Nội dung chính:
- Năm nay, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện năm 2022, dư nợ tín dụng 511.297 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2021.
- Lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng với kinh nghiệm từ nhiều năm trước, phương án thận trọng sẽ tốt hơn trong giai đoạn thị trường khó khăn.
- Hiện tại trái phiếu do Techcombank tư vấn phát hành, chưa có trái phiếu nào quá hạn.
Sáng 22/4, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên.
Năm nay, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện năm 2022. Nhà băng lên kế hoạch dư nợ tín dụng đạt 511.297 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Ngân hàng không đưa ra mục tiêu cụ thể về huy động vốn song cho biết huy động vốn trong năm 2023 phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế.
Nhiều cổ đông đặt câu hỏi về kế hoạch lợi nhuận của nhà băng, có người cho rằng kế hoạch cao trong bối cảnh thị trường khó khăn nhưng cũng có ý kiến đánh giá kế hoạch thận trọng so với kết quả đạt được năm 2022.
Trả lời cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT cho rằng Ngân hàng đã đưa ra nhiều kịch bản, 28.000 tỷ, 22.000 tỷ và thấp hơn. Tuy nhiên sau cùng, ngân hàng lựa chọn phương án 22.000 tỷ đồng vì cho rằng đây là phương án phù hợp nhất. Người đứng đầu Techcombank cũng cho hay với kinh nghiệm trải qua giai đoạn khủng hoảng 2010-2012 - giai đoạn khó khăn hơn cả lúc này, thì trong thời điểm không thuận lợi, thận trọng là phương án tốt hơn.
Chưa có khoản trái phiếu nào Techcombank tư vấn phát hành quá hạn
Một trong những nội dung được quan tâm tại đại hội lần này của Techcombank là việc kiểm soát rủi ro cho vay bất động sản và quản lý trái phiếu doanh nghiệp.
Lãnh đạo nhà băng thừa nhận Techcombank là một trong những ngân hàng cho vay bất động sản nhiều, tuy nhiên chủ yếu là cho vay cá nhân. Với hoạt động cho vay dự án, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho hay Techcombank chỉ chọn những khách hàng tốt, dự án tốt, dự án có pháp lý đầy đủ. Chủ tịch ngân hàng cho biết các dự án này vẫn được triển khai ngay cả khi thị trường khó khăn. Hiện Techcombank vẫn kiểm soát tốt nợ xấu.
Về trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Hồ Hùng Anh, Techcombank luôn quản lý như một khoản vay, quản lý từ sức khỏe, khả năng trả nợ của khách hàng, tài sản đảm bảo… Mặc dù trên thị trường tư vấn phát hành trái phiếu, Techcombank chiếm tỷ trọng lớn nhưng chưa có trái phiếu nào Techcombank tham gia tư vấn bị quá hạn trả nợ.
Cổ đông cũng đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc Techcombank mua cổ phần chào bán riêng lẻ của công ty chứng khoán TCBS, kỳ vọng của ngân hàng trong thương vụ này.
Ông Hồ Hùng Anh khẳng định thương vụ này được thực hiện theo quy định của pháp luật, Ủy ban chứng khoán và giám sát của NHNN.
Theo ông Hùng Anh, hoạt động của công ty chứng khoán TCBS sẽ có những biến động trong nửa cuối năm 2023 và tin rằng thị trường sẽ hồi phục. TCBS là đơn vị dẫn đầu trong tư vấn phát hành trái phiếu, việc tập trung vào thế mạnh là phù hợp.
Về thị trường cổ phiếu, TCBS cũng có những bước tiến trong năm 2022 nhưng lợi thế lớn nhất của công ty vẫn là vốn.
Tại đại hội, ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank cũng nêu quan điểm về việc ngân hàng này vừa bị Moody’s hạ bậc tín nhiệm. Theo lãnh đạo nhà băng, Moody’s là một đơn vị đánh giá độc lập. Việc đơn vị này hạ bậc tín nhiệm không có nghĩa là hoạt động của Techcombank có chất lượng đi xuống.
Theo lập luận của ông Jens Lottners, Moody’s hạ bậc tín nhiệm khi thị trường bất động sản trong nước khó khăn, hoạt động cho vay không thuận lợi… Việc hạ bậc tín nhiệm không tạo ra vấn đề nào về rủi ro thanh khoản hay an toàn vốn.
Dù không chia sẻ con số chi tiết, ông Hồ Hùng Anh cho hay trong quý I, nhà băng đạt kết quả vượt mục tiêu. Lãnh đạo ngân hàng cũng đặt kỳ vọng thị trường sẽ tốt hơn từ II năm nay.