PGS.TS. Nguyễn Hồ Phi Hà: Luật Giá (sửa đổi) tạo khung pháp lý cho công tác quản lý, điều hành giá

Nhật Đức | 07:28 29/08/2023

Vào ngày 19/6/2023, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Giá (sửa đổi) với nhiều điểm mới. PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà nhận định Luật Giá (sửa đổi) sẽ tạo khung pháp lý cho công tác quản lý, điều hành giá.

PGS.TS. Nguyễn Hồ Phi Hà: Luật Giá (sửa đổi) tạo khung pháp lý cho công tác quản lý, điều hành giá
PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà - Trưởng Bộ môn Định giá tài sản , Học Viện tài chính.

Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 có nhiều điểm mới nhằm khắc phục một số hạn chế bất cập của luật hiện hành, luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Về nội dung cụ thể, Luật Giá (sửa đổi) quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Đánh giá tác động của Luật Giá (sửa đổi) đến giá cả thị trường, PGS.TS. Nguyễn Hồ Phi Hà - Trưởng Bộ môn Định giá Tài sản, Học viện Tài chính cho rằng: "Luật giá (sửa đổi) sẽ góp phần tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá được thực hiện nhất quán theo cơ chế thị trường theo hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường. Từ đó, phần nào sẽ đảm bảo hài hòa quyền lợi, tác động tích cực đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp".

Ngoài ra, Luật Giá (sửa đổi) cũng góp phần đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, khuyến khích cạnh tranh về giá.

Cũng theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Hồ Phi Hà, thông qua Luật Giá (sửa đổi), có thể thấy doanh nghiệp sẽ được đảm bảo quyền tự định đoạt, tự do kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tiếp tục đổi mới để làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tránh can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính.

Đồng thời, việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, có tính độc quyền cũng được đặt ra nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong các quan hệ kinh tế, giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ đó.

Để kiểm soát các yếu tố hình thành giá, Luật Giá (sửa đổi) cũng có tác động sâu rộng khi quy định cụ thể về việc kê khai giá, niêm yết giá, tham chiếu giá góp phần tạo mặt bằng giá giúp ổn định thị trường, PGS.TS. Nguyễn Hồ Phi Hà chia sẻ.

Trong các trường hợp giá hàng hóa, dịch vụ khác có biến động bất thường khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp phục vụ công tác quản lý, điều hành, giá cũng sẽ được tác động nhằm hướng đến việc bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Đối với các biện pháp bình ổn giá, về cơ bản tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành khi quy định chi tiết Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tại Luật và trường hợp có điều chỉnh sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Riêng đối với Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá đã bổ sung mặt hàng thức ăn chăn nuôi và đưa ra khỏi danh mục các mặt hàng điện, muối ăn và đường ăn. Danh mục tại Luật sẽ gồm 9 hàng hóa, dịch vụ là: Xăng, dầu thành phẩm; Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Thóc tẻ, gạo tẻ; Phân đạm, phân DAP, phân NPK; Thức ăn chăn nuôi; Vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trường hợp phát sinh tình huống đặc biệt thì khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương và biện pháp bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục trong thời hạn nhất định.

Những quy định thể hiện sự linh hoạt của Luật Giá (sửa đổi) trong việc triển khai bình ổn giá trong các tình trạng cấp bách, cần triển khai gấp, kịp thời để khắc phục được những hạn chế trong thời gian qua, PGS.TS. Nguyễn Hồ Phi Hà nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
PGS.TS. Nguyễn Hồ Phi Hà: Luật Giá (sửa đổi) tạo khung pháp lý cho công tác quản lý, điều hành giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO