Làm nghề giáo viên, rẽ ngang sang đầu tư bất động sản vào cuối năm 2021, anh B (giấu tên) hiện ôm hai mảnh đất thổ cư tại Q.9, Tp.HCM nhưng khổ sở vì “chạy ăn từng bữa”. Từ thời điểm nghỉ nghề giáo, theo chân anh em đi đầu tư bất động sản đến nay đã hơn một năm, anh B cho hay, giá như không quá vội vàng trong quyết định thì cuộc sống đã đỡ phần nào.
Vào cuối năm 2021, anh B cùng nhóm bạn thân (là nhà đầu tư bất động sản lâu năm) gom vốn liếng, có vay thêm ngân hàng để đầu tư đất. Anh quyết định nghỉ công việc giáo viên cấp một để tập trung cho công việc mới là đầu tư kiêm môi giới bất động sản. Cũng thời điểm này, anh cùng nhóm bạn xuống tiền một số lô đất tại Q.9 và Đồng Nai. Trong đó, có một nền đất của riêng anh, một nền khác chung vốn với bạn bè.
Từ một nhà đầu tư tay ngang, ban đầu vào thị trường khá lạ lẫm nhưng được bạn bè thân hỗ trợ, anh B “lướt cọc” thành công một số lô đất tại Q.9. Cho rằng đã chọn đúng đường đi, thế nhưng “người tính không bằng trời tính”, giữa năm 2022 khi thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng cũng là lúc anh mắc kẹt trên tài sản của mình.
“Thời điểm mua nhẩm tính giá bất động sản sẽ tăng gấp lần vào năm 2023 thế nhưng cũng do mình tính sai. Hiện cuộc sống khó khăn hơn khi tiền để vào đất, nợ ngân hàng vẫn phải trả hàng tháng”, anh B chia sẻ.
Không tự trách mình như anh B, một số nhà đầu tư mới tham gia thị trường, thậm chí nhà đầu tư lâu năm lại liên tục trách móc môi giới. Cũng vì tin lời môi giới rằng giá bất động sản sẽ tăng gấp đôi, gấp ba mà mua vào, hiện nhiều người lo lắng nhìn giá đất lao dốc.
“Có một số khách hàng liên tục nhắn tin tỏ kiểu trách móc vì giá đất xuống liên tục. Nhưng khi đó, giá bán theo giá thị trường, hiện giá xuống do tình hình chung, môi giới cũng không thể kiểm soát được”, một môi giới tự do khu Đông Tp.HCM phân trần.
Mua mảnh đất diện tích gần 60m2 tại khu Đông Tp.HCM vào giữa năm 2021 với giá 2.3 tỉ đồng. Chị Hoà (ngụ Q.12) gánh ngân hàng 1 tỉ đồng. Hiện mảnh đất đang hạ giá xuống 1.9 tỉ đồng nhưng rao bán chưa có người mua. Theo chị Hoà, thời điểm mua phần lớn cũng tin lời môi giới là giá khu đất này sẽ tăng gấp đôi sau một năm đầu tư. Quả thật đến đầu năm 2022, mảnh đất tăng giá lên 2.6 tỉ đồng nhưng hiện tại sụt mạnh và không có thanh khoản. Ban đầu cũng xác định đầu tư trung hạn nhưng do gánh ngân hàng và lãi suất lên nên dần đuối sức muốn bán ra trả nợ.
Thực tế, có không ít nhà đầu tư tay ngang ôm mộng làm giàu với bất động sản. Họ thường là những người ít kinh nghiệm và dễ xuống tiền. Một số người phụ thuộc phần lớn vào tư vấn của môi giới mà không tìm hiểu kỹ tài sản muốn mua. Khi thị trường biến động, giá giảm khiến những người này hoang mang và có phần trách ngược người bán.
Theo một nhà đầu tư bất động sản lâu năm, thực ra việc kẹt tài sản là đến từ những nhà đầu tư gánh ngân hàng và vào thị trường trong tâm thế lướt sóng. Với những người mua tích trữ hoặc xác định đầu tư trung – dài hạn thì việc biến động thị trường hiện tại không ảnh hưởng, giá chắc chắn sẽ tăng trong tương lai.
Vị này cũng lưu ý những điểm nhà đầu tư mua bất động sản lúc này cần biết. Thứ nhất, không nên vay ngân hàng vào thời điểm này. Thứ hai, nên lựa chọn loại hình cả lãi vốn và dòng tiền sẽ an toàn. Thứ ba, mua bất động sản xác định rõ nên để trên 2 năm đừng kỳ vọng quá nhiều. Thứ tư, chọn khu vực lịch sử giá tăng giá giai đoạn cũ dưới hai lần.
Thứ năm, mua khu vực có lịch sử tăng giá 3 năm gần nhất không quá hai lần so với sự tăng trưởng GDP. Thứ sáu, không nên mua khu vực dự án có quá nhiều lô và nhu cầu ở thấp. Thứ bảy, chọn khu vực có động lực thật trung hạn 2-3 năm đừng mua quy hoạch tương lai. Thứ tám, mua nên định giá kỹ và s sánh vài thị trường có điểm tương đồng để có thể so sánh. Cuối cùng, người này lưu ý nên đầu tư theo công nghiệp nhưng hiện hữu rồi thì tốt hoặc phải giai đoạn pháp lý 1/500.