"Quái vật thăm dò kho báu” của Trung Quốc: Nặng 33.000 tấn, mang trong mình phòng thí nghiệm 3.000m2, có thể chịu bão cấp 16 và khoan sâu tới 11.000m dưới biển

Ngọc Hiệp | 16:50 19/12/2023

Con tàu có tầm hoạt động lên tới gần 28.000km hay 120 ngày hoạt động liên tục trên biển mà không cần tiếp tế.

"Quái vật thăm dò kho báu” của Trung Quốc: Nặng 33.000 tấn, mang trong mình phòng thí nghiệm 3.000m2, có thể chịu bão cấp 16 và khoan sâu tới 11.000m dưới biển

Theo Reuters, ngày 22/12 tới, Trung Quốc sẽ tiến hành thử nghiệm trên biển đối với tàu khoan nghiên cứu đại dương đầu tiên do nước này phát triển. Con tàu Mengxiang (Giấc mơ) sẽ bắt đầu hành trình tại vùng biển thuộc tỉnh Quảng Đông ở phía Nam Trung Quốc.

Đây là tàu khoan siêu sâu tiên tiến nhất thế giới và được coi là bước quan trọng giúp Trung Quốc thăm dò dầu khí tại các vùng biển sâu cũng như tăng cường năng lực công nghệ hàng hải của quốc gia này.

Con tàu có chiều dài 179,8m và chiều rộng 32,8m với trọng lượng khoảng 33.000 tấn và có tầm hoạt động lên tới gần 28.000km hay 120 ngày hoạt động liên tục trên biển mà không cần tiếp tế. Với những con số ấn tượng trên, tàu Mengxiang gần như có thể di chuyển đến bất kỳ vùng biển nào trên thế giới.

Đặc biệt, con tàu sở hữu khả năng khoan sâu tới 11.000m dưới mực nước biển – không chênh lệch là bao so với Challenger Deep - điểm sâu nhất Trái Đất nằm ở rãnh Mariana, một kẽ nứt ở Tây Thái Bình Dương.

Ngoài ra, tàu Mengxiang có thể chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên biển và có thể chịu bão giật cấp 16. Tàu được phát triển bởi Cục Khảo sát địa chất thuộc Bộ Tài nguyên môi trường Trung Quốc cùng hơn 150 viện nghiên cứu và công ty khác.

2445178.jpg
Kỹ sư làm việc trên tàu Mengxiang (Ảnh: China Daily).

Theo CCTV, tàu Mengxiang không chỉ sở hữu khả năng khoan sâu hơn bất kỳ con tàu nào khác trên thế giới mà quy mô và độ phức tạp của các cơ sở thí nghiệm trên tàu cũng khó có thể sánh được.

Tàu Mengxiang sở hữu phòng thí nghiệm trên tàu lớn nhất thế giới với diện tích hơn 3.000m2, bao gồm 9 phòng thí nghiệm về khoa học biển và vi sinh vật. Tất cả đều tích hợp nhiều công nghệ hiện đại như kết hợp yếu tố kỹ thuật số để đạt được khả năng giám sát toàn diện các hoạt động khoan và khai thác. Bên cạnh đó, công nghệ thông minh cũng được áp dụng để tăng tính hiệu quả trong các thí nghiệm khoa học.

Việc chế tạo tàu Mengxiang bắt đầu từ cuối năm 2021 và dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2024. Theo đại diện của Cơ quan Khảo sát địa chất Trung Quốc, sau khi chính thức hoạt động, con tàu sẽ cung cấp thiết bị hỗ trợ cho quá trình công nghiệp hóa thăm dò và khai thác khí đốt tự nhiên đồng thời nâng cao hơn nữa khả năng tự cung cấp năng lượng của Trung Quốc.

Theo SCMP, tàu Mengxiang có khả năng thu hoạch khí hydrat ở dạng tinh thể giống như băng. Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực khai thác chất này trong những năm qua, đặc biệt là sau thành công của đợt khai thác thử nghiệm kéo dài 60 ngày vào năm 2017 và một thử nghiệm khác vào năm 2020.

Tàu Mengxiang được truyền thông Trung Quốc gọi là “trụ cột sức mạnh” của kế hoạch xây dựng quốc gia này thành một cường quốc hàng hải. Năm ngoái, cơ quan phụ trách đã tiết lộ thông tin sơ bộ về tàu Mengxiang khi cấu trúc chính của nó được hoàn thiện. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ cho biết con tàu sẽ được sử dụng chủ yếu cho các dự án của quốc gia và không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Tờ SCMP tiết lộ tàu do Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc thiết kế và do nhà máy đóng tàu Hoàng Phố ở Thượng Hải chế tạo. Được biết, đây là nơi đóng hầu hết các tàu khảo sát của Trung Quốc.

Theo SCMP, Reuters
Copy Link

(0) Bình luận
"Quái vật thăm dò kho báu” của Trung Quốc: Nặng 33.000 tấn, mang trong mình phòng thí nghiệm 3.000m2, có thể chịu bão cấp 16 và khoan sâu tới 11.000m dưới biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO