[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Chính phủ ưu tiên phát triển nhà giá rẻ, Trung Quốc dốc sức cứu BĐS

Thu Trang - Lâm Tùng | 09:28 11/02/2023

Tuần qua, NHNN tổ chức Hội nghị về tín dụng bất động sản và đưa ra nhiều thông điệp, quan điểm về vấn đề nguồn vốn cho thị trường địa ốc. Tại Trung Quốc, chính quyền nước này đang đưa ra nhiều phương án mới để tháo gỡ khó khăn cho bất động sản.

[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Chính phủ ưu tiên phát triển nhà giá rẻ, Trung Quốc dốc sức cứu BĐS
Các doanh nghiệp kiến nghị với NHNN 17 đề xuất để tháo gỡ khó khăn.

Nghe Bản tin 7 ngày địa ốc

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị tín dụng bất động sản 

Tại Hội nghị về tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8/2, các doanh nghiệp bất động sản nhìn nhận rủi ro trên thị trường hiện nay mang tính hệ thống khi thị trường chứng khoán giảm rất mạnh, gần như mạnh nhất thế giới; Thị trường trái phiếu có những thay đổi lớn về quy định pháp luật dẫn đến một số khó khăn nhất thời. Niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường bị khủng hoảng mạnh. 

Các doanh nghiệp kiến nghị với NHNN 17 đề xuất để tháo gỡ khó khăn cho thị trường và chính các doanh nghiệp, gồm: giữ nguyên nhóm nợ, không nên phân biệt hệ số rủi ro, tăng chỉ tiêu tín dụng, cần có hướng dẫn về tín dụng đối với việc phát triển khu đô thị, mở room tín dụng riêng cho bất động sản, hỗ trợ tín dụng cho phân khúc nhà ở xã hội, có cơ chế riêng về tín dụng bất động sản du lịch…

Ngân hàng Nhà nước cho biết chưa từng có chủ trương siết tín dụng vào bất động sản trong năm qua, ngược lại, vẫn cấp tín dụng cho bất động sản với mức tăng trưởng cao và dư nợ lớn. Với các dự án, phương án vay vốn khả thi, ngân hàng cho vay theo đúng quy định. Nhà điều hành chỉ kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng với một số phân khúc bất động sản có rủi ro cao như đầu cơ, kinh doanh phân khúc lớn có tính đầu cơ dẫn đến tình trạng bong bóng.

Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cuối năm 2021 và là một trong những lĩnh vực được giải ngân với mức tăng cao nhất. Tính đến cuối 2022, bất động sản chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ với nền kinh tế - là mức cao nhất trong 5 năm qua.

Về kiến nghị của doanh nghiệp cần xem xét có room tín dụng riêng cho bất động sản, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định sẽ không có room riêng cho từng ngành nghề, lĩnh vực mà chỉ có room tín dụng chung để dễ kiểm soát lạm phát.

Đồng thời, ông Tú cũng cho rằng sẽ không có chuyện thiếu room tín dụng vào thời điểm đầu năm, doanh nghiệp không cần kiến nghị sớm. Việc thiếu room tín dụng nếu có thường rơi vào thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp nói không vay được vốn tín dụng vì thiếu room tín dụng là không đúng.

Phát biểu cuối Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết hiện Chính phủ đang khuyến khích phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà giá rẻ và NHNN sẽ có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia các chương trình này. Bà Hồng cũng nhấn mạnh việc các doanh nghiệp cần chủ động quản trị dòng tiền, tái cơ cấu, tránh phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng, đồng thời không trông chờ vào các cơ quan chức năng. Về mặt điều hành kinh tế vĩ mô trong tình hình bất ổn chung, việc ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi. 

Trung Quốc dốc sức cứu ngành địa ốc

Theo Bloomberg, lợi nhuận của các tập đoàn địa ốc Trung Quốc có thể rơi xuống mức thấp nhất 7 năm do doanh thu lao dốc và hàng loạt dự án bị đình trệ. 16 biện pháp giải cứu thị trường địa ốc Trung Quốc được đưa ra vào cuối năm 2022 được cho là chưa phát huy nhiều tác dụng. 

1200x_1_2_.jpg
Bắc Kinh có kế hoạch nới lỏng các hạn chế đối với việc vay vốn của doanh nghiệp bất động sản, giải quyết nguy cơ "đứt gãy dây chuyền vốn" trong lĩnh vực này. Ảnh: Bloomberg.

Bước sang năm 2023, Bắc Kinh tiếp tục tung thêm một loạt biện pháp hỗ trợ, trong đó có kế hoạch nới lỏng các hạn chế đối với việc vay vốn của doanh nghiệp bất động sản, giải quyết nguy cơ "đứt gãy dây chuyền vốn" trong lĩnh vực này.

Các nhà chức trách cũng cân nhắc áp trần tỷ lệ hoa hồng trên toàn quốc đối với các công ty môi giới, trong khoảng 2-2,5% và hạ lãi suất đối với những người chưa sở hữu nhà, nếu giá nhà mới giảm liên tiếp 3 tháng.. 

Trung Quốc sẽ bật đèn xanh trở lại cho các quỹ đầu tư tư nhân để huy động vốn đối với những dự án phát triển nhà ở, sau lần đầu tạm dừng phê duyệt vào năm 2021.

Ủy ban Phát triển và Ổn định tài chính Trung Quốc đã yêu cầu các cơ quan quản lý ngân hàng và chứng khoán hỗ trợ các tập đoàn lớn, bao gồm cấp vốn mới, cấp tín dụng, cho phép thành lập những quỹ tín thác đầu tư bất động sản và thúc đẩy hoạt động mua lại.

Trung Quốc cũng mở rộng chương trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp lên tới 250 tỷ nhân dân tệ, giúp doanh nghiệp phát hành thêm trái phiếu và giải quyết khó khăn về thanh khoản.

Nỗ lực giải cứu của Trung Quốc đã vực dậy niềm tin của nhà đầu tư. Theo Bloomberg, chỉ số đo lường các công ty bất động sản tăng mạnh 72% từ mức thấp nhất trong tháng 10/2022.

Các thông tin đáng chú ý khác

TP.HCM muốn đánh thuế bất động sản thứ 2

Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 vừa gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, TP.HCM kiến nghị tăng thu thuế nhà, đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng hoặc bất động sản thứ hai trở lên để hạn chế tình trạng đầu cơ và tăng nguồn thu ngân sách. Dự thảo lần này có nhiều cập nhật so với bản gửi Chính phủ vào tháng 12/2022, trong đó đáng chú ý là đề xuất thu thuế nhà đất thứ hai trở lên với hai phương án.

Phương án một, thành phố kiến nghị thí điểm thu thuế nhà và đất ở mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định mức thuế, phương pháp tính và thời gian áp dụng.

Phương án hai, thành phố đề xuất tăng mức thu liên quan nhà đất thứ hai trở lên, cụ thể là: lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.

Mức tăng do HĐND thành phố quyết định, gồm: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức hiện hành) và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá 2 lần mức hiện hành); tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ mức 0,5% giá trị chuyển nhượng lên mức 2%, và mức tối đa chuyển nhượng một hồ sơ từ mức 500 triệu đồng lên một tỷ đồng.

Hà Nội: TTTM Aeon Mall Hoàng Mai Giáp Bát sắp được xây dựng

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết bãi đỗ xe, trung tâm thương mại Aeon Mall Hoàng Mai Giáp Bát tại các phường Đại Kim và Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Theo đó, khu đất nghiên cứu quy hoạch dự án hơn 8 ha, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tối thiểu 4.000 chỗ đỗ xe. 

Trước đó, vào tháng 5/2022, lãnh đạo TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam về tình hình triển khai dự án Aeon Mall Hoàng Mai.

Tại buổi làm việc, ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng Giám đốc Aeon Mall Việt Nam cho biết, dự án Aeon Mall Hoàng Mai đang ở những bước chuẩn bị đầu tư cuối cùng. Phía Tập đoàn đã chuẩn bị đầy đủ về kinh phí, nhân lực, trang thiết bị để có thể khởi công ngay sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư.

5 dự án cao tốc được bổ sung hơn 31.000 tỷ đồng

Phó Thủ tướng vừa ký Quyết định bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2022 số tiền 31.392 tỷ đồng cho Bộ Giao thông vận tải để bố trí kế hoạch vốn cho 5 dự án cao tốc lớn. 

Cụ thể, dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam làm chủ đầu tư. 4 dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư.

Metro số 1 được điều chỉnh hạn hoàn thành vào cuối năm 2023

Thủ tướng vừa phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với hạn hoàn thành thi công vào quý IV/2023. Thời gian kết thúc dự án từ 2024 đến 2028.

Metro số 1 dài 19,7 km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình. Tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Công trình có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Theo quyết định 4856/2019 phê duyệt điều chỉnh dự án metro số 1 trước đó, công trình có thời gian hoàn thành vào quý IV/2021.

Nghiên cứu đầu tư đường sắt kết nối Hà Nội với 4 tỉnh lân cận

Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Chính phủ giao các địa phương xây dựng lộ trình nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc.

Ga Kép dự kiến khai thác liên vận quốc tế từ ngày 20/2, tăng xuất khẩu hàng qua đường sắt

Theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ga Kép (tỉnh Bắc Giang) sẽ khai trương vào ngày 20/2. Theo đó, tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ bố trí quỹ đất cho hạ tầng logistics liền kề, kết nối với ga. 

Ga Kép trở thành ga liên vận quốc tế sẽ góp phần nâng cao năng lực vận tải cho toàn tuyến Hà Nội - Lạng Sơn qua Trung Quốc đi châu Âu, đặc biệt khi Trung Quốc đã có chính sách thông thoáng hơn về kiểm soát dịch bệnh đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.








Bài liên quan

(0) Bình luận
[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Chính phủ ưu tiên phát triển nhà giá rẻ, Trung Quốc dốc sức cứu BĐS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO