Cơn hoảng loạn bắt đầu sau khi Chloe xem được cảnh một người đàn ông bị sát hại. Cô gái này đã được huấn luyện trong 3 tuần rưỡi để chuẩn bị tinh thần cho những nội dung tiêu cực khi kiểm duyệt Facebook, song vẫn không khỏi bàng hoàng.
Để đối phó với những bài viết đầy thù hằn, video tấn công bạo lực hay cả những nội dung ‘cấp ba’, Chloe sẽ phải thử kiểm duyệt một bài đăng Facebook với sự chứng kiến của những người “bạn cùng lớp”. Trước mặt cô là một màn hình chuẩn bị trình chiếu một đoạn video. Chưa ai từng thấy nó trước đây, kể cả Chloe.
Đoạn video miêu tả cảnh một người đàn ông đang bị sát hại. Ai đó đang đâm anh ta, hàng chục lần, trong khi anh gào lên và cầu xin được sống. Việc của Chloe là cho cả phòng biết bài đăng này có nên bị gỡ bỏ hay không. Cô biết phần 13 trong bộ tiêu chuẩn cộng đồng Facebook ngăn cấm mọi video miêu tả cảnh chém giết.
Quay lại chỗ ngồi, Chloe như muốn oà khóc. Cô không thể tập trung được nữa nên quyết định rời phòng và bắt đầu nức nở. Đối với những người làm vị trí giống Chloe, hôm nay cũng chỉ là một ngày bình thường ở văn phòng.
Các kiểm duyệt viên được phỏng vấn miêu tả nơi làm việc như luôn rơi vào bờ vực của sự hỗn loạn không hồi kết. Đó là một môi trường làm việc độc hại, nơi họ phải thích nghi với những nội dung tiêu cực, sau đó hút thuốc trong giờ giải lao để xoa dịu cảm xúc.
Mọi thứ đôi khi khiến nhân viên Meta cảm thấy ngột ngạt. James Irungu, 26 tuổi, sống tại Kenya, đã quyết định bỏ công việc kiểm duyệt nội dung trên Facebook sau 3 năm chịu những tổn hại về sức khỏe tinh thần. Với nhiệm vụ loại bỏ bài đăng độc hại và vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, anh liên tục đối mặt với nội dung bạo lực và khiêu dâm, trong đó có cả các vụ tai nạn kinh hoàng và lạm dụng trẻ em.
Lo ngại sự khó chịu hoặc phán xét từ người khác, James Irungu giữ kín công việc của mình. Điều đó càng khiến anh trở nên xa cách gia đình và người thân, thậm chí luôn ở trong trạng thái lo lắng và sợ hãi.
"Tôi không nghĩ việc đó phù hợp với con người. Nó cô lập tôi khỏi thế giới thực vì tôi bắt đầu thấy thế giới này tăm tối thế nào", Irungu cho hay và nói vị trí này không đáng để hy sinh sức khỏe tinh thần của bản thân.
James Irungu không phải người duy nhất gặp vấn đề tâm lý khi kiểm duyệt nội dung Facebook. Một cựu nhân viên khác cho biết nhiều nội dung khiến cô lo sợ và có những đồng nghiệp đã phải bỏ việc.
Dĩ nhiên, vẫn có những người coi đây là một việc hữu ích, giúp bảo vệ người dùng và những người thân yêu. "Tôi cảm thấy mình đang giúp đỡ mọi người", một nhân viên nói dù cho biết mình từng có lần hét lớn giữa văn phòng sau khi phải xem một nội dung không mấy tích cực. Trưởng nhóm yêu cầu cô gặp nhân viên tư vấn y tế và cô đã có thể quay lại làm việc sau 15 phút nghỉ ngơi.
Theo BBC sĩ Ian Kanyanya, trưởng bộ phận dịch vụ sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện Quốc gia Kenyatta ở thủ đô Nairobi của Kenya, hơn 140 nhân viên kiểm duyệt nội dung Facebook được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) nghiêm trọng, rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) và rối loạn trầm cảm nặng tạm thời (MDD) do phải tiếp xúc các nội dung tiêu cực mỗi ngày. Những chẩn đoán nằm trong vụ kiện đang được đệ trình nhằm vào Meta và Samasource Kenya, công ty thực hiện kiểm duyệt cho Meta bằng cách thuê nhân viên ở châu Phi.
Các báo cáo y tế gửi tòa án mô tả điều kiện làm việc khủng khiếp bên trong cơ sở do Meta thuê. Các nhân viên liên tục xử lý nội dung trong không gian lạnh lẽo giống như nhà kho, dưới nguồn ánh sáng mạnh và bị giám sát nghiêm ngặt đến từng phút.
"Kiểm duyệt nội dung trên Facebook là công việc nguy hiểm, gây PTSD suốt đời. Ở Kenya, nó gây tổn thương cho 100% kiểm duyệt viên từng được kiểm tra về PTSD. Ở những ngành nghề khác, đa số sẽ phải từ chức và đối mặt với hậu quả pháp lý nếu 100% nhân viên mắc bệnh do công việc", Martha Dark, người sáng lập và đồng giám đốc của Foxglove, tổ chức ủng hộ vụ kiện, cho hay.
Kể lại những gì phải chứng kiến hàng ngày, anh Nkunzimana – một kiểm duyệt nội dung trên Facebook không kiềm chế được cảm xúc.
"Xem một đứa trẻ bị lạm dụng, tôi bị cảm xúc mạnh. Rồi xem hình ảnh một bà mẹ bị giết nữa. Thực sự tôi không bao giờ có thể xóa những hình ảnh ấy khỏi đầu óc mình", anh kể.
8 tiếng mỗi ngày, công việc của Nkunzimana là xem những cảnh rùng rợn rồi loại bỏ, để người dùng trên toàn thế giới không phải nhìn thấy. Theo lời anh Nkunzimana, trong giờ làm việc, một số đồng nghiệp đã phải hét lên hoặc òa khóc vì không chịu nổi.
Sau ca làm, Nkuzimana thường về nhà trong tình trạng kiệt sức, đóng cửa phòng ngủ, cố quên đi những gì đã nhìn thấy. Đến vợ anh cũng không biết chồng đang làm công việc gì.
Theo: The Verger, The Guardian