

“Chúng tôi đánh giá việc này đáp ứng mục tiêu về cải cách thủ tục hành chính và cũng là cách tạo thuận lợi cho người nộp thuế khi người nộp thuế không cần thiết phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ thuế, nhưng cũng bằng các ứng dụng công nghệ thông tin mà bên ủy nhiệm thu cung cấp thì có thể tự nộp thuế vào ngân sách Nhà nước mà tự kê khai nộp và cũng tránh những trường hợp cán bộ thuế cứ phải tiếp xúc với người nộp thuế nhiều khi cũng nảy sinh các vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến ngành thuế” bà Lan Anh chia sẻ.

Cũng theo lời Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân: “Chúng tôi kết nối cùng các sàn, mở cổng của cơ quan thuế để các sàn kết nối thông tin, chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế bằng phương thức điện tử, hoặc khai thay, nộp thay cũng bằng phương thức điện tử. Đồng thời, cũng tiếp tục nghiên cứu những giải pháp thuận lợi hơn, có những trao đổi với các sàn để thực hiện thu thuế khai thay, nộp thay với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thông qua sàn”.

Được biết, cơ quan thuế cũng đang có những cơ chế kiểm soát, trong trường hợp người nộp thế cố tình không kê khai thì sẽ có chế tài cụ thể. Nếu có dấu hiệu trốn thuế thì cơ quan thuế sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan công an, các cơ quan pháp luật khác để xử lý. Các chính sách về thuế đã được hướng dẫn rất đầy đủ và đến thời điểm này chính sách thuế khá hoàn chỉnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử chưa sát thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO