Theo báo cáo ngày 28/6 của Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) toàn phần không tăng trong tháng 5 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Những con số này cũng đúng như dự đoán trước đó của Phố Wall.
Trong khi đó, PCE lõi tháng 5 (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và cũng tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả hai con số này đều đúng với dự đoán của Dow Jones. Tháng 5 ghi nhận mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Ngoài con số liên quan đến lạm phát, Cục Phân tích Kinh tế báo cáo thu nhập cá nhân tăng 0,5% trong tháng 5, cao hơn dự đoán là 0,4%. Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng tăng nhẹ 0,2%, yếu hơn so với dự đoán là 0,3%. Điều này báo hiệu người Mỹ đang thận trọng hơn với túi tiền của mình.
Người Mỹ đã chi rất nhiều tiền vào nửa cuối năm 2023, nhưng họ đã giảm mua sắm vào đầu năm mới. Lạm phát kéo dài và lãi suất cao là những rào cản. Chi tiêu tiêu dùng là động lực tăng trưởng chính, chiếm khoảng 70% nền kinh tế. Việc giảm chi tiêu thường là dấu hiệu báo trước cho sự tăng trưởng kinh tế yếu đi.
Các hộ gia đình cũng không tiết kiệm được nhiều. Tỷ lệ tiết kiệm đã tăng lên 3,9% trong tháng 5, nhưng vẫn quanh mức thấp nhất trong lịch sử.
Chứng khoán tương lai lập tức tăng sau khi các nhà giao dịch nhận được báo cáo dữ liệu lạm phát mà Fed ưa thích. S&P 500 tương lai tăng 0,4%, Nasdaq Composite tăng 0,5% và Dow Jones tăng 0,1%. Kết phiên ngày thứ Sáu, 28/6, thị trường chính thức khép lại 6 tháng đầu năm 2024.
Dữ liệu lạm phát được các nhà đầu tư coi là quan trọng nhất, vì đó là cơ sở để Fed cân nhắc thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất. Nếu lạm phát tiếp tục giảm, Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào mùa thu.
Theo FedWatch Tool của CME Group, các nhà giao dịch hiện đang dự đoán 59,5% khả năng ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 9.
Theo CNBC, Market Watch