Ông chủ bị Pháp bắt, Telegram đang kiếm tiền ra sao?

Dy Khoa | 11:27 26/08/2024

CEO kiêm nhà sáng lập ứng dụng nhắn tin Telegram Pavel Durov bị bắt tại sân bay Paris-Le Bourget, ngoại ô Paris.

Ông chủ bị Pháp bắt, Telegram đang kiếm tiền ra sao?

Theo kênh truyền hình TF1, ông này bị tạm giữ với cáo buộc Telegram tiếp tay cho các hành vi phạm tội, do nền tảng này không có đủ người kiểm duyệt.

Telegram là ứng dụng nhắn tin tức thời dựa trên nền tảng đám mây, hoạt động trên nhiều nền tảng được mọi người trên toàn thế giới truy cập. Telegram được ông Durov sáng lập năm 2013, đặt trụ sở tại Dubai. Ứng dụng nhắn tin mã hóa được tạo ra để tránh bị chính phủ "nhòm ngó" dữ liệu.

Ông chủ của ứng dụng Durov hiện có tài sản 15,5 tỷ USD, theo Forbes. Tạp chí này đưa ông vào danh sách tỷ phú từ năm 2018, với 1,7 tỷ USD.

telegram.jpg
Ông Durov hiện có tài sản 15,5 tỷ USD.

Nhà sáng lập nền tảng Telegram từng nói với tờ Financial Times rằng Telegram hiện có 900 triệu người dùng và sắp có lãi khi công ty này đang tiến gần đến mục tiêu niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Cũng theo Pavel Durov, Telegram đã phát triển thành một trong những ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới đồng thời kiếm được "hàng trăm triệu USD" doanh thu sau khi giới thiệu dịch vụ quảng cáo và đăng ký thành viên cao cấp cách đây hai năm.

“Chúng tôi hy vọng sẽ có lãi vào năm tới, nếu không phải là năm nay”, nhà sáng lập cho biết trong cuộc phỏng vấn hồi đầu năm nay. Ông nói thêm rằng nền tảng này có 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, tăng từ mức 500 triệu người dùng tính ở hồi đầu năm 2021.

Telegram được "định giá hơn 30 tỷ USD"

Ông chủ của Telegram tiết lộ công ty đã "được chào mời với mức định giá hơn 30 tỷ USD" từ các nhà đầu tư tiềm năng bao gồm cả các quỹ công nghệ lớn.

“Lý do chính khiến chúng tôi bắt đầu kiếm tiền từ Telegram là vì muốn duy trì sự độc lập tài chính. Lợi ích từ một đợt IPO cũng sẽ giúp tăng trải nghiệm cho người dùng”, Durov nói.

Lãnh đạo Telegram cho biết việc hướng đến niêm yết trên sàn chứng khoán của Mỹ sẽ xảy ngay sau khi công ty đạt được lợi nhuận như mong muốn và điều kiện thị trường thuận lợi.

Durov từ chối bình luận về mốc thời gian cụ thể nhưng cho biết Telegram đã "nghiên cứu một số phương án cần thiết và phù hợp".

Ông tiết lộ Telegram đã huy động được 2 tỷ USD trong 2 đợt chào bán trái phiếu trị giá 1 tỷ USD và 750 triệu USD của năm 2021 và đợt phát hành tiếp theo trị giá 270 triệu USD thực hiện vào năm ngoái. Sau 13 năm hoạt động, nền tảng này hiện có khoảng 50 nhân viên toàn thời gian.

telegram-1.jpg
Telegram hiện có khoảng 50 nhân viên toàn thời gian.

Những nhà đầu tư sở hữu trái phiếu này có thể chuyển đổi khoản nợ (không có tài sản bảo đảm) thành vốn chủ sở hữu với mức chiết khấu 10-20% so với giá IPO của Telegram nếu việc lên sàn chứng khoán thành công diễn ra vào cuối tháng 3/2026.

Trong viễn cảnh của đợt IPO sắp tới, Durov còn cho biết cân nhắc bán một phần cổ phiếu của công ty cho những người dùng được coi là "trung thành".

Hiện tại, chi phí hàng năm của ứng dụng này chưa tới 0,7 USD cho mỗi người dùng, Durov cho biết.

Để tăng doanh thu, hãng đã thử nghiệm quảng cáo tại một số khu vực. Khách hàng quảng cáo phải chi 1-10 triệu euro trên nền tảng này.

Năm nay, họ dự định mở rộng chính sách này ra toàn cầu, tiếp cận các khách hàng nhỏ hơn. Hồi tháng 3, Telegram ra mắt dịch vụ chia sẻ 50% doanh thu quảng cáo với nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng của mình.

Họ còn áp dụng chính sách tài khoản dành riêng cho doanh nghiệp. Dù vậy, việc hãng tìm doanh thu từ quảng cáo được đánh giá là xung đột với mục đích ra đời của họ, là nội dung ít bị kiểm duyệt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ông chủ bị Pháp bắt, Telegram đang kiếm tiền ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO