Hai mặt của bức tranh kinh tế Ấn Độ
Sau hơn một thập kỷ nắm quyền, Thủ tướng Narendra Modi quả thực đã đạt được những bước tiến đáng công nhận. Dưới thời của ông, Ấn Độ trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, thị trường chứng khoán bùng nổ, các tòa nhà cao tầng và đường cao tốc mọc lên khắp nơi.
Tuy nhiên, đằng sau những thành công vẫn còn tồn tại những vết nứt mà các đối thủ chính trị của ông Modi đang muốn khơi ra. Đó là tỷ lệ thất nghiệp cao, tình trạng nghèo đói và sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng. Dường như chỉ một nhóm người trong số 1,4 tỷ dân của Ấn Độ được hưởng lợi,
Milan Vaishnav, Giám đốc Chương trình Nam Á tại Carnegie Endowment for International Peace, cho rằng nền kinh tế Ấn Độ bùng nổ với những người ở tầng lớp kinh tế xã hội cao hơn, còn những người ở tầng dưới đang gặp khó khăn.
Trong chiến dịch tranh cử năm nay, ông Modi tiếp tục hứa hẹn đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, lời hứa hẹn này liệu có trở thành hiện thực, khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn và đại bộ phận người dân vẫn đang lo toan mưu sinh?
Nút thắt của nền kinh tế Ấn Độ
Nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới và hơn 500 triệu người Ấn Độ đã mở tài khoản ngân hàng trong nhiệm kỳ của ông Modi. Chính quyền của ông cũng đã rót hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng của đất nước để thu hút đầu tư và triển khai các chương trình phúc lợi.
Song, tăng trưởng kinh tế thần tốc không thể che giấu thực trạng đáng lo ngại về bất bình đẳng và thất nghiệp tại Ấn Độ. Vấn đề này đã trở thành tâm điểm cuộc bầu cử năm nay. Các chính sách kinh tế của ông Modi chưa thực sự hiệu quả trong việc tạo ra các công việc ổn định với mức lương tương xứng cho người lao động.
Theo một nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Bất bình đẳng Thế giới, gần 90% dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ kiếm được ít hơn thu nhập bình quân đầu người hàng năm của đất nước là khoảng 2.770 USD. Trong khi đó, 1% giàu nhất sở hữu hơn 40% tài sản quốc gia, còn 50% người nghèo nhất chỉ sở hữu hơn 6%.
Để tránh gây ra bất mãn, Thủ tướng Modi và đảng của ông đang hy vọng giành được sự ủng hộ của các cử tri nghèo thông qua các chương trình phúc lợi xã hội quy mô lớn, với tổng ngân sách lên tới hơn 400 tỷ USD.
Chương trình phúc lợi liệu có hiệu quả?
Trọng tâm của chương trình phúc lợi là chương trình cung cấp lương thực miễn phí cho 800 triệu người. Chương trình này có từ trước khi ông Modi lên nắm quyền và được mở rộng đáng kể trong đại dịch. Dự kiến chương trình này sẽ còn kéo dài thêm 5 năm nữa.
Bên cạnh đó, hàng trăm triệu người dân đã được hưởng lợi từ các chương trình trợ cấp khác như cung cấp bình gas nấu ăn, xây dựng nhà vệ sinh miễn phí, tiếp cận nước sạch, wifi và điện. Chính phủ cũng tăng cường hỗ trợ tiền mặt cho nông dân và các nhóm cử tri chủ chốt khác.
Các phúc lợi như trợ cấp, lương hưu và các khoản vay hiện được chuyển giao bằng cách chuyển tiền mặt trực tiếp vào tài khoản ngân hàng được liên kết với thẻ nhận dạng sinh trắc học của mỗi cá nhân. Điều này góp phần giảm tham nhũng bằng cách cắt bỏ khâu trung gian.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng chính sách trợ cấp chỉ là giải pháp tình thế. Thay vào đó, chính phủ cần tập trung đầu tư vào giáo dục và y tế để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và giảm thiểu bất bình đẳng xã hội.