Chiều ngày 8/4, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Trước khi vào phiên thảo luận chính, Thế Giới Di Động công bố một quyết định nhân sự quan trọng, đó là ông Phạm Văn Trọng sẽ dẫn dắt chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh trong tương lai.
Trước kia, Bách Hóa Xanh do ông Trần Kinh Doanh điều hành. Tuy nhiên, ông Doanh đã rời vị trí này từ cuối năm 2021, và Chủ tịch Nguyễn Đức Tài điều hành Bách Hóa Xanh kể từ đầu năm 2022 đến nay.
Giờ đây, ông Phạm Văn Trọng sẽ thay ông Tài để điều hành Bách Hóa Xanh. Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông, ông Trọng cho biết Bách Hóa Xanh có 5 hành động lớn trong năm 2023.
Thứ nhất, dịch chuyển mọi suy nghĩ, hành động hướng về giá trị cốt lõi đầu tiên: "Khách hàng là số 1";
Thứ hai, tập trung xây dựng và phát triển thực phẩm tươi (hàng fresh) thành lựa chọn chính của bà nội trợ tại Bách Hóa Xanh;
Thứ ba, xây dựng nền tảng vận hành, chuỗi cung ứng đặc biệt cho thực phẩm tươi để sẵn sàng cho mở rộng hệ thống cửa hàng;
Thứ tư, đạt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận mà Ban giám đốc/Hội đồng quản trị đề ra và từng bước nâng cao thu nhập nhân viên;
Thứ năm, Bách Hóa Xanh online là trang thương mại điện tử ngành hàng tiêu dùng số 1 tại Việt Nam và hướng đến hoạt động kinh doanh có lợi nhuận.
Được biết, ông Trọng là giám đốc công nghệ của Thế Giới Di Động. Chính ông Trọng là người đứng sau hệ thống ERP của Thế Giới Di Động. Ông Trọng đã phát triển phần mềm này với nhiều chức năng từ quản lý hành chính, công ty, nhân sự, chia sẻ đến phần mềm quản lý quan hệ khách hàng CRM với rất nhiều hạng mục chi tiết.
Ban đầu ngay sau khi thành lập công ty vào năm 2004, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu làm một phần mềm đơn giản để quản lý website – trang tin tức về công nghệ, giới thiệu các sản phẩm một cách tốt nhất đến cho khách hàng.
Lúc đó vì chỉ có một cửa hàng nên việc kiểm soát các khâu kế toán, kinh doanh, hàng hóa khá dễ. Nhưng sau khi mở thêm một cửa hàng nữa, nhu cầu quản lý đã khác đi, nhu cầu luân chuyển hàng hóa trở thành bài toán khó.
Trước khó khăn đó, ông Nguyễn Đức Tài yêu cầu viết một phần mềm để chuyển các imei từ kho này đến kho kia, vì quản lý sản phẩm điện thoại là quản lý đích danh nên phải dựa trên imei của từng điện thoại. Lúc đó ông Trọng cho rằng viết như vậy chỉ giải quyết được một phần nhỏ của công việc, không mang lại nhiều thuận lợi về sau, nên đã đề nghị mọi người nghĩ đến một phần mềm quản lý tổng thể từ kế toán đến hàng hóa. Ý tưởng đó được Ban giám đốc đồng ý.
Sau đó, ông Trọng cùng bộ phận IT đã tập trung xây dựng phần mềm này, đến cuối 2004 hoàn tất và đi vào hoạt động từ đầu năm 2005.
Ban đầu, phần mềm cũng chỉ có chức năng quản lý hàng hóa đơn giản. Theo thời gian và chiến lược kinh doanh của công ty, ông Trọng và các cộng sự đã bổ sung, phát triển thêm nhiều phân hệ khác.
Vì giải pháp được xây dựng dựa trên nhu cầu nên nhìn chung chúng giải quyết được nhiều yêu cầu đặc thù theo mô hình kinh doanh của TGDĐ.
Chẳng hạn, giải pháp quản lý theo imei tạo cơ chế luân chuyển hàng hóa tại các siêu thị hay kiểm soát tồn kho hiệu quả hơn.
Từ hệ thống, Thế Giới Di Động có thể lấy ra những imei nào đã tồn kho quá lâu, hoặc nhân viên từ siêu thị này có thể biết được siêu thị cận kề nào đang có sản phẩm mà khách muốn mua… Điều quan trọng hơn mà giải pháp mang lại là tạo ra môi trường online đa tương tác khi cho phép toàn bộ nhân viên của TGDĐ dùng phần mềm này để phối hợp làm việc cùng nhau.
Hay như trong phân hệ quản lý bán hàng, cho phép xem được báo cáo ngay lập tức, biết siêu thị nào đang bán được bao nhiêu, đang tồn bao nhiêu, và tối ưu hóa thông tin về sản phẩm.
Tại các siêu thị TGDĐ, trên các kệ trưng bày có hệ thống đèn LED hiển thị thông tin về tên, giá cả sản phẩm. Những thông tin hiển thị này đều do hệ thống từ văn phòng chính tự động sắp xếp sau đó chuyển đến các siêu thị nhằm tối ưu việc tìm kiếm một sản phẩm cho khách hàng. Nhân viên ở các siêu thị căn cứ theo thông tin hiển thị trên đèn LED để sắp xếp sản phẩm tương ứng.
Hay trong phân hệ nhân sự tiền lương, với công nghệ dùng vân tay, hệ thống cho phép nhân viên biết chính xác ngày nào họ đi làm, vào lúc mấy giờ, bị trừ bao nhiêu tiền. Cuối tháng người quản lý tiền lương chỉ cần click chuột là hệ thống sẽ tự động tính lương và gửi bảng lương chi tiết đến từng người mà không hề nhận bất kỳ thắc mắc, khiếu nại nào từ nhân viên.
Về tuyển dụng đánh giá thử việc cũng dùng chứng từ điện tử của hệ thống, bộ phận nhân sự dựa theo đó để quyết định ký hợp đồng hay không. Tại các doanh nghiệp thông thường, trung bình cứ 100 nhân viên cần 1 nhân sự. Riêng TGDĐ, vì hệ thống đã làm việc thay người nên với gần 10.000 nhân viên trên cả nước, nhưng bộ phận nhân sự chỉ 10 người, và bộ phận tiền lương cũng chỉ có 2 người.