Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng báo cáo liên tục về tình hình thanh khoản
Giới chức Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng nước này báo cáo tình hình thanh khoản, khả năng đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán ngắn hạn, sau khi nhiều nhà đầu tư rút tiền khỏi các sản phẩm mang lại thu nhập cố định để chuyển sang những tài sản rủi ro hơn, theo Bloomberg.
Các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc có khả năng tiếp cận vốn dồi dào nhưng biến động quá lớn về giá và làn sóng rút tiền đe dọa gây mất cân đối nguồn vốn ngắn hạn.
Ít nhất 5 ngân hàng thương mại đã báo cáo tình hình thanh khoản và rủi ro tiềm ẩn cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Uỷ ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc trong vài ngày qua.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm giá bán USD
Ngày 18/11, giá bán USD tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giảm thêm 10 đồng, xuống còn 24.850 đồng/USD. Như vậy, NHNN đã giảm giá bán USD tổng cộng 20 đồng trong 1 tuần qua. Hiện, tỷ giá trung tâm ở mức 23.675 đồng/USD.
Các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục niêm yết tỷ giá bán ở mức kịch trần cho phép. Tại thị trường tự do, giá USD liên tục giảm mạnh trong khoảng 2 tuần trở lại đây, đã xuống dưới mốc 25.000 đồng/USD.
Tỷ giá USD/VND hạ nhiệt trong bối cảnh đồng USD có xu hướng giảm kể từ đầu tháng 11. Hiện chỉ số Dollar Index đang ở vùng thấp nhất trong 3 tháng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động trước làn sóng giải chấp
Thị trường chứng khoán tuần qua có nhiều diễn biến kịch tính với những phiên tăng giảm biên độ lớn.
Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 16/11, VN-Index lập tức để mất hơn 37 điểm, tụt xuống 874 điểm nhưng bật tăng mạnh mẽ vào phiên chiều để đóng cửa sát mức 912 điểm. Màn lội ngược dòng giúp VN-Index trở thành chỉ số tăng mạnh nhất Châu Á trong ngày 16/11, thanh khoản trên sàn HOSE ở mức cao nhất trong hơn một tháng.
VN-Index đóng cửa phiên giao dịch tuần này ở mức 969 điểm, tăng gần 15 điểm so với đầu tuần.
Ngoài những yếu tố vĩ mô đang tác động đến thị trường như lãi suất tăng cao, sự bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, siết dòng tiền… các cổ phiếu bị giảm mạnh trong những ngày qua chủ yếu do bị bán giải chấp và mất thanh khoản, dẫn đến tình trạng bán giải chấp chéo. Đó là hiện tượng các mã chứng khoán chạm ngưỡng rủi ro nhưng không thể bán, công ty chứng khoán buộc phải bán các mã còn lại trong danh mục của nhà đầu tư đã vay tiền để hút tiền về. Làn sóng bán giải chấp cổ phiếu của các lãnh đạo và nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Loạt doanh nghiệp bất động sản mua lại trái phiếu trước hạn
Nhiều công ty bất động sản đang triển khai mua lại trái phiếu trước hạn như Bất động sản An Gia, Địa ốc Sacom, Đầu tư IDJ Việt Nam, Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) với tổng giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng loạt công ty đã có kết quả mua lại trái phiếu trước hạn với giá trị lớn như Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị, Đầu tư Phát triển Đô thị Đắk Lắk, Bất động sản Vinaconex,...
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, tính từ đầu năm tới ngày 4/11, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại hơn 149 nghìn tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ.
Một số tin tức nổi bật của các doanh nghiệp
Sàn giao dịch tiền số lớn thứ ba thế giới phá sản
Sàn giao dịch FTX của Sam Bankman-Fried đã nộp đơn xin phá sản vào ngày 11/11 (giờ Việt Nam) do cạn kiệt thanh khoản, khách hàng liên tục yêu cầu rút tiền sau nhiều bê bối về pháp lý và tài chính. Đây từng là một trong những sàn giao dịch lớn nhất thế giới với mức định giá lên tới 32 tỷ USD.
Trong tài liệu xin phá sản, FTX cho biết công ty hiện có hơn 100.000 chủ nợ hợp pháp. Ngoài ra, danh sách chủ nợ có thể lên đến 1 triệu người. Sự sụp đổ của FTX cũng gây thiệt hại cho các quỹ đầu tư lớn trên thế giới đã rót tiền vào đây như SoftBank, Sequoia Capital, Temasek,...
VietinBank khẳng định 'không bảo lãnh' cho nhà đầu tư dự án Trung tâm Bến du thuyền
Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện các nội dung đăng tải hình ảnh một nhóm người đến chi nhánh của VietinBank căng băng rôn, gây hiểu lầm, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của ngân hàng.
VietinBank cho biết ngân hàng không phát hành bất cứ bảo lãnh nào cho người mua căn hộ Dự án nói trên. VietinBank thực hiện cấp giới hạn tín dụng cho Chủ đầu tư Dự án và thực hiện các hợp đồng tín dụng cho khách hàng có nhu cầu vay vốn theo đúng quy định của pháp luật và của ngân hàng này.
Lãnh đạo Digiworld cam kết không bán cổ phiếu
Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld - Mã: DGW) vừa có thông báo cập nhật tình hình kinh doanh trong bối cảnh áp lực bán tháo trên thị trường đang khiến cổ phiếu DGW lao dốc trong các phiên gần đây và nhiều tin đồn thất thiệt về công ty.
Theo lãnh đạo Digiworld: “Ban lãnh đạo cam kết với nhà đầu tư rằng sẽ không bao giờ bán cổ phiếu DGW. Tổng số lượng các công ty riêng đang nắm giữ hơn 74,2 triệu cổ phiếu, sở hữu 45% vốn công ty". Sau phát ngôn của lãnh đạo, cổ phiếu DGW đã tăng khoảng 8% so với đầu tuần, đóng cửa ở mức 43.000 đồng/cổ phiếu.
Lãnh đạo doanh nghiệp ồ ạt đăng ký mua vào hàng triệu cổ phiếu
Mới đây, loạt lãnh đạo công ty bất động sản như Đô thị Kinh Bắc, Đất Xanh, Licogi 14, DIC Corp… đồng loạt bỏ ra hàng tỷ đồng để mua cổ phiếu của doanh nghiệp. Lãnh đạo Hóa chất Đức Giang và Thế Giới Di Động cũng có động thái tương tự. Tổng số tiền mà các lãnh đạo dự kiến chi ra xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Các lãnh đạo ngân hàng VIB, HDBank, Techcombank và cổ đông tổ chức của ngân hàng TPBank cũng tiến hành đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu trong bối cảnh giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã giảm 40-50% so với đầu năm. Đây trở thành xu hướng chung của thị trường khi hầu hết cổ phiếu của các nhóm ngành đều giảm mạnh.
Chủ tịch Hodeco mua lại cổ phiếu sau khi bị bán giải chấp
Ông Đoàn Hữu Thuận - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, mã chứng khoán: HDC) đã đăng ký mua vào 200.000 cổ phiếu HDC nhằm đảm bảo tỷ lệ nắm giữ sau khi bị bán giải chấp.
Vị Chủ tịch này vừa bị Chứng khoán VPS bán giải chấp số lượng cổ phiếu tương tự trong phiên 16/11. Lý do bị bán giải chấp được đưa ra là “do công ty chứng khoán thiếu tinh thần trách nhiệm và thiện ý, hạ tỷ lệ margin về 0 một cách đột ngột, mặc dù phía Hodeco đã liên hệ đảm bảo nộp tiền trong buổi sáng 16/11 nhưng không được chấp thuận".
Thời gian gần đây, các lãnh đạo Hodeco liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu trong bối cảnh giá cổ phiếu HDC giảm mạnh từ đầu năm. Đến nay, giá cổ phiếu HDC đã giảm hơn 64% so với mức đỉnh một năm trước.
Gần 100 triệu cổ phiếu Hòa Phát được khớp lệnh
Phiên giao dịch ngày 18/11, mã cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục là tâm điểm khi có số lượng khớp lệnh xấp xỉ 100 triệu đơn vị, tương đương gần 1.500 tỷ đồng. Con số này chiếm hơn 12,6% tổng khối lượng giao dịch trong ngày trên sàn HOSE.
Ngày 18/11, mã cổ phiếu HPG được mua ròng nhiều nhất thị trường với giá trị hơn 200 tỷ đồng, đánh dấu 6 phiên mua ròng liên tiếp. Đây cũng là phiên tăng mạnh thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu thép này.