[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Giải pháp hạn chế tình trạng lướt sóng BĐS, Trung Quốc chi 24 tỷ USD để cứu thị trường

Thu Trang - Lâm Tùng | 14:15 21/01/2023

Đề xuất áp thuế cao với người lướt sóng bất động sản để triệt tiêu tình trạng “đầu cơ” của Bộ Tư pháp đã nhận được nhiều sự ủng hộ. Bên cạnh đó, những diễn biến mới về hạ tầng - bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh, dự án cải tạo chung cư cũ của Hà Nội… là các thông tin được quan tâm của địa ốc tuần qua.

[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Giải pháp hạn chế tình trạng lướt sóng BĐS, Trung Quốc chi 24 tỷ USD để cứu thị trường
Tại Việt Nam, nhiều cá nhân mua đi bán lại bất động sản, lướt sóng giá đất để kiếm lời. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đề xuất áp thuế cao hơn với người lướt sóng nhà, đất

Bộ Tư pháp vừa có tờ trình dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 để trình Chính phủ.

Một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập là nghiên cứu để bổ sung quy định đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ.

Cụ thể, nghiên cứu theo hướng áp dụng thuế suất cao hơn đối với việc giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn để có mức độ điều tiết hợp lý và hạn chế tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản.

untitled.jpg
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho rằng với người đầu cơ đất đai, ngày hôm nay mua ngày mai bán là lướt sóng cần phải đánh thuế cao hơn. Ảnh: Zing

Hiện nay, thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định là giá chuyển nhượng từng lần. Thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 2%. 

Trên thực tế, một số cá nhân khi thực hiện hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã kê khai mức giá thấp hơn nhiều so với thực tế nhằm giảm số thuế phải nộp, gây thất thu thuế.

Ngành bất động sản Trung Quốc gặp 'vị cứu tinh' mới, cung cấp 24 tỷ USD để tái cấp vốn

Theo nguồn tin của Bloomberg, các cơ quan quản lý tài chính và các công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc đang có kế hoạch cung cấp khoản hỗ trợ tái cấp vốn lên tới 160 tỷ NDT (24 tỷ USD) cho các nhà phát triển “chất lượng cao” trong quý I/2023.

Thay vì hỗ trợ toàn ngành, chính phủ Trung Quốc chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp lớn trên thị trường. Bloomberg cũng cho biết Uỷ ban Phát triển và Ổn định Tài chính đã yêu cầu các cơ quan quản lý ngân hàng và chứng khoán củng cố bảng cân đối kế toán của các nhà phát triển quan trọng mà không có vấn đề về kiểm toán và mắc những vi phạm nghiêm trọng.

Đóng vai trò là “vị cứu tinh” với các khoản hỗ trợ của nhà nước, các công ty quản lý nợ xấu có khả năng xoa dịu những căng thẳng đang diễn ra. Từng cung cấp những khoản vay lớn với các nhà phát triển đang gặp khó khăn trong thời điểm bất động sản bùng nổ, ngành quản lý nợ khó đòi trị giá 730 tỷ USD của Trung Quốc đã gặp tổn thất tín dụng nặng nề. Trái phiếu của các công ty lao dốc, buộc Bắc Kinh phải cân nhắc về một kế hoạch sơ bộ để tái cấu trúc cả ngành.

4 nhà quản lý nợ xấu lớn, bao gồm Huarong, Cinda, China Great Wall Asset Management Co., và China Orient Asset Management Co., đã cho phần lớn trong số 50 nhà phát triển hàng đầu Trung Quốc vay tiền trong những năm qua. Chỉ riêng Cinda và Huarong đã cung cấp hơn 200 tỷ USD, trong khi bất động sản chiếm gần 50% hoạt động mua lại và tái cơ cấu doanh nghiệp của họ tính đến cuối tháng 6/2022.

Những thông tin đáng chú ý khác

Xem lại điểm bất hợp lý trong gói thầu 'khủng' hơn 35.000 tỷ đồng xây siêu sân bay Long Thành

Theo Hiệp hội, gói thầu xây dựng nhà ga hành khách và lắp đặt thiết bị sân bay Long Thành đang được tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu hiện hành, tiến độ thực hiện chỉ có 33 tháng là bất khả thi vì có khối lượng rất lớn.

Hơn nữa, đơn giá dự toán lại quá thấp trong bối cảnh hiện nay nên các đơn vị này dù rất muốn cũng không tham gia.

Về lựa chọn nhà thầu, Hiệp hội đề xuất Chính phủ lựa chọn đơn vị quản lý dự án chuyên nghiệp của nước ngoài giúp ACV điều hành dự án có hiệu quả, đúng với thông lệ của các dự án lớn thường làm theo hợp đồng do Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC) biên soạn.

Đồng thời nên có cơ chế ưu tiên việc liên doanh giữa các nhà thầu mạnh trong nước với nhà thầu nước ngoài có kinh nghiệm làm công trình tương tự để tận dụng kinh nghiệm của nhà thầu nước ngoài và nhân lực của nhà thầu Việt Nam nhằm tạo công ăn việc làm và giảm chi phí.

Nguồn cung nhà phố, biệt thự đắt tiền gia tăng tại tỉnh lân cận TP.HCM; lượng hàng tồn kho căn hộ ở TP.HCM lên đến 80%.

Theo báo cáo gần đây của Savills, nguồn cung nhà phố, biệt thự, villa đắt tiền đã có xu hướng gia tăng không chỉ tại TP.HCM mà còn tại các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

Trong quý IV/2022, nguồn cung sơ cấp nhà xây sẵn tại TP.HCM đạt 680 căn, giảm 16% theo quý nhưng tăng 72% theo năm. Gần một nửa số căn mới có giá trên 30 tỷ đồng tập trung ở quận 2 và quận 9.

Nguồn cung khan hiếm tại TP.HCM đã thúc đẩy nhu cầu lan sang các tỉnh lân cận - nơi sẽ hưởng lợi từ nhiều dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm đang được triển khai. Ngoài ra, mặt bằng giá nhà phố, biệt thự tại tỉnh lân cận so với TP.HCM vẫn còn mềm, trong khi các chủ đầu tư xây hệ tiện ích nội khu khép kín tương đương với TP.HCM.

Tính chung cả năm 2022, tỷ trọng nhóm sản phẩm trên 30 tỷ đồng tăng từ 7% năm 2018 lên 50% năm 2022, trong khi nhóm sản phẩm bình dân dưới 10 tỷ đồng giảm từ 50% năm 2018 xuống 20% năm 2022.

“Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Kéo theo tầng lớp trung lưu và giàu có đang tăng lên đáng kể. Sự gia tăng này thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm bất động sản chất lượng cao”, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám Đốc Savills Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng theo số liệu của Savills, trong quý IV/2022, nguồn cung sơ cấp phân khúc căn hộ TP.HCM đạt 8.000 căn, tăng 20% so với quý trước và 2% so với cùng kỳ năm trước. Hàng tồn kho chiếm 80% trong khi nguồn cung mới đang giảm mạnh.

Giá bán trung bình đạt 125 triệu đồng/m2 thông thủy, mặc dù ổn định theo quý nhưng tăng 71% theo năm. Căn hộ 2 - 5 tỷ đồng chiếm 68% lượng giao dịch và không có căn hộ dưới 2 tỷ đồng. 

Nhiều người mua bị ảnh hưởng bởi giá bán sơ cấp cao với khoảng 55% nguồn cung có giá 5 - 10 tỷ đồng/căn. Tỷ lệ hấp thụ đạt 69%, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây. 

Hà Nội rà soát 11 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

tap-the-3-153847142694-5438-1631154091.jpg
Năm 2022, Hà Nội đã rà soát 11 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Ảnh: Lâm Tùng

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết trong năm 2022, Sở đã chủ trì chấp thuận nhiệm vụ kiểm định nhà chung cư đối với 13/15 quận, huyện và đang tiếp tục đôn đốc các quận, huyện còn lại hoàn thành phê duyệt theo quy định. Đến nay, đã kiểm định xong 126 nhà chung cư cũ.

Thành phố đã rà soát 11 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Trong đó, 10 chung cư cũ đã lựa chọn được chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại và 1 chung cư đang trình UBND TP.Hà Nội chấp thuận chủ đầu tư.

2 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hoàn thành thi công xây dựng, chuẩn bị đưa vào vận hành, khai thác là: Nhà 3A Quang Trung, quận Hoàn Kiếm; Khu chung cư cũ L1, L2 Nam Thành Công, quận Đống Đa. 

7 dự án đang triển khai là: Nhà A&B Khu tập thể Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy; Khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng; Khu tập thể X1-26 Liễu Giai, quận Ba Đình; Khu tập thể dịch vụ vận tải Đường sắt, quận Hoàng Mai; Chung cư số 148 - 150 Sơn Tây, quận Ba Đình; Khu tập thể Viện tư liệu phim Việt Nam, quận Ba Đình; Chung cư số 23 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm.

Đất nằm ngoài 114 khu vực có sai phạm ở Cam Lâm được giao dịch trở lại

UBND huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa quyết định các thửa đất nằm trong 114 khu vực có kết luận sai phạm tiếp tục ngừng giao dịch. 

Số còn lại được tiếp tục thực hiện các thủ tục đăng ký biến động để đảm bảo quyền lợi của người dân. Trường hợp tạm dừng thủ tục đăng ký biến động chỉ được thực hiện khi có ý kiến chỉ đạo hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Quảng Nam kêu gọi đầu tư Cụm công nghiệp Rừng Cấm

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam đã có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đề xuất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Rừng Cấm.

Cụm công nghiệp Rừng Cấm có diện tích sử dụng đất khoảng 13,8 ha, thuộc xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước. Dự án sẽ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm hạng mục: san nền, giao thông, thoát nước mưa, cấp điện, cấp nước, điện chiếu sáng, cảnh quan cây xanh, thoát nước thải, vệ sinh môi trường và những công trình thiết yếu.

Tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 45 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện từ năm 2023 đến hết năm 2025. Thời gian hoạt động của dự án dự kiến 50 năm.

Bộ Tài chính đề xuất giảm tiếp 30% tiền thuê đất

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2023. Cụ thể, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp, sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước, tương tự năm 2022.

Theo Bộ Tài chính, các ngành như bất động sản, khai khoáng, nông nghiệp... gặp nhiều khó khăn, đồng thời chịu ảnh hưởng nặng nề bởi căng thẳng Nga - Ukraine, tín dụng bị thắt chặt, cầu thị trường giảm, chi phí tiếp cận tài chính tăng.

"Đây là những ngành, lĩnh vực doanh nghiệp có sử dụng đất để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh", Bộ Tài chính đánh giá. 
















Bài liên quan

(0) Bình luận
[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Giải pháp hạn chế tình trạng lướt sóng BĐS, Trung Quốc chi 24 tỷ USD để cứu thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO