Trong báo cáo tài chính hợp nhất Quý I/2025, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, UPCoM: VEA) cho biết lợi nhuận sau thuế giảm 157,8 tỷ đồng tương đương 11%, còn 1.278 tỷ đồng.
Lợi nhuận ròng 1.260 tỷ là mức thấp nhất theo quý kể từ quý 3/2021 đến nay.
VEAM giải thích sự tụt giảm này chủ yếu từ do phần lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết giảm 11%, tương đương 136,9 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế giảm của VEAM là kết quả trái ngược với việc doanh thu thuần và lợi nhuận gộp đều tăng 16% trong cùng quãng thời gian này.
Theo thuyết minh, cổ tức và lợi nhuận được chia cho VEAM là 2.541,8 tỷ đồng. Trong đó, phần đến từ Honda chiếm phần lớn với 2.539,7 tỷ đồng.
Đóng góp từ Honda cho VEA trong quý này thấp hơn con số 2.922,2 tỷ đồng trong Quý I/2024, tương đương giảm 382,5 tỷ đồng.
Báo cáo của Vietcap cũng cho rằng, sự sụt giảm lợi nhuận của VEAM trong quý đầu năm 2025 chủ yếu vì kết quả của Honda Việt Nam, bất chấp sản lượng bán xe máy tăng mạnh và sản lượng bán ô tô du lịch gần như không đổi.
Báo cáo của VAMA cho thấy sản lượng bán xe ô tô của Honda trong quý đầu năm nay giảm 1% về mức 6.084 chiếc. Báo cáo của chính Honda cho thấy sản lượng bán xe máy trong quý đầu năm 2025 là 596.345, tăng 23,7%.
Công ty chứng khoán này cũng nhận định lợi nhuận của Ford Việt Nam đi ngang, dù sản lượng bán ghi nhận mức tăng trưởng.
Nguyên nhân chính của kết quả trên đến từ các áp lực lên giá bán do cạnh tranh gay gắt của cả 2 thương hiệu, qua đó lấn át các đóng góp từ các mẫu xe mới hoặc các mẫu xe nâng cấp.
VEAM hiện nắm giữ 30% cổ phần Honda Việt Nam, 20% cổ phần Toyota Việt Nam, 25% cổ phần Ford Việt Nam. Đây là những liên doanh "đẻ trứng vàng" cho VEAM và phần lớn lợi nhuận đến từ các công ty liên doanh, liên kết này. Ví dụ, trong năm 2023, VEAM được chia cổ tức hơn 6.800 tỷ từ các công ty liên kết, trong đó, từ Honda Việt Nam 5.844 tỷ đồng, Toyota Việt Nam hơn 660 tỷ đồng hay Diesel Sông Công 253 tỷ đồng.
Năm 2024, cổ tức dành cho VEAM có giảm về 5.736 tỷ đồng, gồm 5.079 tỷ đồng từ Honda Việt Nam, 261,5 tỷ đồng từ Toyota Việt Nam, 334,4 tỷ đồng từ Diesel Sông Công...
Năm 2025, VEAM xác định nhiệm vụ trọng tâm là tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 đặt mục tiêu 3.758,3 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2024. Doanh thu đặt mục tiêu 4.735,2 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2024, trong đó sản xuất công nghiệp đạt 4.242,1 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2024.
Ngoài ra, Bộ Công Thương với sở hữu hơn 88% tại VEAM cũng đưa yêu cầu nghiên cứu khả năng và năng lực sản xuất để tham gia vào các dự án, chuỗi cung ứng, theo sát với chủ trương của Việt Nam về đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao và phát triển các ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng nội địa hóa.
VEAM đang nghiên cứu sản phẩm cơ khí phục vụ cho ngành đường sắt như: Hệ thống cấp điện có thay ray thứ 3 hoặc hệ thống cấp điện trên cao dùng điện một chiều đối với đường sắt đô thị; nghiên cứu hệ thống cấp điện xoay chiều đối với đường sắt Quốc gia, đường sắt tốc độ cao; phụ kiện đường ray; các cụm chi tiết.
Để tham gia vào các dự án về đường sắt, Tổng công ty đã đề xuất với Bộ Công Thương tham gia sản xuất các sản phẩm như: Các loại bu lông, tấm kẹp ray; các loại động cơ điện, hộp giảm tốc hệ thống phanh, các chi tiết trong toa tàu, máy phát điện dùng trong xây dựng hạ tầng và toa tàu, kết cấu thép trong hạ tầng đường sắt và hệ thống cung cấp điện động lực, thiết bị bảo dưỡng, trạm bảo dưỡng đầu máy, toa xe...