"Đi đâu tôi cũng khoe tôi làm ở FPT 30 năm rồi, mặc dù đã chuyển 7 loại công việc khác nhau ở đấy. Thế nhưng ngày nay các bạn Gen Z sẽ khoe cái khác: “Anh ạ, từ ngày ra trường em đã chuyển 3 doanh nghiệp. Cứ mỗi doanh nghiệp em lại được thăng một cấp và thu nhập tăng 30%”", ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT kể lại trong chương trình Góc nhìn văn hóa của VTV với chủ đề “Một điều nhịn chín điều lành”.
Theo khảo sát của Anphabe - công ty về lĩnh vực tuyển dụng, mục tiêu việc làm của Gen Z (những người sinh từ năm 1997 trở về sau) đa dạng hơn so với thế hệ trước như yêu cầu về thu nhập, phát triển, mở rộng quan hệ, trải nghiệm, cân bằng công việc và cuộc sống… Tuy nhiên, với các đơn vị tuyển dụng, bài toán nhân sự được nhìn nhận trên nhiều khía cạnh.
“Khi nhìn thấy trong CV của ứng viên nhảy việc quá nhiều, đặc biệt không có công ty nào bạn ấy gắn bó lâu dài, thì chắc chắn từ phía mình cũng có những lăn tăn khi đánh giá, xếp loại hồ sơ để phỏng vấn”, bà Nguyễn Thu Hà – Giám đốc điều hành Công ty DWN Việt Nam chia sẻ trong chương trình của VTV.
Ông Hoàng Nam Tiến đánh giá xu hướng chung hiện nay của Gen Z là thích nhảy việc. Nếu thế hệ trước làm tại một công ty cố định, giới trẻ lại thường đổi việc qua mỗi 2 – 3 năm, hiện tại còn nhanh hơn. Ông tỏ ra thông cảm với những lý do như “không phù hợp”, “muốn thử sức ở nhiều vị trí” hoặc “trầm cảm”…, đồng thời hiểu rằng đổi việc là xu thế tất yếu trong thời đại nhiều lựa chọn công việc và đề cao trải nghiệm. Tuy nhiên, ông vẫn nhận thấy rất nhiều bạn nhảy việc liên tục vì thiếu kiên nhẫn.
“Phần lớn các bạn nhảy việc là vì thất bại, tầm nhìn hạn hẹp. Các bạn tự cho rằng sếp đánh giá em không đúng, chia thưởng cho em không công bằng. Cứ mỗi khó khăn, dù nhỏ dù lớn, các bạn thể hiện tính cách mình bằng cách nhảy việc”, ông Tiến nói thẳng.
Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cảnh báo nếu không kiên trì theo đuổi công việc ở một vị trí, đóng góp và cống hiến cho tổ chức mà hay rời đi với lý do “hết vui”, sự nghiệp sẽ gặp nguy hiểm.
“Trong sự nghiệp của bạn sẽ có nhiều lúc đặc biệt khó khăn, thậm chí có thời điểm là “dead-point” – điểm chết. Đó là những cột mốc mang tính chất quyết định, đòi hỏi bạn phải vượt qua mới được công nhận, đạt thành tựu mới để đường hoàng đi tiếp.
Nếu các bạn không đủ nhẫn nại, không quyết tâm vượt qua được, bạn sẽ cứ lùi bước trước khó khăn và vô hình chung lặp lại tình huống này khi gặp các thử thách tiếp theo. Không một ai thành công mà không có sự kiên trì, nhẫn nại và bền bỉ”, ông Tiến phân tích.
Theo ông, mỗi người chỉ nên nhảy việc khi đã đạt độ chín trong chuyên môn, sự công nhận từ sếp, đồng nghiệp, thị trường và định hướng rõ ràng bước đi tiếp theo của sự nghiệp. Nơi tiếp theo phải có mức lương cao hơn hiện tại vượt trội, cơ hội phát triển tốt hơn... Mọi quyết định nhảy việc chỉ để trốn tránh áp lực công việc sẽ mang tới những áp lực mới.
“Tôi khuyến khích các em nhảy việc khi đã hoàn thành một công việc, đạt được kết quả rực rỡ, tức là đi ra trong vinh quang. Tôi rất chia sẻ khi các bạn nói với tôi rằng cuộc đời là những trải nghiệm, em muốn có nhiều trải nghiệm. Tôi ủng hộ sự trải nghiệm của các em, nhưng hãy ra đi trong vinh quang”, ông kết luận.