[Podcast] Tài chính tuần qua: Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán USD, chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới

Quỳnh Anh | 08:40 12/11/2022

Lạm phát Mỹ đã hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán USD lần đầu tiên trong năm nay, Trung Quốc chính thức nhập khẩu khoai lang và tổ yến của Việt Nam cùng các tin tức nổi bật khác sẽ có trong bản tin tuần này.

[Podcast] Tài chính tuần qua: Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán USD, chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới
Ảnh minh họa.

Lạm phát Mỹ hạ nhiệt trong tháng 10

Ngày 10/11, Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cả năm thấp nhất kể từ đầu năm, đồng thời thấp hơn so với dự báo được giới chuyên gia đưa ra trước đó.

"Báo cáo lạm phát tháng 10 là dấu hiệu tốt, cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang đi đúng hướng trong cuộc chiến lạm phát", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn Oanda bình luận với Zing.

Việc lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến có thể cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách quan trọng diễn ra vào tháng 12.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 2020 trong phiên giao dịch ngày 10/11, sau khi báo cáo CPI tháng 10 làm dấy lên những tia hy vọng của nhà đầu tư về việc lạm phát có thể đã qua đỉnh. 

Lần đầu tiên trong năm Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán USD

Ngày 11/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa điều chỉnh giá bán USD tại Sở giao dịch từ 24.870 đồng/USD xuống mức 24.860 đồng/USD. Đây là lần đầu tiên NHNN giảm tỷ giá này trong năm nay.

Đồng thời, cơ quan này cũng giảm tỷ giá trung tâm thời gian từ mức đỉnh 23.700 đồng/USD xuống còn 23.683 đồng/USD, tức giảm 17 đồng. Tại các ngân hàng thương mại, giá bán USD cũng liên tục được điều chỉnh giảm trong hơn 1 tuần trở lại đây, tuy nhiên vẫn luôn neo ở mức kịch trần cho phép.

Kể từ đầu năm 2022, NHNN đã có tới 6 lần thực hiện nâng giá bán USD, từ 23.050 lên 24.870 đồng/USD, tăng tổng cộng 1.720 đồng (tương đương 7,4%). 

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới

Theo dữ liệu thống kê của trang Stockq, VN-Index đang là chỉ số có mức giảm mạnh nhất thế giới phiên 10/11. Đồng thời, thị trường chứng khoán Việt Nam luôn góp mặt ở top giảm mạnh nhất thế giới trong hầu hết khung thời gian khoảng một năm trở lại đây. 

Thị trường giảm điểm khiến cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư bị bán giải chấp càng nhiều, nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng thuận đà bán theo làm cho thị trường tiếp tục đi xuống, từ đó trở thành một vòng luẩn quẩn.

Trong bối cảnh giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lao dốc, các lãnh đạo và người nhà của Thế Giới Di Động, CII, Ngân hàng HDBank, Đô thị Kinh Bắc,... đã đăng ký mua vào hàng triệu cổ phiếu. 

Đóng cửa phiên giao dịch dịch tuần này, VN-Index đạt 954,53 điểm, giảm gần 43 điểm so với đầu tuần. 

Trung Quốc chính thức nhập khẩu khoai lang và tổ yến của Việt Nam

Ngày 10/11, khoai lang, tổ yến Việt Nam được chấp thuận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - thị trường chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu của nông sản Việt Nam.

Trước khoai lang và tổ yến, đã có 11 loại củ quả tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải và sầu riêng.

Đối với quả chanh leo, phía Trung Quốc đã đồng ý cho xuất khẩu thử nghiệm và chỉ đi qua cửa khẩu Quảng Tây của Trung Quốc. Sau khoai lang và tổ yến, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục các thủ tục để xuất khẩu quả bưởi và quả dừa tươi vào thị trường Trung Quốc.

Giá xăng tăng hơn 1.000 đồng/lít 

Từ ngày 11/11, xăng E5 RON 92 tăng 840 đồng/lít, RON 95 tăng 1.110 đồng/lít. Hiện, giá mặt hàng này đã lên mức 22.700-24.000 đồng/lít.

Trong khi giá dầu được điều chỉnh giảm, dầu diesel giảm 90 đồng/lít còn gần 25.000 đồng/lít. Hiện, giá dầu vẫn cao hơn giá xăng trong nước. 

Tuy nhiên, tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ có dấu hiệu lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Những ngày gần đây, tình trạng thiếu xăng lan rộng khắp các quận nội thành Hà Nội. Tại TP.HCM, tính đến 15h chiều 10/11, 90% cửa hàng xăng dầu đã hoạt động bình thường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.

Một số tin tức nổi bật của các doanh nghiệp

Toàn cảnh bức tranh kinh doanh quý III/2022 

Trong 9 tháng năm 2022, lợi nhuận ròng toàn thị trường tăng 21,4% so với cùng kỳ, sát với dự báo của là 23% cho cả năm 2022, theo thống kê từ VNDIRECT. 

Ngân hàng, Bất động sản và Vận tải đóng góp nhiều nhất cho đà tăng trưởng chung. Trong đó, lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết tăng mạnh 59,2% so với cùng kỳ.

Ngược lại, các công ty sản xuất thép niêm yết đã ghi nhận khoản lỗ ~4.500 tỷ đồng trong quý III do chi phí hàng tồn kho cao, giá bán thấp và lỗ tỷ giá tăng. 

Lợi nhuận ròng các công ty chứng khoán cũng sụt giảm mạnh 68,1% trong quý III, do thanh khoản thị trường chứng khoán giảm 40,9% và thị trường trái phiếu doanh nghiệp hứng chịu tâm lý tiêu cực sau nhiều đợt vi phạm.

Nhiều công ty chứng khoán hạ tỷ lệ cho vay margin

Mới đây, một số công ty chứng khoán đã thông báo hạ tỷ lệ cho vay ký quỹ (margin) với nhiều cổ phiếu bất động sản.

Chứng khoán KB Việt Nam đã điều chỉnh tỷ lệ cho vay đối với 45 mã chứng khoán từ ngày 08/11/2022. Đây đều là các cổ phiếu nhóm ngành bất động sản. Tương tự, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, Chứng khoán SHS, Chứng khoán Yuanta đều hạ tỷ lệ cho vay, thậm chí là cắt margin, đối với một số mã bất động sản. 

Vài tháng trở lại đây, các công ty chứng khoán đồng loạt điều chỉnh lãi suất margin lên mức 13-15%/năm, tăng khoảng 4 điểm % so với một năm trước. 

Nhà Thủ Đức dừng kế hoạch phát hành 58 triệu cổ phiếu riêng lẻ

Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức đã thông báo Nghị quyết HĐQT về việc dừng triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ với lý do thị trường bất động sản không thuận lợi

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, công ty thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ để huy động 1.440 tỷ đồng, tương đương mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, kế hoạch được đổi thành huy động 580 tỷ đồng, tương đương  giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, hiện nay, giá cổ phiếu của Nhà Thủ Đức chỉ còn gần 3.000 đồng/cổ phiếu, giảm 72% so với mức giá cổ phiếu dự định chào bán. 

Nhiều doanh nghiệp muốn mua lại trái phiếu trước hạn

Mới đây, Chứng khoán Tân Việt thông báo kế hoạch mua lại các lô trái phiếu trước hạn của một số doanh nghiệp trong quý IV năm nay và năm 2023 với tổng giá trị 2.140 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp bất động sản như Hưng Thịnh Land, Nam Land, Gotec Land đã lên kế hoạch mua lại trước hạn toàn bộ hoặc một phần các lô trái phiếu phát hành năm 2021. 

Một số doanh nghiệp sản xuất như Thương mại Công nghệ An Phát, Năng lượng Thiên niên Kỷ cũng vừa có kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn. 

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, tính đến hết tháng 10, toàn thị trường có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế và 23 đợt phát hành ra công chúng. Riêng với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, toàn thị trường ghi nhận 413 đợt phát hành với giá trị xấp xỉ 241.000 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).

Bài liên quan

(0) Bình luận
[Podcast] Tài chính tuần qua: Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán USD, chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO